Nghi Xuân

Nghi Xuân: Cha già chống gậy đón “phận người từ phố thị về đồi cát”

Xã vùng biển Xuân Liên (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) vẫn chưa hết bàng hoàng về cái chết của anh Hoàng Thành Chương khi tôi tìm về một chiều nắng xế trên những doi cát ven biển.

Quanh ngôi mộ còn thơm mùi đất mới của phận người cùng cực nhất trước đó đã gục xuống ở chốn phố thị xa hoa; nối tiếp là rất nhiều những giọt nước mắt, những cái nấc nghẹn ngào, những nếp nhăn đầy bí bách của vùng quê nghèo chát mặn gió biển…

Ôm con trong cỗ quan tài


Trưa 2.11, đúng vào ngày giỗ của mẹ anh Chương, cũng là ngày thứ hai anh nằm xuống trên trảng cát quê nhà. Người nhà anh Chương cho biết, đáng lẽ ngày này là ngày tốt để hạ huyệt anh trai, nhưng vì trùng giỗ mẹ nên phải chôn cất anh sớm một ngày khỏi trùng tang.


Ông Hoàng Đình Dinh (80 tuổi), cha anh Chương, vẫn ngồi đó, trong căn nhà xập xệ với bóng hình người con trai đầu. Cái chết tức tưởi của anh Chương vẫn chưa hết bàng hoàng trong ông. Ánh mắt đờ đi, ông chỉ ngồi một chỗ đăm chiêu nhìn vào một góc nhà xập xệ, nơi có ban thờ của vợ ông, và dưới một bậc giờ đây là của người con trai.


Vẫn chưa hết vẻ mệt mỏi sau nhiều ngày lo cơ sự cho anh trai, anh Hoàng Văn Hiền (em trai anh Chương) kể lại: “Trước khi nghe tin dữ của anh, tôi đi núi săn chim thú, lăn lội hết hai ngày trời vừa bước chân về đầu thôn đã nghe người thân thông báo. Không kịp ăn uống, tôi vội vã sắp xếp công việc cho mọi người ở nhà một cách nhanh gọn nhất rồi đi quanh xóm làng để mượn tiền vào lo hậu sự cho anh trai và việc cứu chữa các cháu”.


Thế là ngay hôm đó, anh Hiền cùng 3 người thân nữa lên ngã ba Gia Lách đón xe vào Đà Nẵng đón anh trai. Chuyến xe hôm đó đối với anh có lẽ là chuyến xe chậm chạp và nặng nề nhất đời. “Không biết vì mình nóng ruột hay xe chạy chậm mà lúc đó tôi thấy nó đi như bò cả năm tháng vậy”.


Rồi mọi chuyện về hậu sự của anh trai, về việc cứu chữa các cháu tại Đà Nẵng của người dân quanh các khu phố ở phường Thanh Khê Tây (quận Thanh Khê, Đà Nẵng) cũng đã an ủi phần nào người thân ở xa. Anh Hiền không ngớt xúc động:


“Mình không ngờ họ tốt vậy chú ạ, anh mình nghèo khổ vậy, không họ hàng thân thích mà bà con người góp tiền, người giúp hậu sự cho anh đàng hoàng cả. Không những vậy, bây giờ lúc anh đã chôn cất ở nhà, các cô các bác còn gọi điện ra hỏi thăm gia đình nữa, mình không biết báo đáp ra làm sao”.


SONY DSC


Ngước nhìn người cha già giờ khô như bức tượng trong nắng chiều, anh Hiền kể: hôm tôi đi, sợ ông ở nhà sốc vì tin anh mất nên nói mọi người giấu chuyện. Nhưng rồi khi hàng xóm tới dựng rạp, hỏi han, biết không thể giấu ông chuyện nên đành phải nói cho ông hay. Rồi ngày đưa quan tài anh về, cha tôi dù chân đã yếu vẫn run rẩy đi ra và đổ sạp trên quan tài của anh Chương. Vậy là tối hôm đó ông bị sốc, phải gọi bác sĩ tiêm thuốc mới đỡ lại. Từ lúc đó đến giờ ông chỉ ngồi vậy mà nhìn ảnh anh, không nói lời nào. Thi thoảng, ông Dinh lại nhìn ngước nhìn xa xa nói thều thào một cách trách giận: “Trời ơi, sao không cho tui chết để thằng Chương sống cho hấn còn nuôi con. Trời ơi, răng rứa trời!”


Người con đầu của anh Chương, cháu Hoàng Nguyễn Chí Cường (sinh năm 1997) vì không bị ngộ độc nên cũng đã theo các cô chú đưa cha về chôn cất ở đất quê. Ngồi ôm ông nội mà thi thoảng cậu bé mới có dịp về gặp, Cường thút thít: “Mấy đêm nay cháu ngủ với ông, đêm trở giấc lại thấy ông ngồi gục ở góc giường mà khóc…”.


Nước mắt mồ côi


Hỏi đến hoàn cảnh gia đình anh Chương, hầu như người nào ở thôn Linh Vượng, và cả xã Xuân Liên đều biết và thương cảm. Bởi lẽ, anh từng là một trong số ít những người con rất giỏi của vùng quê này, từng thi vào trường Sĩ quan lục quân, từng được cử đi học Liên Xô, rồi phục vụ trong quân đội…


Nhưng người quê cũng đau xót và cảm thông cho cái số nghèo và bạc mệnh của gia đình anh. Cuộc sống ở phố thị với người dân nơi đây nhiều khi không còn hấp dẫn và dễ dàng thoải mái khi người ta biết đến hoàn cảnh của con người có “số khổ” này nữa.


