Du lịch

Ngôi đền thiêng cầu học vấn, khoa cử nổi tiếng ở Ninh Bình

Núi Non Nước (tên gọi khác là Dục Thúy sơn) của tỉnh Ninh Bình được ví như một hòn ngọc xanh quý hiếm, sơn thủy hữu tình. Nơi đây có một ngôi đền thiêng thờ vị tướng tài, danh nhân văn hóa đời Trần Trương Hán Siêu.

Di tích lịch sử đền Trương Hán Siêu.


Dục Thúy Sơn không chỉ là thắng cảnh đẹp, mà còn là Khu di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt gắn với danh nhân văn hóa Trương Hán Siêu. Tương truyền ngôi đền thờ Trương Hán Siêu nổi tiếng linh thiêng, người dân thường đến đây thường cầu công danh, học vấn. Hàng năm đây cũng là nơi diễn ra Lễ trao giải thưởng văn hóa và khuyến học của địa phương và tỉnh Ninh Bình.

Đền thiêng tựa lưng vào núi Thúy

Đền thờ Trương Hán Siêu được xây dựng ngay ở dưới chân núi Non Nước (còn có tên gọi khác là núi Dục Thúy) thuộc công viên Dục Thúy Sơn thuộc thành phố Ninh Bình. Dục Thúy sơn là một ngọn núi mang nhiều áng văn thơ hay nhất cổ nhất Việt Nam với hơn 100 bài vịnh với 40 bài khắc thạch của các danh nhân lịch sử của nước ta như: Lê Thánh Tông, Trương Hán Siêu… Ngọn núi thiêng và ngôi đền, chùa trong Khu di tích đã được xếp vào di tích lịch sử quốc gia từ năm 1962.

Tượng danh nhân văn hóa Trương Hán Siêu.


Đền thờ Trương Hán Siêu được kiến trúc theo kiểu chữ đinh. Trên đỉnh đền có hai con rồng chầu mặt nguyệt. Gian bái đường ở hai bên cắm bát cửu. Gian cuối cùng của hậu cung có tượng thờ Trương Hán Siêu được đúc bằng đồng. Vậy Trương Hán Siêu là ai, Ngài có phải một vị Thánh?

Theo sử sách, Trương Hán Siêu là một danh nhân văn hóa đời Trần, quê ở làng Phúc Am, huyện Yên Ninh, lộ Trường Yên (kinh đô Hoa Lư xưa) nay là phường Phúc Thành, thuộc thành phố Ninh Bình.

Vẻ đẹp đền Trương Hán Siêu bên sông Vân sông Đáy và núi Dục Thúy.


Ông là một vị quan dưới 4 đời vua nhà Trần, từng giữ các chức: Hàn lâm học sĩ, Hành khiển, Hữu ty lang trung, Tả ty lang trung, Thượng thư. Khi mất ông được hai đời vua truy tặng chức Thái bảo rồi Thái phó. Kiệt tác văn chương nổi tiếng nhất trong sự nghiệp sáng tác của ông là bài Bạch Đằng giang phú (Phú sông Bạch Đằng) - một áng thiên cổ hùng văn bất hủ có giá trị lịch sử và giá trị văn học lớn. Đây là một áng văn chứa chan niềm tự hào dân tộc, có ý nghĩa tổng kết lại chiến thắng Bạch Đằng: "Giặc tan muôn thuở thái bình/ Bởi đâu đất hiểm, cốt mình đức cao".

Theo chính sử, Trương Hán Siêu xuất thân là môn khách của Trần Hưng Đạo, tính tình cương nghị, học vấn uyên thâm. Lược truyện các tác gia Việt Nam viết: Trương Hán Siêu “lập được nhiều công trạng trong hai trận đánh giặc Nguyên lần thứ hai và thứ ba”.

Ngôi đền thiêng tựa lưng vào núi Thúy.

Trương Hán Siêu là người có học vấn sâu rộng, giàu lòng yêu nước, được các vua đời Trần tôn quý như bậc thầy. Thời trẻ, ông bài xích đạo Phật, nhưng vua không trách, còn bổ ông làm quản tự cho một ngôi chùa lớn. Về cuối đời, ông lại là người sùng đạo Phật và những sáng tác của ông cũng chịu ảnh hưởng tư tưởng này.

Ông cũng được đánh giá là một nhà văn hoá, có tầm nhìn du lịch sớm nhất Việt Nam. Ông cũng chính là người cùng với Nguyễn Trung Ngạn hợp soạn bộ Hoàng triều đại điển và Hình thư đặt nền tảng cho chế độ Phong kiến Việt Nam vận hành theo pháp luật.

Độc đáo Lầu đón gió Trương Hán Siêu

Trên đỉnh Non Nước còn có di tích Lầu đón gió Trương Hán Siêu, được xây dựng vào thế kỉ XIV. Tương truyền đây là nơi Trương Hán Siêu cùng với những tao nhân và các vị văn sĩ đàm đạo thơ phú và việc nước.

Xưa kia vào thời nhà Lý nơi đây còn có ngọn tháp Linh Tế cao vút và sau Trương Hán Siêu mô tả cái tháp nổi tiếng này với tên bài “Linh Tế tháp ký”. Hiện nay tháp này không còn nữa nhưng Ninh Bình đang có kế hoạch triển khai xây dựng tháp mới trên ngọn núi Non Nước.

Lầu đón gió Trương Hán Siêu.


Cái tên là Dục Thúy sơn do Trương Hán Siêu đặt lại cho núi Non Nước, có nghĩa là con chim trả tắm mình bên dòng sông nước bạc. Đây là một ngọn núi đẹp nằm ở giữa cầu Non Nước và cầu Ninh Bình và ngay ở trên ngã ba sông Vân và sông Đáy.

Ngày nay, đi qua 100 bậc đá, chia làm 5 cấp với nhiều bậc mòn lõm in dấu thời gian, du khách sẽ lên đỉnh Non Nước tương đối là bằng phẳng với bát ngát cây xanh nghiêng bóng xuống Lầu đón gió Trương Hán Siêu. Từ đây nhìn xuống, du khách được chiêm ngưỡng cảnh sông nước bao la, mây trời tuyệt đẹp, cõi lòng lắng xuống để xua tan đi cái mệt mỏi thường ngày.
Cùng với đền thờ Trương Hán Siêu, tại núi Non Nước còn có chùa Non Nước là điểm du lịch nổi tiếng về văn hóa tâm linh ở Ninh Bình.

Tác giả: Thành Nam

Nguồn tin: Báo Pháp luật Việt Nam

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP