Lận đận như Cường “que”
Khi Văn Quyến và Ánh Cường cùng tỏa sáng trong màu áo ĐT U16 QG, nhiều người sẽ nghĩ đến viễn cảnh, ĐT Việt Nam có những người kế tục cho Huỳnh Đức và Minh Chiến. Và, khi Văn Quyến trưởng thành vượt bậc, người ta vẫn hy vọng một ngày, Ánh Cường tiến kịp đồng đội. Thậm chí, có người còn tiếc cho Ánh Cường “sinh bất phùng thời” khi Hà Tĩnh, đội bóng của anh mãi chỉ gắn bó với giải hạng Nhì.
Nhưng rồi, khi Ánh Cường được HP.HN giải cứu, nhiều người đã mừng cho anh. Thậm chí, ít người biết rằng, để có được sự phục vụ của Cường “que”, đội bóng Hà Nội đã phải có cả chiến lược hỗ trợ toàn diện Hà Tĩnh. Bởi với Hà Tĩnh, Ánh Cường là cầu thủ không thể thay thế. Nhưng với HP.HN, họ đặt kỳ vọng vào một thương vụ lớn nên chẳng tiếc công, tiếc của, tiếc sức để có được sự phục vụ của anh.
HP.HN muốn biến Ánh Cường thành một biểu tượng mới. Nhưng, niềm tin vào anh đã vỡ vụn khi Ánh Cường không thể hiện được dấu ấn trong màu áo mới. Anh được cho K.KH mượn. Thật bất ngờ, Ánh Cường hồi sinh mạnh mẽ, để rồi một năm sau đó, HP.HN lại vời anh về với thật nhiều kỳ vọng. Nhưng, cũng chỉ một năm sau, anh lại bị đẩy đến K.KH. Và, thật ngạc nhiên, khát vọng lập thân đã khiến Ánh Cường tìm lại ánh hào quang để rồi, một lần nữa, HP.HN gọi anh về. Nhưng nghiệt ngã thay, Ánh Cường đã lụi tàn khi trở lại đội bóng Thủ đô dù cơ hội dành cho anh không hề ít. Cuối cùng, anh bị thanh lý hợp đồng để rồi, không thể gượng dậy khi được K.KH ném cho chiếc phao cứu sinh. Ngay cả khi Hà Tĩnh, đội bóng quê hương cho Ánh Cường điểm tựa thì anh cũng chẳng thể ngăn được đà tụt dốc.
Ánh Cường không có duyên với HP.HN
Đoản khúc “sao mai”
Nhiều người tiếc cho Cường. Thậm chí, có người bảo, lẽ ra Cường phải chọn cho mình một mảnh đất thuần hơn, chứ không phải là Hà Thành nơi có quá nhiều cám dỗ. Nhưng, cũng có người lại bảo, Cường cũng như nhiều cầu thủ thuộc lứa U16 năm nào đã không thể tìm cho mình con đường đi đến tương lai. Họ đã bị ám ảnh bởi quá khứ quá đỗi huy hoàng. Họ không thể thoát ra khỏi ý nghĩ, mình đang là thần đồng, mình là ngôi sao chứ không phải kẻ đang tìm kiếm vinh quang.
Năm 2012, sau bao năm lang bạt, cuối cùng Cường quyết định giải nghệ. Niềm vui của Ánh Cường bây giờ là xách xe đưa đón con đi học, hay phụ vợ việc gia đình. Và để khỏa lấp nỗi nhớ, Cường đi chơi bóng chiều tà (đá phủi). Ở Hà Tĩnh bây giờ, Ánh Cường nổi tiếng ở tất cả cả các mặt sân. Thậm chí, người ta vẫn gọi Ánh Cường là ngôi sao. Nhưng đó là ngôi sao trên sân phủi.
Tiếc cho Ánh Cường vì tuổi 29 đã rời xa sân cỏ, nhưng nhìn cuộc sống vui vẻ của tiền đạo này, ai cũng mừng cho anh. Bởi dẫu gì, Cường còn may mắn hơn những đồng nghiệp khác là bình yên bên gia đình. Hay nói đúng hơn, những năm tháng phiêu bạt, những bản hợp đồng có thể là ngắn hạn, nhưng vẫn đủ cho anh có “đồng ra, đồng vào”. Để giờ, Cường vẫn có được một cuộc sống tương đối dễ chịu. Có lẽ, đó là điều may mắn duy nhất còn đọng lại của “sao mai” ngày nào.
Vài nét về Nguyễn Ánh Cường
– Sinh năm 1984 tại Kỳ Anh, Hà Tĩnh.
– Cùng U16 VN giành hạng 4 Giải U16 châu Á 2000.
– Cùng U18 Hà Tĩnh vô địch Giải U18 QG 2002.
– Năm 2004, chuyển về HP.HN.
– Năm 2005, khoác áo K.KH theo dạng cho mượn.
– Năm 2006, trở lại HP.HN.
– Năm 2007, khoác áo K.KH theo dạng cho mượn.
– Năm 2008, trở lại HP.HN.
– Năm 2009, bị HP.HN thanh lý hợp đồng.
– Năm 2010, ký hợp đồng 1 năm với K.KH.
– Năm 2011, thi đấu cho đội hạng Nhì Hà Tĩnh.
– Năm 2012, giải nghệ.
ĐỨC NGUYỄN
Bongdaplus