|
Có dạo, vì công việc, chồng chị được biệt phái vào Nam một thời gian. Chị ở nhà một nách hai con. Thỉnh thoảng nhà có sự cố điện nước chị nhờ anh hàng xóm qua sửa hộ. Chẳng biết vì cô đơn, vì lửa gần rơm hay là bị người đàn ông cạnh nhà nói lời ngon ngọt mà chị ngã lòng. Hai người vụng trộm với nhau. Vợ anh hàng xóm nghi ngờ rồi tìm cách bắt quả tang. Chuyện vỡ lở, ai nấy đều bẽ bàng không dám ngẩng mặt.
Dĩ nhiên một chuyện tày trời như thế rồi cũng sớm đến tai chồng. Chồng chị thu xếp về nhà, bĩnh tĩnh nói chuyện phải trái giữa hai nhà, xin chị vợ gã kia đừng làm lớn chuyện, còn vợ anh anh sẽ dạy dỗ. Tối đó, trước sự bình tĩnh đến đáng sợ của chồng, chị quỳ xuống nền nhà xin tha thứ. Chồng chị không đánh không mắng, chỉ nhìn chị buông một câu: “Tôi sẽ từ từ mà cho cô nếm cái vị của sự phản bội nó đắng chát như thế nào”.
Người ngoài nhìn vào, người bên cạnh nhìn sang đều nói chồng chị là người đàn ông bao dung hiếm có, sau cơn bão nổi mà vẫn giữa được nhà bình yên. Chỉ chị mới rõ những cơn bão chưa bao giờ thôi giày vò lòng chị.
Kể từ ngày đó chồng chị đối với chị còn thua cả người dưng. Ngay cả một câu gọi dịu dàng cũng không có. Khi có mặt người ngoài anh vẫn niềm nở, nhưng khi có hai người sắc mặt anh lạnh lùng đến đáng sợ. Nhưng đáng sợ nhất vẫn là những buổi tối khi hai người lên giường.
Phải sau chuyện tai tiếng ấy chừng bốn tháng anh mới chạm vào người vợ. Lúc đầu chị cứ tưởng anh đã tha thứ cho chị rồi. Anh âu yếm vuốt ve khơi gợi niềm cảm hứng trong chị rồi đột ngột buông tay rồi nói như dội một gáo nước lạnh: “Cô và nó cũng đã từng như thế phải không?”
Rồi lần nào cũng thế, anh tìm mọi cách để dục vọng chị trào dâng rồi lạnh lùng buông chị ra quay mặt vào tường ngủ. Nhiều khi chị nhục nhã đến độ chỉ muốn hét lên “Nếu giết em có thể làm em hả giận thì anh hãy giết đi, đừng giày vò em như thế”. Chồng chị vẫn ánh mắt ấy, đầy coi thường và giễu cợt: “Cô có gan ăn vụng mà không có gan chịu đòn sao?”
Phải mất rất nhiều thời gian, nhờ đến cả hai bên gia đình can thiệp, cuối cùng anh mới đồng ý kí vào đơn ly hôn với điều kiện hai cậu con trai anh được quyền chăm sóc. Để thoát khỏi địa ngục hôn nhân, chị cắn răng ra đi tay trắng. Chị đã hỏi đi hỏi lại tôi một câu trong nước mắt: “Nếu anh ấy không thể tha thứ cho chị sao nhất định không chịu li hôn. Làm chị khổ anh ấy vui sướng lắm sao?”
Không, tôi biết anh ấy không hả hê, không vui sướng như chị vẫn tưởng đâu. Chỉ là anh ấy đau quá nên tìm cách trút nỗi đau vào chị. Những người ngoại tình không bao giờ hiểu được sự tổn thương họ gây ra cho bạn đời sâu sắc và nhức nhối đến nhường nào. Yêu càng nhiều thì nỗi hận càng sâu, tin càng nhiều thì càng bẽ bàng tột độ.
Tôi nghĩ khi một người ngoại tình, hẳn là họ thừa biết mình đang dấn thân vào một trò chơi mạo hiểm. Trò chơi mạo hiểm nó đem lại cảm giác mạnh, thú vị đấy, tuyệt vời đấy nhưng cũng rủi ro cao lắm đấy. Nếu anh đủ mạnh mẽ, không sợ đớn đau, không sợ trầy xước, không sợ mất mạng thì hãy tham gia. Và chỉ nên tham gia khi đã lường trước mọi hậu quả. Nếu anh sợ rủi ro, sợ đau đớn thì đừng chơi.
Dù gì đi nữa, đánh đổi một phút vui để thu về rất nhiều nước mắt, rất nhiều mát mát và nỗi đau thật không đáng. Đã có bao nhiêu câu chuyện bi thương, bao nhiêu bài học nhãn tiền về hậu họa ngoại tình vẫn không khiến người ta lo sợ. Bởi như ai đó đã từng nói: Trong chuyện tình cảm, kinh nghiệm của người này không thể dạy cho kẻ khác. Thay vì nhìn, thay vì nghe, người ta cứ muốn tự mình bước đi, tự vấp ngã rồi gặm nhấm nỗi đớn đau của bản thân mình.
Ngoại tình không phải là một tai nạn bất ngờ không thể tránh. Nó là một lựa chọn mà trước khi bước vào ai cũng đủ thời gian để suy nghĩ, cân nhắc xem mình làm thế có được không. Hãy hỏi bản thân mình một câu: Nếu đổi lại là chồng/vợ mình ngoại tình, liệu bản thân mình có đau khổ, có tha thứ, có dễ dàng chấp nhận? Nếu đến cả mình cũng thấy điều đó là không thể chịu đựng vậy cớ sao lại đem nó đối đãi với bạn đời?
Tác giả: Lê Giang
Nguồn tin: Báo Dân trí