Ông Hùng vui vẻ nói: “Tôi đi biển đã nhiều năm, nhưng gần chục năm nay mới thấy bóng dáng sò mai xuất hiện ở vùng biển này. Lạ là gần đây, sò mai kéo về sinh sôi phát triển nhiều vô kể. Cứ 6 giờ sáng, tôi cùng 3 anh em trong xóm đánh thuyền ra biển cách bờ khoảng 6-7 hải lý để đánh bắt, sau khoảng 6 giờ là đã kéo được 4 bì tải sò mai.
Có ngày trúng, thuyền tôi thu được cả tấn, sau khi sơ chế còn 70 – 80kg cồi sò mai, bán với giá 100.000 – 120.000 đồng/kg, trừ chi phí thu về 700.000 – 1 triệu đồng/người/ngày”.
Theo bà con ngư dân, bắt sò mai cũng khá đơn giản, chỉ cần quây lưới từ độ sâu khoảng 10m, đợi vài giờ thấy nặng lưới thì kéo lên. Bình quân một ngày đi biển, mỗi thuyền đánh bắt được trên dưới 5 tạ sò mai. Sau khi đánh bắt về, người dân lọc lấy cồi, bỏ phần thịt nhão. Cứ mỗi buổi chiều, người dân ở đây lại đổ ra bến chế biến sò mai. Nhiều gia đình có tới 2-3 người cùng làm, được trả công từ 10.000 -30.000 đồng/giờ.
Thương lái Nguyễn Thị Hoa ở thị trấn Cẩm Xuyên cho biết: Sò mai biển giá trị nhất ở 2 cái cồi, dân địa phương gọi là “điệp nữ”, “ngọc nữ”. Sò huyết cũng có bộ phận cồi nhưng chỉ nhỏ như tăm tre, còn cồi sò mai biển lớn bằng đồng xu, lớp thịt dày đến nửa lóng tay nên có thể chế biến thành nhiều món ăn đặc sản, được các nhà hàng ưa chuộng và có giá trị xuất khẩu.
Ông Phạm Tiến Dũng – Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Lĩnh cho biết, toàn xã hiện có 31 tàu thuyền các loại khai thác sò mai. Từ đầu vụ đến nay, người dân khai thác được gần 240 tấn sò mai đã qua chế biến, trị giá hơn 15 tỷ đồng.