Giáo dục

Nam sinh Đường lên đỉnh Olympia phát ngôn "sốc" và bài học chống "diễn biến hòa bình" cho thanh thiếu niên

Đọc kỹ nội dung mang tư tưởng lệch lạc của nam sinh Đường lên đỉnh Olympia, tôi cứ trăn trở câu hỏi: Làm sao để tăng "sức đề kháng" của học sinh trước thông tin xấu độc, chiến lược "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch?

Trong những ngày cả nước hân hoan kỷ niệm 79 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nam sinh từng dự thi chương trình "Đường lên đỉnh Olympia" có phát ngôn gây bức xúc trên mạng xã hội.

Học sinh, sinh viên sống giữa nhiều luồng thông tin xấu độc từ mạng xã hội

Vụ việc nam sinh C.N.Q.V quê Yên Bái, từng dự thi Đường lên đỉnh Olympia có những phát ngôn gây bức xúc gây dư luận gợi lại cho tôi tình huống đáng nhớ mà chính tôi đã từng trải qua.

Khi còn học trung học phổ thông, một người bạn trong đội tuyển chuyên môn Lịch sử đã chia sẻ với tôi rằng, bản thân hoài nghi về sự khách quan trong sách giáo khoa môn Lịch sử.

Sự hoài nghi đó có phần giống với suy nghĩ của nam sinh Đường lên đỉnh Olympia kia. Lúc đó, bản thân tôi cũng suy nghĩ và lấn cấn mãi về ý kiến của bạn nhưng chưa đủ kiến thức và lý luận nên tôi không tranh luận gì với bạn.

Một thời gian sau, chúng tôi học xong đại học, gặp lại và tình cờ nhắc về nhận định khi đó, bạn của tôi đã thay đổi quan điểm, khẳng định nội dung trong sách giáo khoa Lịch sử là phù hợp với học sinh.

Qua trải nghiệm trong học tập và cuộc sống, bạn tôi đã thấy yêu đất nước hơn, trân trọng kiến thức lịch sử chính thống. Đồng thời tự nhận rằng trước kia, do bản thân chưa đủ kiến thức nên mới có cái nhìn lệch lạc như vậy.

Từ mạng xã hội, tôi cũng biết đến câu chuyện của một bạn trẻ gặp trường hợp tương tự. Sau khi tiếp cận những thông tin "lạ" về lãnh tụ của đất nước, về quá khứ của dân tộc… cô bạn này dần có thái độ tiêu cực với môn Lịch sử, thậm chí còn lập tài khoản ảo trên mạng xã hội để lan truyền những thông tin xấu độc không chính thống.

Cho tới một lần đến thăm nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, trước hàng chục nghìn phần mộ liệt sĩ đã hy sinh trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, có cả những người không xác định được danh tính, bạn trẻ đó đã rơi nước mắt xúc động, nghẹn ngào và tin vào lịch sử bảo vệ Tổ quốc oai hùng của dân tộc, nhận ra những thông tin của các thế lực thù địch là xuyên tạc, độc hại.

Đồng thời cảm thấy hối hận về thái độ, hành động sai lệch trước đó của mình. Giờ đây, cô gái ấy đang tích cực lan truyền hình ảnh đẹp của lịch sử dân tộc trên mạng xã hội.

Tôi tin rằng, còn nhiều người trẻ khác sẽ thấy mình trong những câu chuyện trên và có thể phần nào hiểu được sai lầm vừa qua của nam sinh Đường lên đỉnh Olympia bắt nguồn từ đâu. Bởi ở một khía cạnh nhất định, các thanh, thiếu niên này là nạn nhân của chiến lược diễn biến hòa bình - rất khó nhận biết do các thế lực thù địch lan truyền trên mạng xã hội.

Sau phát ngôn gây sốc của một thí sinh Đường lên đỉnh Olympia, nhà trường, gia đình, xã hội đều cần phải rút ra bài học. Minh hoạ: VTV


Hồi chuông cảnh báo về công tác phòng chống chiến lược "diễn biến hòa bình" trong trường học

Không cần hô hào khẩu hiệu chống phá một cách rõ ràng, các phần tử chống lại chế độ và đi ngược lại lợi ích dân tộc lợi dụng internet và mạng xã hội để phát tán những thông tin lịch sử sai trái, xuyên tạc, không có căn cứ.

Từ đó tạo sự hoài nghi trong học sinh, sinh viên về kiến thức lịch sử chính thống được dạy trong nhà trường, về công lao của Đảng, của các anh hùng dân tộc và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội tại Việt Nam. Tầng lớp học sinh, sinh viên vốn luôn có tinh thần trẻ, nôn nóng khẳng định bản thân, định vị mình trên mạng xã hội, và đặc biệt hay bị cuốn theo các trào lưu nhanh, mạnh, rộng... nhưng không hoàn toàn đúng đắn.

Cũng như sức khỏe thể chất, khi sức đề kháng của tinh thần, bản lĩnh chính trị không đủ mạnh, những người trẻ sẽ rất dễ bị các tư tưởng cực đoan xâm chiếm. Đây có thể là mầm mống cho những hành vi lệch lạc, gây hại đến an ninh quốc gia.

