Trong nước

Nan giải sắp xếp cán bộ khi sáp nhập huyện, xã

Nhiều địa phương "đau đầu" với bài toán sắp xếp cán bộ dôi dư sau khi sáp nhập các đơn vị hành chính cấp huyện, xã

Ngày 24-1, tại hội thảo lấy ý kiến góp ý dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Nghị quyết của Chính phủ về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2019-2021 do Bộ Nội vụ tổ chức, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết theo Nghị quyết 37 của Bộ Chính trị, trong năm 2019 phải cơ bản hoàn thành việc sắp xếp hợp lý 16 đơn vị hành chính cấp huyện, 632 đơn vị cấp xã chưa đạt 50% cả 2 tiêu chí về diện tích và quy mô dân số.

Cán bộ dôi dư về đâu?

Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, một trong những mục tiêu cơ bản để sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã là giảm số lượng đơn vị hành chính so với hiện nay. Do đó, chủ trương chung là khuyến khích sáp nhập các đơn vị hành chính cùng cấp với nhau và hạn chế việc điều chỉnh từ đơn vị hành chính có diện tích tự nhiên lớn, quy mô dân số đông sang các đơn vị hành chính chưa đạt tiêu chuẩn để bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định, không làm giảm số lượng đơn vị hành chính.

Công chức làm việc tại bộ phận một cửa ở một phường tại Hà Nội

Công chức làm việc tại bộ phận một cửa ở một phường tại Hà Nội

Tại hội thảo, đại diện các địa phương cũng nêu một số vướng mắc khi xây dựng kế hoạch và đề xuất các giải pháp để việc sắp xếp đơn vị hành chính có tính đồng bộ trên cả nước.

Vấn đề sắp xếp cán bộ sau khi sáp nhập đơn vị hành chính khiến lãnh đạo Sở Nội vụ tỉnh Thanh Hóa băn khoăn. Dẫn thực tế từ địa phương, Sở Nội vụ tỉnh Thanh Hóa cho biết quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, thường trực HĐND cấp xã có chủ tịch và một phó chủ tịch HĐND, UBND có không quá 5 thành viên. Do đó, việc sắp xếp số lượng lãnh đạo của HĐND và UBND cấp xã của đơn vị hành chính sau khi sáp nhập sẽ dôi dư cấp phó.

"Nếu bố trí tăng cấp phó thì trái luật, không bố trí tăng thì rất khó giải quyết những trường hợp sau khi sáp nhập" - lãnh đạo Sở Nội vụ tỉnh Thanh Hóa nêu vấn đề.

Thanh Hóa là đơn vị có số đơn vị hành chính cấp xã phải sắp xếp rất lớn, 66 xã không đạt các tiêu chí, chiếm khoảng 10% tổng số đơn vị của cả nước. Địa phương này đã chủ động chỉ đạo các ngành chức năng thực hiện rà soát, đánh giá thực trạng đơn vị hành chính, xây dựng lộ trình, kế hoạch sắp xếp. Tuy nhiên, do thiếu các quy định hướng dẫn cụ thể nên địa phương rất lúng túng.

Cùng câu hỏi "Cán bộ dôi dư sẽ về đâu", ông Nguyễn Ngọc Định, Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Cao Bằng, cho biết tỉnh này hiện có 1.540 cán bộ, công chức cấp xã, sau sắp xếp giảm 41 đơn vị cấp xã sẽ dôi dư 840 người. Trong số này dự kiến nghỉ hưu đúng tuổi có 163 người. Cao Bằng có nhiều cán bộ xã rất trẻ, chuyên môn tốt theo chương trình Chính phủ đã hỗ trợ. Do đó, tỉnh đề nghị nghiên cứu và có hướng dẫn cụ thể về việc này.

Sau 5 năm phải sắp xếp cán bộ xong

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân quán triệt tinh thần đối với các địa phương cần bám sát Nghị quyết 37 của Bộ Chính trị về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã để thực hiện.

Cụ thể, chậm nhất 5 năm kể từ khi cấp có thẩm quyền quyết định sáp nhập, hợp nhất thì biên chế và số lượng cấp phó của các đơn vị hành chính mới bảo đảm đúng theo quy định. Trong khi đó, Phó giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Cao Bằng Nguyễn Ngọc Định cho rằng việc quy định sau 5 năm phải sắp xếp lại biên chế và chức danh theo đúng quy định sẽ khó khăn cho địa phương bởi số lượng cán bộ công chức cấp xã dôi dư sau khi sắp xếp rất lớn.

Tại Hòa Bình, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Bùi Duy Phương cũng nêu tình trạng sáp nhập 3 xã làm 1 thì sẽ có 3 chủ tịch xã trẻ, nhiều phó chủ tịch. Ông Phương đặt câu hỏi phải điều chuyển, sắp xếp, bố trí công việc như thế nào để bảo đảm chính sách, tránh tâm tư cho cán bộ nhưng phải đúng luật?

Phó trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Lạng Sơn Trịnh Tiến Duy cũng kiến nghị xem xét mốc thời gian 5 năm phải sắp xếp xong cán bộ đối với đơn vị hành chính mới. "Khi sáp nhập 2 xã làm 1, việc lựa chọn cấp trưởng như thế nào khi họ đều cán bộ trẻ có năng lực, cần có hướng dẫn cụ thể cho các địa phương để thực hiện thuận lợi" - ông Duy nhấn mạnh.

Cán bộ xã đủ yêu cầu chuyển thành công chức cấp huyện

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn ghi nhận những băn khoăn của các địa phương về sắp xếp cán bộ dôi dư. Ông Tuấn cho rằng có thể nghiên cứu điều chuyển cán bộ dôi dư đi những nơi có yêu cầu hoặc chuyển thành cán bộ công chức từ cấp huyện đối với những cán bộ xã đủ tiêu chuẩn. Tuy nhiên, việc này cũng phải căn cứ vào nhu cầu của cán bộ cũng như thực tế tại huyện còn chỉ tiêu hay không.

Tác giả: Tấn Phong

Nguồn tin: Báo Người lao động

  Từ khóa: Cán bộ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP