Trong cuộc thi sáng tạo Khoa học kỹ thuật thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc năm 2018, đề tài “Chân robot hỗ trợ người khuyết tật” của Nguyễn Nhật Lâm xuất sắc đạt giải Ba. Để có những thành công trên là cả một quá trình đầy nỗ lực cố gắng của cậu học trò trường huyện.
Lâm cho biết: “Từ nhỏ, em đã có hứng thú với các loại máy móc, thiết bị điện tử. Nhà xa trung tâm, không có điều kiện để tiếp xúc nhiều với các loại máy móc, nhưng rất may, cậu của em lại có xưởng cơ khí gần nhà. Những ngày đến xem cậu làm và lên mạng tìm hiểu các kiến thức KHKT đã giúp em mạnh dạn bắt tay thực hiện những ý tưởng”.
Với đam mê, sự sáng tạo, Lâm đã 2 lần đạt giải cao trong các cuộc thi sáng tạo KHKT dành cho thanh thiếu niên toàn quốc. |
Năm học lớp 7, sau 2 tháng hè dành trọn thời gian để mày mò, nghiên cứu và lắp ráp, Lâm đã biến chiếc xe đạp của mình thành xe điện. Lâm không còn phải vất vả với quãng đường từ nhà đến trường dài 6 km.
Sau thành công ấy, Lâm tiếp tục mày mò nghiên cứu và đã sửa chữa thành công các loại máy móc, đặc biệt là máy tính cho người dân trong vùng. Em còn nghiên cứu chế tạo quạt điều hòa được tận dụng từ tấm tản nhiệt của ô tô. Những đồng tiền đầu tiên kiếm được từ niềm đam mê nghiên cứu, sáng tạo đã giúp Lâm có thêm kinh phí để đầu tư mua sắm các trang thiết bị chế tạo sản phẩm.
Sau giải Nhì cuộc thi KHKT các tỉnh miền Bắc với đề tài máy khắc Laser vào năm 2017, Lâm cùng thầy, cô giáo tiếp tục bắt tay vào đề tài mới: chân robot hỗ trợ người khuyết tật. Lâm chọn đề tài này với mong muốn giúp người khuyết tật giảm bớt khó khăn trong cuộc sống.
“Từ suy nghĩ xã hội phát triển thì luôn quan tâm đến con người một cách toàn diện, đặc biệt là những người khuyết tật. Qua tìm hiểu, em biết được trên thế giới có hơn 9 triệu người bị khuyết tật chân trên đầu gối di chuyển khó khăn mà các loại chân giả trên thị trường hiện nay là chân cơ, không thể điều khiển được. Từ đó đã thôi thúc em phải làm điều gì giúp họ” - Lâm chia sẻ về lý do khiến em sáng tạo chân robot.
Chiếc chân robot do Lâm chế tạo bước đầu đã mang lại hiệu quả cao cho người sử dụng. |
Cậu học trò cho biết thêm, để có được thành công, không thể kể hết những khó khăn trong quá trình khảo sát đối tượng, tìm tòi nghiên cứu đề tài chân robot hỗ trợ người khuyết tật, nhưng, sự quan tâm, động viên của nhà trường, bạn bè và thầy, cô giáo đã giúp em có thêm động lực kỹ thuật, động viên tinh thần.
“Kỷ niệm khó quên nhất là đêm trước khi diễn ra vòng chung kết cấp quốc gia, động cơ sản phẩm bị trục trặc, thầy Phạm Hồng Dương là người trực tiếp hướng dẫn em trong việc sáng chế chiếc chân robot đã cùng em thức trắng đêm để khắc phục” - Lâm nhớ lại.
Về cấu tạo điều khiển chiếc chân robot, Lâm cho biết, đó là mô hình khá phức tạp với bộ cảm biến có sẵn như cảm biến MG một loại cảm biến trong ngành y tế. Một bộ cảm biến EPU 650 sử dụng trong các loại máy ảnh, nguồn điện được cấp bởi loại pin dùng micro. Đặc biệt trên chiếc chân robot được sử dụng bộ cảm biến GPRS để xác định vị trí khi người gặp sự cố.
Chiếc chân hoạt động ở 2 chế độ là chế độ điều khiển bằng cảm biến cơ (chế độ user) và chế độ điều khiển bằng cảm biến góc (chế độ auto).
Với những thành tích em đạt được, trong tháng 6 vừa qua, Lâm vinh dự là một trong 2 em học sinh trên toàn tỉnh được UBND tỉnh Hà Tĩnh tôn vinh điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước.
Bằng những nỗ lực của mình, Lâm vinh dự được tỉnh nhà tôn vinh là điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước. |
Được biết, trong kỳ thi THPT quốc gia mới đây, Lâm đặt mục tiêu vào Khoa Cơ điện tử - Tự động hóa - Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Em cho biết đó là môi trường lý tưởng để tiếp tục chinh phục giấc mơ tìm tòi, nghiên cứu và sáng tạo KHKT của mình.
Tác giả: Tiến Hiệp
Nguồn tin: Báo Dân trí