Cửa thoát hiểm máy bay. |
Sự việc xảy ra hồi đầu tháng này, trên chuyến bay BL212 của hãng hàng không Jetstar Pacific có lộ trình Đà Lạt đi Hà Nội dự kiến cất cánh tại sân bay Liên Khương. Nam hành khách có tên P.V.H.L (25 tuổi, Hà Nội) được xác định đã không tuân theo sự hướng dẫn về đảm bảo an toàn hàng không của thành viên tổ bay.
Cụ thể, sau khi hành khách đã lên máy bay và ổn định chỗ ngồi, khách P.V.H.L có vị trí ghế số 12E gần cửa thoát hiểm nên đã được tiếp viên hướng dẫn quy định an toàn. Tuy nhiên, ngay sau đó khách P.V.H.L đã tự ý mở nắp nắp đậy tay cầm an toàn cửa thoát hiểm số 2, hệ thống đèn cảnh báo phát sáng và tiếp viên kịp thời phát hiện ngăn chặn.
Theo quy trình an toàn, nhân viên kỹ thuật và cơ trưởng đã tiến hành kiểm tra và nhận thấy cửa thoát hiểm chưa bị mở bung, vẫn bảo đảm an toàn để thực hiện tiếp chuyến bay. Sự việc làm cho chuyến bay bị chậm 40 phút so với giờ khởi hành dự kiến.
Xét theo Điểm a, khoản 1 Điều 8 Nghị định số 147/2013/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng, Đại diện Cảng vụ Hàng không miền Nam tại sân bay Liên Khương đã ra quyết định xử phạt ông P.V.H.L mức phạt 2 triệu đồng.
Được biết, cửa thoát hiểm trên máy bay chỉ dùng trong các tình huống khẩn cấp, mỗi cửa thoát hiểm đều bố trí xuồng phao cứu sinh. Số lượng cửa thoát hiểm được thiết kế theo số số lượng khách trên máy bay.
Khi một cửa thoát hiểm bị mở, không chỉ chuyến bay bị chậm để khắc phục tạm thời, mà những hành khách xung quanh khu vực này cũng phải rời máy bay để bảo đảm an toàn tối đa. Máy bay sau đó sẽ phải đưa vào xưởng để lắp đặt lại với chi phí hàng trăm triệu đồng trước khi thực hiện chuyến bay sau.
Tại Việt Nam và trên thế giới đã không ít lần xảy ra các trường hợp hành khách tự ý mở cửa thoát hiểm. Cơ quan cảng vụ hàng không của Việt Nam cũng đã từng ra quyết định xử phạt mức 15 triệu đồng đối với các trường hợp tự ý mở cửa thoát hiểm.
Tác giả: Châu Như Quỳnh
Nguồn tin: Báo Dân trí