Rất may là trong vụ việc lần này, nam sinh Đường lên đỉnh Olympia đã nhận thức được sai lầm của bản thân, gỡ bài viết và lên tiếng xin lỗi. Sở Giáo dục và Đào tạo Yên Bái cũng đã phối hợp với nhà trường đến nhà nam sinh để nắm bắt tình hình, giáo dục về tâm lý và tư tưởng chính trị với cá nhân em Q.V.

Sự việc là bài học sâu sắc với nam sinh quê Yên Bái. Đồng thời tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh báo về công tác phòng, chống âm mưu diễn biến hòa bình trên không gian mạng tác động đến giới trẻ hiện nay.

Trước sự xảo trá, ngụy biện một cách tinh vi của các thế lực thù địch, ngay cả khi có tư duy logic tốt, những người trẻ còn thiếu về kiến thức, trải nghiệm sống, yếu về bản lĩnh chính trị, sẽ rất dễ hình thành suy nghĩ lệch lạc và hành vi sai trái.

Tăng cường "sức đề kháng" của học sinh trước những thông tin xấu độc

Có nhiều việc phải làm để nâng cao sức đề kháng của học sinh trước những thông tin xấu độc trên internet. Trong đó, cần tăng cường rèn luyện tư duy phản biện cho thanh, thiếu niên. Để khi thấy các thông tin "lạ", khác thường với những gì được học trên trường và các phương tiện thông tin đại chúng, họ sẽ biết cách đặt câu hỏi tại sao lại có sự khác biệt ấy, động cơ đằng sau những thông tin này là gì?

Bên cạnh đó, trau dồi năng lực số nhằm giúp học sinh biết cách xác minh thông tin, sử dụng mạng xã hội, internet một cách có đạo đức.

Những chuyến tham quan đến các khu di tích lịch sử cũng rất quan trọng, để học sinh cảm nhận không khí lịch sử qua các hiện vật trực quan, sinh động. "Một hình ảnh thay vạn lời nói". Bài học lịch sử mà được truyền tải ngay tại nơi diễn ra, sẽ luôn có sức lay động mạnh mẽ và thuyết phục đối với người học.

Đặc biệt, các chuyên đề lịch sử sẽ giúp học sinh hiểu hơn những sự kiện, bài học ở nhiều góc độ. Qua đó, mỗi quan điểm về lịch sử được phân tích kỹ lưỡng để làm rõ và định hướng nhận thức cho học sinh, phù hợp với lợi ích quốc gia, nâng cao tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc và biết ơn công lao của bao thế hệ cha ông đã góp sức, góp công và mạng sống cho nền độc lập, tự do của đất nước hôm nay.

Việc nắm bắt tư tưởng chính trị trong học sinh cũng cần được các nhà trường thực hiện thường xuyên để kịp thời nắn chỉnh khi cần thiết. Thông qua chia sẻ của học sinh về các vấn đề thời sự, các sự kiện lịch sử hay bài đăng trên mạng xã hội, các thầy cô giáo có thể nhận ra vấn đề trong nhận thức của học sinh đó có đúng đắn, phù hợp hay không.

Nội dung giáo dục địa phương với hàm lượng lịch sử, văn hoá bản địa là rất quan trọng đối với Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Bản thân các nhà trường, giáo viên và phụ huynh phải đặc biệt quan tâm đến nội dung này.

Giáo dục học sinh bằng sự bao dung và tình yêu thương cần được đặt lên hàng đầu

Những âm mưu của các thế lực thù địch ngày càng tinh vi, khó nhận biết. Thật khó đảm bảo rằng, tất cả học sinh sẽ "miễn nhiễm" với thông tin xấu độc từ mạng xã hội.

Trong trường hợp đó, công tác tuyên truyền, giáo dục tích cực với cá nhân là điều quan trọng để đưa học sinh trở lại với tư tưởng đúng đắn, phù hợp.

"Đánh kẻ chạy đi, không đánh người chạy lại". Ai cũng xứng đáng nhận được sự bao dung và được tạo điều kiện để sửa chữa sai lầm. Mọi chỉ trích, công kích không giúp cho người ta nhận ra sai lầm một cách thấu đáo, mà đôi khi còn tác động ngược, gây ra sự tức giận và lòng thù hận với đất nước.

Phải nhận định nam sinh Yên Bái không hoàn toàn thấu hiểu lịch sử và đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước ta hiện nay. Như vậy, một phần sự thiếu sót ở nhà trường, gia đình và xã hội. Công tác tuyên truyền chưa thấu triệt và bản thân môi trường an toàn, lành mạnh cho học sinh, sinh viên chưa được bảo toàn. Sự tấn công trở lại từ mạng xã hội đối với nam sinh càng là hành vi không nên.

Các thông tin lịch sử được truyền đạt với phương thức phù hợp, với lòng nhiệt huyết và tình cảm chân thành, những cảm xúc tích cực sẽ tự nảy nở trong mỗi cá nhân. Và khi con người ta được sống trong tình yêu thương, hạnh phúc gia đình và cộng động, sẽ chẳng có lý do gì để họ mơ mộng về "miền đất hứa" xa xôi.

Tác giả: Đắc Quang

Nguồn tin: congdankhuyenhoc.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP