Còn mãi nỗi đau chiến tranh
Tình cờ chúng tôi gặp vợ chồng ông Đoàn Thanh Phong tại gia đình của hàng xóm của ông và nghe được câu chuyện về người bệnh binh này. Đầu tháng 4 năm 1974, chàng trai Đoàn Văn Phong tròn 18 tuổi, cùng với nhiều thanh niên trên quê hương Xô Viết, Đoàn Văn Phong đã lên đường tòng quân. Được biên chế công tác tại Trung đoàn 53, Sư 331, Quân đoàn 3 chiến đấu tại chiến trường Tây Nguyên. Cuối năm 1974, binh nhì Đoàn Văn Phong bị thương trong một trận chiến với địch. Anh Phong được đưa về tuyến sau để chữa trị. Chiến tranh chống Mỹ kết thúc, Đoàn Văn Phong vẫn chưa xuất ngũ về quê để lập nghiệp. Khi tiếng súng bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Tây Nam vang lên, với suy nghĩ “chưa về khi Tổ quốc” chưa yên, anh tiếp tục lên biên giới cùng đồng đội bảo vệ biên cương. Đất nước sạch bóng quân thù, năm 1981, mang trên cơ thể những vết thương do kẻ thù gây ra, chàng trai quê lúa Hưng Nguyên phục viên trở về xây dựng quê hương.
Túp lều bằng bạt mới được dựng ở đám đất hoang cuối xóm |
Sau những năm trong quân ngũ, trên trận tuyến mới, cựu binh Đoàn Thanh Phong hăm hở bước vào phát triển kinh tế cho gia đình và quê hương. Ít năm sau đó, ông lập gia đình với người phụ một người phụ nữ cùng quê. Cứ tưởng, cuộc đời Đoàn Văn Phong từ đây sẽ sang trang mới tươi sáng hơn, bù đắp cho những ngày chiến chinh vất vả nhưng những bất hạnh lẫn quất trong cuộc đời ông bắt đầu lộ diện. Chất độc hóa học đã làm cho ông không thể có con, sức khỏe yếu, ốm đau thường xuyên. Hoàn cảnh đó buộc ông phải giải phóng cho người vợ thứ nhất để cho chị tự do có cơ hội thỏa mãn khát khao làm mẹ.
Chiếc xe đạp cũ là tài sản đáng giá nhất của người bệnh binh da cam |
Đến năm 1998, ông kết hôn với bà Nguyễn Thị Thanh, lấy nhau 20 năm hai vợ chồng vẫn chưa sinh được một mụn con. Bất hạnh đó là hệ lụy của những năm tháng chiến đấu trên chiến trường Tây Nguyên đã khiến cựu chiến binh Đoàn Văn Phong bị nhiễm chất độc hóa học với tỷ lệ mất sức lao động 59%. Mặc dù đã chữa trị nhiều nơi nhưng đến nay, cuộc sông củ hai vợ chồng ông vẫn quạnh quẽ bởi chưa một lần được nghe tiếng khóc, được ẵm trên tay đứa con mình sinh ra.
Sống cảnh không nhà ở
Cuộc sống buồn tẻ lại chồng chất khó khăn, năm 2014, mẹ ông mất, nhà lại đông anh em, mảnh vườn mẹ ông để lại cũng là đất hương hỏa thờ cúng ông bà, đồng nghĩ với việc vợ chồng ông không có đất ở . Không có đất để làm nhà, đầu tháng 8, năm 2017, vợ chồng đã dựng cọc chụm lều ở tại khu đất hoang cuối xóm. Tại đây, hai ông bà đã được sự chia sẻ của bà con lối xóm. Nhiều người đã hỗ trợ ngày công, người giúp đỡ vật liệu tre nứa, tăng bạt để tạo dựng “tổ ấm” cho vợ chồng ông. Trong túp lều đơn sơ, ngoài chiếc giường và những vật dụng cần thiết như xong, nồi, bát đĩa… ở đây còn chứa đầy tình cảm bà con trong xóm. Nhiều người đi qua về lại đều dừng chân tại túp lều vợ chồng người bệnh binh để thăm hỏi động viên, tạo tiếng cười vui cho hai vợ chồng bà Thanh đỡ tủi. Một người dân xóm 9, xã Hưng Lam cho biết: “Nhà ông bà Thanh- Phong vất vả lắm, cuộc sống chủ yếu dựa vào đồng phụ cấp bệnh binh của ông Phong. Hai vợ chồng không có con lại càng buồn, mong sao xã sớm cấp đất để họ làm căn nhà để ở”.
Hai vợ chồng ông Phong đang trao đổi với PV |
Hiện nay, ông Đàn Văn Phong đã hơn 60 tuổi, sức khỏe yếu, trí nhớ giảm, đau ốm thường xuyên không thể lao động, sản xuất. Cuộc sống của ông phụ thuộc cả vào sự chăm sóc của vợ ông. Không có chốn để an cư, ba năm nay, vợ chồng ông Đoàn Văn Phong đều gõ cửa chính quyền để xin cấp đất ở nhưng vẫn chưa được giải quyết. Bà Nguyễn Thị Thanh- vợ ông Phong tâm sự: “Vợ chồng tôi đã không có con, giờ không có nhà khổ sở lắm. Tôi chỉ có mong muốn được địa phương tạo điều kiện cấp đất để có làm nhà và chăm sóc cho chồng tôi được tốt hơn. Hiện nay, ông Phong sức khỏe rất yếu không biết sống được ngày nào biết ngày đó!”
Những đồ dùng trong căn lều rất sơ sài |
Từ năm 2015 đến nay, vợ chồng ông Đoàn Văn Phong đã nhiều lần gửi đơn xin chính quyền xã Hưng Lam và huyện Hưng Nguyên cấp đất ở nhưng vẫn chưa có kết quả. Về vấn đề này, ông Trần Văn Duyệt, Chủ tịch UBND xã Hưng Lam, huyện Hưng Nguyên cho biết: “Hoàn cảnh của ông Đoàn Văn Thanh địa phương rất quan tâm nhưng quy trình cấp đất cho ông Phong phải theo luật pháp. Hiện, UBND xã đã tiến hành quy hoạch đất hoang để chuyển đổi mục đích thành đất ở xen dắm khu dân cư và sà soát đối tượng để cấp, nhưng quy trình thực hiện cần có thời gian để cấp trên xem xét, giải quyết”.
Mong ước lớn nhất của vợ chồng ông Phong là sớm được chính quyền cấp đất |
Xã Hưng Lam hiện có 67 đối tượng thương, bệnh binh, người có công, do đó việc ông Đoàn Văn Phong đề xuất là chính đáng. “Trước đây, xã Hưng Lam thực hiện dự án đưa các cư dân thuyền chài lên bờ bằng việc cấp đất ở cho họ nhưng rất tiếc ông Phong không thuộc diện đó nên xã không thể cấp được” - ông Chủ tịch UBND xã Hưng Lam, huyện Hưng Nguyên cho biết thêm.
Mỗi ngày qua đi, trong túp lều trên bãi bồi ven sông Lam, nhiều người càng cám cảnh, lo lắng cuộc sống của vợ chồng bệnh binh khi mùa mưa bão đã đến.
Tác giả: Phạm Tuân – Sơn Cao
Nguồn tin: Báo Tài nguyên và Môi trường