Chủ sở hữu tòa nhà độc nhất vô nhị trên là gia đình bà Lê Thị Ngọc Trinh, ngụ tại đường Đặng Thái Thân, phường 3, TP. Đà Lạt. Bà Trinh cho biết trước khi lên ý tưởng xây dựng căn nhà này, gia đình bà đã tham khảo ý kiến của rất nhiều kiến trúc sư nhằm tạo ra một công trình “không đụng hàng”. |
Lấy ý tưởng từ những công trình kiến trúc gắn liền với các câu chuyện cổ tích, gia đình bà Lê Thị Ngọc Trinh quyết định xây dựng 2 căn nhà, gồm nhà trống và nhà mái với lối kiến trúc hết sức lạ lẫm. |
Căn nhà mái có diện tích rộng khoảng 300 m2, tòa nhà với 132 mái cũng là biểu tượng của 132 chiếc lá phong đặt trên nền mô phỏng của một kim tự tháp. Theo chủ nhân, sở dĩ tòa nhà được thiết kế như vậy là để kết hợp năng lượng kim tự tháp thời đại mới với lá phong tượng trưng cho tình yêu, hạnh phúc, sức khỏe và sự may mắn. |
Bên trong công trình này là nơi trưng bày 80 bức tranh chủ đề “lá phong” cùng với 800 chậu hoa treo, trên 100 chậu hoa bằng gốm sứ có nhiều kiểu dáng khác nhau. Trong nhà, chủ nhân còn khéo léo thiết kế thành khu shopping, nơi ăn uống, sân khấu. |
Bên cạnh nhà mái là căn nhà trống với hình thù như một chiếc trống được lắp ghép thành từ nhiều mặt trống. Tòa nhà có diện tích nổi lên trên bề mặt đất khá khiêm tốn. Tuy nhiên, chủ nhân lại khẳng định nhà trống có sức chứa hàng trăm người cùng lúc. |
Bà Lê Thị Ngọc Trinh cho biết ý tưởng thiết kế nhà trống được nảy sinh từ truyện cổ tích của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Chuyện kể, có một trận đại hồng thủy nhấn chìm mọi vật, mọi sinh linh, chỉ còn lại một đôi nam nữ trôi dạt cùng một cặp chó, một cặp gà, một cặp trâu, một cặp lợn… nhờ chui vào những chiếc trống được giằng buộc nhau mà sống sót. |
Nhà trống có 20 “mặt trống” làm bằng kính chịu lực, mô phỏng những bức tranh mặt nước sẽ tạo ra nhiều hình ảnh và màu sắc khác nhau khi cường độ ánh sáng bên ngoài khác nhau, đặc biệt là lúc bình minh hay hoàng hôn… |
Ngoài các công trình độc đáo như nhà trống, nhà mái, chủ nhân còn xây dựng cả nhà nấm, suối địa đàng, suối mơ, địa đàng trong lòng đất, đường hào hoa… Ý tưởng xây dựng các công trình trên đều được lấy từ những chuyện cổ tích và phỏng sinh học. |
Tác giả: Thạch Thảo
Nguồn tin: zing.vn