Giáo dục

Nên cách chức hiệu trưởng để xảy ra lạm thu

Lạm thu nhiều năm nay cứ đến hẹn lại lên vào đầu mỗi năm học nhưng chưa có hiệu trưởng nào bị xử lý thích đáng

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) vừa có văn bản đề nghị các địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, giải trình với người học và xã hội về các mức thu, khoản thu trong trường học, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng lạm thu.

Đến hẹn lại rà soát thu chi

Thường trực Thành ủy Hải Phòng vừa có văn bản giao Ban Cán sự Đảng UBND TP Hải Phòng chỉ đạo Sở GD-ĐT cùng các sở, ngành, đơn vị, địa phương có liên quan rà soát, chấn chỉnh việc dạy thêm, học thêm, phối hợp liên kết giáo dục và việc thu chi trong trường học; từ đó có các giải pháp xử lý nghiêm đối với những trường hợp thực hiện sai quy định.

Tương tự, để kịp thời chấn chỉnh các sai phạm liên quan đến công tác thu chi, Giám đốc Sở GD-ĐT TP Hà Nội Trần Thế Cương cho biết sẽ thành lập các đoàn kiểm tra thường xuyên, đột xuất việc thực hiện nhiệm vụ năm học, nhất là với các nội dung được dư luận quan tâm, phản ánh. "Sẽ xử lý nghiêm hiệu trưởng các trường thực hiện thu chi không đúng quy định" - ông Cương khẳng định.

Động thái này không mới, thường diễn ra vào mỗi đầu năm học mới khi tình trạng lạm thu vẫn "đến hẹn lại lên" với mức độ ngày càng đáng ngại. Gần nhất và gây choáng váng dư luận nhất là vụ quỹ phụ huynh 310 triệu đồng ở Trường Tiểu học Hồng Hà (quận Bình Thạnh, TP HCM).

Nói về vấn đề lạm thu, tại hội nghị giao ban các phòng GD-ĐT vừa qua, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM, khẳng định các đơn vị đều đã được hướng dẫn, tập huấn về thu chi trong trường học nên trách nhiệm để xảy ra lạm thu trước hết phải thuộc về hiệu trưởng. Sở GD-ĐT thành phố đề nghị các phòng GD-ĐT tham mưu UBND các quận, huyện kiểm tra, rà soát, chấn chỉnh các trường hợp thu không đúng quy định.

Ông Hiếu cũng đề nghị Phòng Kế hoạch Tài chính Sở GD-ĐT hướng dẫn đến các trường về tất cả khoản thu phải không dùng tiền mặt để Sở GD-ĐT thành phố quản lý được hệ thống các trường thu như thế nào. Vì hình thức thu chi không dùng tiền mặt này là minh bạch, công khai. Các trường sẽ phải công khai mục đích thu là gì, nội dung chi là gì.

Cần hạn chế lấy kết quả công tác xã hội hóa để làm thước đo thành tích của các cơ sở giáo dục. Ảnh: TẤN THẠNH


Tại sao lạm thu vẫn nhức nhối?

Hiện không thiếu những quy định để chống lạm thu, từ các quy định của Bộ GD-ĐT đến quy định của mỗi địa phương. Ngay tại TP HCM, Nghị quyết 04 của HĐND thành phố quy định 26 khoản thu dịch vụ được phép thực hiện trong trường học cũng được xem là biện pháp mạnh chống lạm thu.

Theo ông Trần Khắc Huy, Trưởng Phòng Kế hoạch Tài chính Sở GD-ĐT TP HCM, tất cả khoản thu phát sinh trong đơn vị phải do hiệu trưởng quyết định, không để phát sinh thu các loại quỹ.

"TP HCM không có khái niệm thu quỹ cha mẹ học sinh trường, lớp. Tất cả hoạt động đều dành cho học sinh. Hiệu trưởng các trường phải nắm rõ, hướng dẫn ban đại diện cha mẹ học sinh thu đúng quy định và chịu trách nhiệm đối với các khoản thu bất hợp lý, không đúng quy định tại các lớp" - ông Huy khẳng định.

TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, nhận định việc thu những khoản tiền không chính thức trong trường học cũng chính là một hình thức tham nhũng. Việc lạm thu không được xử lý triệt để là do có sự buông lỏng kiểm tra, giám sát; người sai phạm không bị xử lý nghiêm minh "khiến lãnh đạo các trường không biết sợ".

"Hãy nhìn vào thực tế suốt bao nhiêu năm qua, đã có hiệu trưởng nào bị cách chức vì để lạm thu chưa? Câu trả lời là chưa. Chính vì thế nên lạm thu vẫn tồn tại" - TS Lâm chỉ rõ.

Phải mạnh mẽ và quyết liệt hơn!

TS Nguyễn Tùng Lâm cho rằng ngoài việc ban hành các văn bản quy định, hướng dẫn hằng năm, trước khi bước vào năm học mới, ngành giáo dục cần tổ chức quán triệt cụ thể đến người đứng đầu các cơ sở giáo dục về việc thực hiện thu chi trong trường học, nhất là các khoản thu tự nguyện, xã hội hóa.

"Cần gắn trách nhiệm của người đứng đầu với các khoản thu, kể cả những khoản thu liên quan hoạt động của hội cha mẹ học sinh, tránh tình trạng đại diện hội cha mẹ học sinh trở thành "cánh tay nối dài" của nhà trường" - TS Lâm đề xuất.

TS Lâm nhấn mạnh để giải quyết triệt để nạn lạm thu thì cần những biện pháp mạnh mẽ hơn. Cụ thể là cần tăng mức xử phạt để đủ sức răn đe và xử lý thật nghiêm người đứng đầu cơ sở giáo dục nếu để xảy ra tình trạng lạm thu tại đơn vị mình quản lý.

"Chống lạm thu trong trường học cần quyết liệt và bắt đầu từ người đứng đầu. Nếu để xảy ra lạm thu, người đứng đầu sẽ bị thôi việc thì không một hiệu trưởng nào dám để xảy ra lạm thu trong trường mình" - TS Lâm quả quyết.

Bên cạnh đó, TS Lâm cũng cho rằng các địa phương, cơ quan quản lý giáo dục cần hạn chế lấy kết quả công tác xã hội hóa để làm thước đo thành tích nhằm tránh gây áp lực lên người đứng đầu các cơ sở giáo dục.

Phụ huynh đừng im lặng tiếp tay lạm thu

TS Nguyễn Tùng Lâm cho rằng sự im lặng, tự nguyện trên tinh thần bắt buộc của nhiều phụ huynh đã góp phần để nhiều trường học thoải mái đưa ra các khoản thu.

"Các bậc phụ huynh cũng cần thực hiện tốt vai trò phản biện và giám sát, đồng lòng phản ánh sai phạm lạm thu. Có như vậy mới giải quyết triệt để được lạm thu trong nhà trường" - TS Lâm đề nghị.

Tác gia: YẾN ANH - ĐẶNG TRINH

Nguồn tin: Báo Người Lao Động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP