TS. Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế). |
“Rồi sao, giờ lấy vợ hay lấy chồng”?
Nguyễn Vũ Hà Anh (quê Bắc Giang, ĐH Nghệ thuật Quân đội) đã trải qua những ngày tháng bức bối khi phải sống trong hình hài một người con trai. Tên khai sinh của Hà Anh là Nguyễn Duy Long, nhà có hai anh em trai, nhưng Long từ nhỏ đã thấy mình khác với người anh em của mình.
Long chỉ thích chơi với bạn gái, không chơi trò chơi nam, hay bị các bạn trêu chọc là “BĐ”... Đến khi học cấp III, Long bắt đầu thay đổi cách ăn mặc bằng những bộ đồ unisex (không phân biệt giới tính), từ đó, Long cảm thấy cuộc sống dễ chịu hơn.
Sau khi đỗ đại học, sống xa gia đình, cuộc sống trong cơ thể một cô gái bắt đầu, trước hết ở tên gọi là Nguyễn Vũ Hà Anh. Sau đó, cô thay đổi ngoại hình, để tóc dài và trang điểm sinh hoạt như con gái bình thường, kể cả ở trên lớp hay ở nhà. Suốt năm học thứ nhất, cô không dám về thăm bố mẹ.
Đến Tết âm lịch năm 2016, Hà Anh gọi điện về cho mẹ, thú nhận về những thay đổi của mình và xin phép bố mẹ được về quê ăn Tết. Cũng giống như các bậc phụ huynh khác, mẹ của Hà Anh bị sốc và la mắng cô, vặn hỏi tại sao như thế, bao lâu rồi, về nhà sẽ bị họ hàng, làng xóm cười chê...
Cái Tết đó là một kỷ niệm buồn nhất của cô vì bị bố mẹ bắt ở nhà, không cho đi đâu, lên họ hàng nội ngoại cũng bị xa lánh, kỳ thị, không cho trẻ đến gần... Bố Hà Anh là người luôn đặt nặng vấn đề con trai phải lấy vợ sinh con nối dõi nên bắt cô thay đổi lại, nếu không sẽ không cho đi học… Phải rất lâu sau đó, gia đình mới chấp nhận được thực tế..
Hầu hết những người chuyển giới đều trải qua thời kỳ đầu “được sống là chính mình” một cách khó khăn như vậy. “Lúc biết chuyện, ba em giận dữ lắm. Ông đòi giết em, em sợ quá trốn đi luôn...”, Tây Hà, cô gái chuyển giới từ nam sang nữ, kể lại giây phút cha cô “đón nhận” tin cô không muốn sống trong hình hài một người con trai nữa.
Mặc dù không bị phản ứng dữ dội như Tây Hà, nhưng chàng trai chuyển giới từ nữ sang nam Khang Di luôn phải nghe câu hỏi: “Rồi sao? Giờ lấy vợ hay lấy chồng?”, từ mẹ của mình…
Đó là chưa kể những lúng túng khi cần đi nhà vệ sinh công cộng, khi ai đó gọi tên thật giữa đám đông và họ phải quay lại trong một hình hài khác… Nghiên cứu về người chuyển giới nữ sinh sống và làm việc tại TP HCM cho thấy 45% bị từ chối việc làm do phân biệt đối xử.
Điều này phần nào giải thích cho thực tế chỉ có 4% những người tham gia khảo sát có việc làm ở khu vực chính thức (có hợp đồng lao động và được hưởng các chế độ, lợi ích của người lao động) và có tới 13% kiếm sống bằng nghề mại dâm.
Tình trạng bị lạm dụng tình dục và bạo lực trong cộng đồng chuyển giới cũng ở mức đáng báo động. 23% cho biết đã bị buộc phải quan hệ tình dục và 16% đề cập rằng đã bị bạo lực tình dục. Ngoài ra, 83% người được hỏi chia sẻ là bị chế giễu bởi vì họ là người chuyển giới. Tuy nhiên, những con số kể trên chỉ là bề nổi về bức tranh cộng đồng chuyển giới ở Việt Nam…
Không mong gì hơn… một người bình thường
Và những vấn đề trên đã được thảo luận trong hội thảo “Đừng để người chuyển giới mãi vô hình” do Viện Nghiên cứu và phát triển cộng đồng (SCDI) tổ chức mới đây tại Hà Nội.
Theo ước tính hiện nay, ở Việt Nam có khoảng 300.000 người chuyển giới. Sự phát triển của phong trào quyền cho người đồng tính nữ, đồng tính nam, song tính và chuyển giới trong những năm gần đây đã giúp cải thiện đáng kể sự hiện diện và tiếng nói của các nhóm người chuyển giới trong xã hội. Tuy nhiên, các rào cản về văn hóa, xã hội và pháp lý tại Việt Nam đang đặt người chuyển giới trở thành nhóm dễ bị tổn thương.
Nghiên cứu gần đây vào tháng 6/2019 do Mạng lưới người chuyển giới Việt Nam, dưới sự hỗ trợ của Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng và Mạng lưới người chuyển giới Châu Á Thái Bình Dương, thực hiện tại Hà Nội với sự tham gia của 250 người chuyển giới đã cho thấy nhiều thách thức trong trải nghiệm cuộc sống của họ về hành trình cảm nhận và chia sẻ về bản dạng giới; các vấn đề về sức khỏe tâm thần; kỳ thị và phân biệt đối xử; tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe…
Do chưa có khung pháp luật chính thức quy định hoạt động cung cấp và sử dụng dịch vụ nội tiết tố (hormone) và phẫu thuật chuyển đổi giới tính nên việc thực hiện một trong những quyền cơ bản nhất của con người - quyền được sống khỏe mạnh của người chuyển giới ở Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn và có nhiều nguy cơ đáng báo động.
Với những người đang tự điều trị nội tiết tố, chỉ có 37,6% tìm kiếm thông tin y tế trước khi bắt đầu sử dụng, hầu hết (72,9%) mua hormone từ bạn bè hay các nguồn không chính thức, 33,3% mua từ các nguồn trôi nổi trên mạng.
Phần lớn người chuyển giới có nhu cầu phẫu thuật sẽ phải sang nước ngoài, chủ yếu là Thái Lan để thực hiện can thiệp ở các cơ sở tư nhân không hợp pháp với chi phí rẻ hơn nhiều so với các bệnh viện. Điều đó đồng nghĩa với việc chấp nhận các rủi ro lớn về sức khỏe. Việc chăm sóc sau phẫu thuật tại Việt Nam cũng là rào cản lớn do cán bộ y tế tại các cơ sở thiếu hiểu biết về người chuyển giới và chăm sóc sức khỏe cho người chuyển giới.
Chia sẻ về hành trình chuyển giới của mình, chị Nguyễn Kim Mai cho biết, ngoài những vấn đề về y tế, xã hội… thì người chuyển giới gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc thừa nhận quyền của người chuyển đổi giới tính.
Chị Nguyễn Thị Kim Mai |
“Tôi từng mang giấy tờ về địa phương để xin đổi tên. Lần đầu tôi xin đổi tên và giới tính thì họ nói pháp luật chưa cho phép và có lưu lại hồ sơ. Lần thứ 2, thứ 3, tôi đến xin đổi tên, với quyền công dân của mình, tôi nghĩ có quyền được đổi nhưng họ nói tên của tôi đẹp rồi, tên thì phải trùng khớp với giới tính nên họ cũng không đổi cho”, chị Nguyễn Kim Mai cho biết.
Ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết, Hiến pháp sửa đổi năm 2013 trên cơ sở tôn trọng quyền con người đã tạo cơ sở pháp lý cho phong trào kêu gọi quyền của những người chuyển giới. Bộ luật Dân sự sửa đổi năm 2015 cũng thừa nhận quyền của người chuyển đổi giới tính, mặc dù Luật này chưa có các quy định cụ thể về các quyền ở các lĩnh vực khác nhau của người chuyển đổi giới tính.
Trong quá trình xây dựng dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính, Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), cơ quan phụ trách soạn thảo đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp từ cộng đồng người chuyển giới Việt Nam và nhiều điểm của dự thảo đã được sửa đổi để đáp ứng quyền của người chuyển giới. Song, hiện nay, dự thảo chưa được Bộ Y tế trình Chính phủ và Quốc hội phê duyệt.
Cũng chính bởi chưa có Luật cho người chuyển giới nên hàng nghìn người chuyển giới vẫn khó khăn với thủ tục đổi tên. Hàng ngày, người chuyển giới vẫn phải đánh cược tính mạng và sức khỏe của mình với những viên thuốc, ống hormone và ở những cơ sở y tế không chính thức. Nhiều người phải làm các công việc bất hợp pháp hoặc có nhiều rủi ro về sức khỏe do khó khăn trong tìm kiếm việc làm…
“Tôi nghĩ nếu chỉ có cơ quan như Bộ Y tế vào cuộc không đủ mà cả cộng đồng người chuyển giới, người ta phải có tiếng nói của chính mình trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên dư luận xã hội. Để họ đòi hỏi quyền của họ xứng đáng được hưởng, đã được Hiến pháp, pháp luật công nhận. Khi người ta đấu tranh mạnh mẽ cho quyền của người ta, cộng với tác động của Bộ Y tế, hy vọng dự thảo Luật sẽ sớm được thông qua”, ông Nguyễn Huy Quang cho biết.
Nguyễn Vũ Hà Anh, một người chuyển giới chia sẻ, bản thân cô mong muốn Luật chuyển đổi giới tính sớm được thông qua để những người chuyển giới sớm có cuộc sống bình thường, không bị kỳ thị. Có như vậy họ mới sớm tìm được việc làm, được công nhận và được thay đổi giấy tờ tùy thân, để họ được sống với chính mình…
Năm 2012, nghiên cứu thăm dò đầu tiên về các cộng đồng người chuyển giới ở Việt Nam được thực hiện và công bố bởi Viện Nghiên cứu Kinh tế, Xã hội và Môi trường (iSEE), ghi dấu sự xuất hiện chính thức của cộng đồng này trên các diễn ngôn chính thức tại Việt Nam. Lần đầu tiên trong lịch sử, người chuyển giới trở nên hiện hữu với các nhà làm luật, người cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe, các tổ chức phát triển, các cơ quan truyền thông và xã hội nói chúng như một số nhóm dân số với những đặc điểm và nhu cầu đặc thù của mình. |
Tác giả: Uyên Na
Nguồn tin: Báo Pháp luật Việt Nam