Mồng 8 Tết Tân Mão (tức ngày 10-2), vượt gần 100 km từ TP Hà Tĩnh lên, với nhiều km đường đèo dốc hiểm trở, chúng tôi đến Nhà máy Thủy điện Hương Sơn. Ngay cổng Nhà máy, chúng tôi gặp được Tổng Giám đốc Nhà máy Thủy điện Hương Sơn Hoàng Quốc Triệu. Sau những cái bắt tay thân tình và lời chúc mừng đầu năm, anh Triệu cho biết: 100% số cán bộ, công nhân viên và chuyên gia đón Tết Tân Mão ngay tại Nhà máy để vừa hiệu chỉnh các thông số tổ máy số 1, vừa chuẩn bị khởi động tổ máy số 2.
Dù phải làm việc vùng rừng núi xa xôi nhưng anh em vẫn có bánh chưng, dưa hành, rượu, thuốc lá… để đón cái tết vui vẻ. Cũng theo anh Triệu: Vui hơn nữa, là hơn tám ngày hòa lưới điện quốc gia, tổ máy số 1 chạy rất ‘ngọt’ và đã phát điện, hòa lưới quốc gia 4.000 MW (đạt xấp xỉ công suất thiết kế). Các hạng mục công trình chính như: đập dâng chính nước lạnh, đập tràn, cửa nhận nước, tuyến đường hầm, kênh dẫn ra, trạm OPY, các thiết bị cơ khí thủy công đập tràn…, được vận hành đúng quy trình, đạt kết quả tốt. Còn tổ máy số 2 cũng đang trong quá trình chuẩn bị thử tải, thời gian hòa lưới điện của tổ máy này cũng đang được tính bằng ngày.
Tết Tân Mão lặng lẽ đi qua. Nhưng những người công nhân ở đây đến từ mọi miền quê của Tổ quốc cũng đang lâng lâng niềm vui làm ra nguồn điện năng, góp phần vào công cuộc CNH, HÐH đất nước. ‘Những người làm thủy điện như chúng em thì việc xa nhà trong những ngày tết không là điều xa lạ. Năm nay dù phải ở lại đây để vận hành tổ máy số 1 hòa vào lưới điện quốc gia, nhưng đó cũng là niềm hạnh phúc không dễ gì có được’. Ðinh Văn Bằng, công nhân vận hành nguồn cung cấp điện trải lòng.
Ðể có niềm vui như ngày hôm nay, hàng nghìn lượt cán bộ, công nhân của các nhà thầu cùng đồng cam cộng khổ trong suốt bảy năm liền ở ‘thâm sơn, cùng cốc’ vượt qua bao khó khăn ở nơi được mệnh danh là ‘chảo lửa, túi mưa’, địa hình dốc hẹp (từ độ cao 1.260 m xuống đến 50 m) và nhất là khó khăn về tài chính để chinh phục dòng Nậm Chốt (một nhánh sông Ngàn Phố bắt nguồn từ vùng núi thuộc dãy Trường Sơn trên địa bàn xã Sơn Kim 1). Các nhà thầu đã đào đắp 4.486.373 m3 đất đá; đổ 41.292 m3 bê-tông; sử dụng 2.611 tấn thép, 89.491 m3 đá… Nhiệm vụ đặt ra ngay từ đầu rất nặng nề, khó khăn chồng chất trong khi đòi hỏi kỹ thuật lại rất cao. ‘ Khu vực miền núi Sơn Kim có kết cấu địa chất phức tạp, nhất là đối với thi công tuyến đường hầm có nhiều đá mồ côi nên rất dễ bị sạt lở. Việc đắp đập dâng bằng đất sét đòi hỏi độ đầm nén chặt rất khó thực hiện vì có nhiều mạch nước ngầm. Hơn thế nguyên vật liệu phải vận chuyển từ thị xã Hồng Lĩnh lên với quãng đường dài nên mất nhiều thời gian. Ðó là chưa nói đến công tác quản lý vật liệu nổ phải bảo đảm an toàn tuyệt đối ngay khu vực biên giới’. Tổng Giám đốc Hoàng Quốc Triệu nhớ lại. Dù vậy, các đơn vị chủ lực như: Sông Ðà 6, Sông Ðà 12, Someco Sông Ðà… đã vào cuộc với một khí thế và quyết tâm cao. Cùng với đó là sự giúp đỡ nhiệt tình, có hiệu quả của chính quyền xã Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn và tỉnh Hà Tĩnh, cuối cùng công việc cũng đã diễn ra trôi chảy. Ðiều đặc biệt là các đơn vị thành viên sáng lập nhà máy Thủy điện Hương Sơn trực tiếp chế tạo 70% tổng trọng lượng thiết bị toàn bộ của Nhà máy; đồng thời trực tiếp xây dựng nhà máy, trong đó có lắp đặt đồng bộ và hoàn thiện máy móc, thiết bị kỹ thuật.
Hai tổ máy của Thủy điện Hương Sơn đi vào hoạt động trong lúc sản lượng điện đang thiếu hụt nghiêm trọng, sẽ góp phần thỏa mãn nhu cầu sử dụng điện của Hà Tĩnh ngay trong mùa hè này, khi cung cấp 60-70% lượng điện năng cho địa phương. Ðồng thời, tham gia cắt lũ và chống lũ quét, bảo vệ môi trường sinh thái; dự trữ nguồn nước ngọt cho vùng kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo; tạo nên điểm nhấn du lịch sinh thái hấp dẫn…
Ðã qua nỗi phiền muộn sau những cơn lũ lịch sử chồng lên nhau, bầu không khí u tịch vốn có của miền sơn cước Hương Sơn bị phá vỡ và thay vào đó là những âm thanh rộn ràng của tiếng máy ngay trong những ngày đầu xuân Tân Mão này. Thủy điện Hương Sơn hòa lưới điện quốc gia sẽ góp phần làm thay đổi diện mạo cuộc sống của người dân nơi đây.
Nhà máy Thủy điện Hương Sơn được thiết kế với hai bậc thang, có tổng công suất lắp đặt là 33 MW tổng sản lượng điện 160 triệu kW giờ/năm. Với tổng kinh phí đầu tư hơn 830 tỷ đồng, do ba cổ đông góp vốn: Tập đoàn Sông Ðà 63%, Tổng Công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh 20% và Tổng Công ty Cơ khí xây dựng 17%.
Bài, ảnh: THÀNH CHÂU
Nhân Dân