Xuất ngũ, anh Chương lấy vợ và làm việc tại nhà máy phân bón Thanh Khê, Đà Nẵng. Nhà máy chuyển đi, cả gia đình lâm vào khốn khó vì thất nghiệp. Rồi trong lúc đói khổ, người vợ mới chỉ tuổi ba lăm cũng lìa xa khi đứa con út mới chỉ được mười mấy tháng tuổi vì mắc bệnh ung thư vú. Cùng những người thân trong gia đình, cứ đến năm hai vụ mùa, hàng xóm láng giềng lại góp vào cho cha con anh Chương nào gạo, khoai để đỡ đần thêm bữa ăn.


SONY DSC

Ông Dinh và đứa cháu đích tôn thẩn thờ sau cái chết đầy đau đớn của anh Cương


Không cầm được nước mắt, người cô anh Chương kể lại: “Nó ở trong đó xa ngái nên lâu lâu tui mới cùng mấy đứa vào thăm được. Vợ mất đi, nó và ba đứa con sống khổ sống sở đến nỗi nhà chỉ có một cái nồi cơm điện và một nồi nấu thức ăn. Đợt mới hết khó vợ nó, tui vào thăm mà thấy cái nồi điện đã hỏng, mốc xanh bám đầy nồi. Tui phải ra chợ mua cho cả nhà cái nồi cơm điện khác. Giá mà trời phù hộ nó kiếm gì đủ bữa ăn tí thì đâu đến nỗi cơ sự ngày hôm nay”.


Cũng vì gia đình đói khổ, con trai đầu anh Cường phải nghỉ học từ năm lớp 10 để đi học nghề in tại Trung tâm hướng nghiệp của Hội chữ thập đỏ Đà Nẵng. “Bữa đó, cháu Cường còn đi học nên không ăn bữa cơm chết chóc cùng cha và em, không thì anh Chương tui chết đi không có đứa con trai mô chống gậy cả”, nhìn đứa cháu còn thơ dại và nghĩ đến hai đứa cháu còn nằm viện ở Đà Nẵng, anh Hiền chỉ biết thở dài.


Người đầu xanh đã ra đi, người đầu bạc giờ cũng nắng xế. Bây giờ cuộc sống và tương lai của những đứa cháu mồ côi tội nghiệp khiến anh Hiền không khỏi băn khoăn. Nhà anh Hiền tuy không được xét vào diện nghèo hay cận nghèo nhưng hai vợ chồng và 2 đứa con chỉ được cấp 13 thước ruộng (xấp xỉ một sào). Không có kế sinh nhai, hai vợ chồng phải lặn lội đi núi kiếm từng bó củi, ai thuê làm thêm thì làm để kiếm tiền nuôi con.


“Nhà có tôi và anh Chương là hai anh em trai, còn ba chị gái đã có chồng con. Cuộc sống ở vùng đất ven biển này ruộng không đủ lội vài bước chân nên chỉ biết đi làm thêm. Nay anh trai xảy ra cơ sự, tôi cũng đang chưa biết tính cuộc sống như thế nào cho các cháu. Nếu anh em bên ngoại, xã hội hỗ trợ cho các cháu cuộc sống được thì không còn gì bằng. Còn không, tôi sẽ đưa các cháu về đây sống, dù đất nghèo nhưng không khổ sở và chết chóc như phố thị ấy nữa, nhà có rau thì chú cháu ăn rau, có cá ăn cá…!”.


Nghĩ về tương lai khó nhọc của đàn con, và nay của những người cháu ruột – một sự lo lắng tột độ ùa về vón lại trong giọt nước mắt giấu sâu trong khóe khiến cả bầu trời trước mắt anh Hiền như tối sầm lại.


Bài, ảnh: Thạch Châu



Hỗ trợ 3 trẻ mồ côi con anh Chương


DSC06435


Tối ngày 3.11, báo điện tử Một Thế Giới đồng hành cùng “Những người bạn đồng ngôn” đang thực hiện chương trình cừu trợ đồng bào miền Trung bị thiệt hại trong cơn bão số 11 đã đến Bệnh viện Phụ sản nhi Đà Nẵng thăm và hỗ trợ 5 triệu đồng cho các em nhỏ mồ côi trong loạt bài viết “Phận người cùng cực giữa đô thị phồn hoa”.


Như chúng tôi đã đưa tin, vụ ngộ độc lòng cá, trứng cá… tại phường Thanh Khê Tây dẫn đến cái chết của anh Hoàng Thành Chương đã làm bạn đọc xót xa. Nhờ được cấp cứu kịp thời tại bệnh viện Phụ sản nhi Đà Nẵng nên hai con nhỏ của anh Hoàng Thành Chương là Hoàng Nguyễn Chí Bình (14 tuổi) và Hoàng Nguyễn Chí Minh (6 tuổi) đã qua cơn nguy kịch và sẽ được xuất viện trong ngày 4.11.


Hiện tại, tất cả 3 con nhỏ của anh Chương lâm vào hoàn cảnh mồ côi cả cha lẫn mẹ và trông chờ vào sự giúp đỡ của cộng đồng.


Tổng kết đến tối ngày 2.11, nhiều cá nhân, tổ chức từ thiện, chính quyền và các cơ quan đơn vị đã quyên góp được tất cả 197 triệu đồng. Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam phường Thanh Khê Tây dự kiến sẽ lập một sổ tiết kiệm từ số tiền này để hỗ trợ những đứa trẻ mồ côi con anh Chương tiếp tục ổn định cuộc sống và đến trường.


Thành Nhân

MTG

  Từ khóa: phố thị , Cha già

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP