Giáo dục

Nên hạ bớt điểm ưu tiên để giảm sự chênh lệnh

Đối tượng ưu tiên rộng quá sẽ ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực. Có chăng cơ quan chủ quản là Bộ Giáo dục & Đào tạo nên xem xét thu hẹp diện được cộng điểm ưu tiên, hạ bớt điểm ưu tiên để giảm sự chênh lệnh.

Không nên bỏ chính sách ưu tiên mà cần xem lại để điều chỉnh cho phù hợp với thực tế

Trong kỳ thi đại học năm nay, nhiều thí sinh có số điểm cao chót vót, có em gần như tuyệt đối 30/30 điểm song có nguy cơ vẫn bị… trượt đại học, không vào được ngành nghề mình yêu thích vì không được cộng điểm ưu tiên.

Vấn đề điểm ưu tiên đã thực hiện từ lâu, nhưng nay thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân, học sinh. Qua đó đã bộc lộ những vấn đề khiến cho những nhà hoạch định, cơ quan chuyên môn cần phải nghiên cứu, tham mưu, đề xuất có giải pháp về vấn đề cộng điểm ưu tiên trong xét tuyển cao đẳng, đại học.

Theo tôi, chúng ta nên hiểu việc xét điểm ưu tiên, quá trình học tập và ra trường xin việc làm là câu chuyện khác nhau hoàn toàn. Về vấn đề thi cử lâu nay vẫn có câu “học tài thi phận”, chính là ở chỗ này. Người điểm cao, trình độ hơn hẳn xong vẫn không đỗ đại học.

Trong khi đó người kém điểm mình thì lại được tôn vinh, nhận vào học. Nhưng nếu bỏ điểm xét ưu tiên đối với tấ cả các đối tượng thì cũng thật không công bằng, sẽ mất đi tính nhân văn, nhân nghĩa của chế độ mà Đảng và Nhà nước ta đang thực hiện.

Bởi ở đất nước ta có nhiều vùng miền, thành phố, miền biển, đồng bằng, trung du, miền núi, với 54 dân tộc anh em. Điều kiện học tập, cập nhật kiến thức chắc chắn vùng núi cao, hải đảo không thể bằng được thành phố, đồng bằng.

Một học sinh sinh sống trong quận nội thành của Thủ đô Hà Nội đương nhiên điều kiện sẽ hơn hẳn so với một em sinh sống ở huyện miền núi Mường Nhé, tỉnh Điện Biên.

Ngoài điểm ưu tiên về dân tộc, vùng miền còn có điểm ưu tiên là con thương binh, liệt sĩ, người nhiễm chất độc hóa học, chiến sĩ hoàn thành nghĩa vụ quân sự, công an…

Con thương binh, liệt sĩ là những người chịu nhiều thiệt thòi. Bởi bố mẹ các em đã hy sinh hoặc mất đi một phần thân thể vì sự nghiệp đấu tranh, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Các con đối tượng này thiệt thòi cả về vật chất, lẫn tinh thần.

Việc nuôi dạy các con của gia đình thương binh, liệt sĩ đương nhiên không thể bằng được các gia đình khác. Nhất là đối với các chiến sĩ đang thực hiện và đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự, công an, nếu không được cộng điểm ưu tiên làm sao có thể so sánh với một học sinh học tập liên tục, có 12 năm liền ngồi trên ghế nhà trường.

Năm nào cũng vậy, đối tượng này là số thí sinh tham gia thi đại học đông nhất. Vì nghĩa vụ của người thanh niên với Tổ quốc, các chiến sĩ phải tạm gác việc riêng tham gia vào quân ngũ, (2 năm đối với quân đội, 3 năm đối với công an) các em không có nhiều thời gian, điều kiện để học tập, ôn luyện, kiến thức bị lãng quên, sẽ gặp khó khăn trong thi cử. Thử hỏi nếu không được cộng điểm ưu tiên với đối tượng này liệu có công bằng.

Tuy nhiên, đối tượng ưu tiên rộng quá sẽ ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực. Có chăng cơ quan chủ quản là Bộ Giáo dục & Đào tạo nên xem xét thu hẹp diện được cộng điểm ưu tiên, hạ bớt điểm ưu tiên để giảm sự chênh lệnh.

Còn nếu bỏ điểm ưu tiên sẽ là thiệt thòi rất lớn đối với con em dân tộc, vùng sâu vùng xa, biên giởi, hải đảo; con đối tượng chính sách, bộ đội, công an phục viên, xuất ngũ.

Và chắc chắn sẽ liên quan đến nhiều chế độ, chính sách đối với vùng núi, đồng bào dân tộc thiểu số, Luật Nghĩa vụ quân sự…Cần phải có những tham khảo, hội thảo, đánh giá việc cộng điểm ưu tiên, trước khi quyết định vấn đề hệ trọng, liên quan đến đông đảo người dân như vấn đề thi đại học.

Tác giả: Đào Duy Tuấn

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP