Thế giới

Mỹ tố Trung Quốc quân sự hóa biển Đông "như chuẩn bị Thế chiến III"

Nói về các hành động gia tăng hiện diện quân sự trái phép của Trung Quốc trên các đảo ở biển Đông, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ hôm 29-1 nhận định giống như Trung Quốc "đang chuẩn bị cho Thế chiến III".

Phát ngôn nói trên của Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, Thượng nghị sĩ Cộng hòa James Inhofe, được đưa ra trong phiên điều trần thảo luận về những thách thức từ sức mạnh quân sự gia tăng của Trung Quốc và Nga. Cuộc thảo luận này bao gồm các ý tưởng về cách thức đề nắm bắt tốt hơn những đe dọa đối với trật tự thế giới.

Trong khi quân đội Mỹ đã hiện diện trong và quanh biển Đông, cũng như ở khu vực rộng lớn hơn ở Tây Thái Bình Dương, ông Inhofe khẳng định Mỹ cần theo dõi sát những yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh đối với các đá và đảo trước khi họ biến các rạn san hô khác thành pháo đài trữ đầy vũ khí.

Sự mở rộng phi pháp của Bắc Kinh đối với các đảo ở Trường Sa (của Việt Nam) đã và đang gây bất bình sâu sắc đối với các nước láng giềng và tiếp tục thách thức luật pháp quốc tế. Hải quân Mỹ đã không ngừng tiến hành các chiến dịch tự do hành hải tới khu vực này để thách thức Bắc Kinh.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu sau khi thị sát hạm đội Hải quân Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc ở biển Đông hồi tháng 4-2018. Ảnh AP

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu sau khi thị sát hạm đội Hải quân Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc ở biển Đông hồi tháng 4-2018. Ảnh AP

Ông Inhofe và các nghị sĩ khác, cũng như giới phân tích điều trần trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ hôm 29-1 đều nêu cao sự cấp bách của thực tế là mối đe dọa Trung Quốc chống lại Mỹ và trật tự thế giới ngày nay có thể chưa được công dân Mỹ nhìn nhận đầy đủ.

"Tôi lo ngại rằng thông điệp của chúng ta chưa khiến mọi người hiểu thấu đáo" - người đứng đầu Ủy ban Quân vụ Thượng viện nhấn mạnh.

Ông Inhofe cảnh báo sự thống lĩnh quân sự không thể tranh cãi của Mỹ ở Thái Bình Dương sau sự thất bại của Nhật Bản năm 1945 và sự sụp đổ của Liên Xô năm 1991, đã kết thúc.

Tuy nhiên, cựu trợ lý thứ trưởng quốc phòng Mỹ về chiến lược và phát triển lực lược Elbridge Colby – hiện là giám đốc của tổ chức Trung tâm An ninh Mỹ mới (CNAS, trụ sở tại Washington) - vẫn bày tỏ sự tin tưởng và quyền lực của Mỹ.

Trong khi đó, chuyên gia CNAS Ely Ratner nói rằng điều quan trọng là đối với các thượng nghị sĩ và người dân Mỹ là hiểu được rằng quan hệ gập ghềnh của Washington với Trung Quốc không phải một sự suy thoái nghiêm trọng và cũng không phải vấn đề bắt đầu từ Tổng thống Donald Trump và chính sách của chính quyền của ông.

Về Nga, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Inhofe ám chỉ tới các nghiên cứu cho thấy Mỹ hoặc các lực lượng NATO có khả năng thua cuộc chiến với Nga.

Cũng tại phiên điều trần, Thượng nghị sĩ Roger Wicker xoáy vào thông báo của Bộ Tư pháp Mỹ hôm 28-1 về truy tố tập đoàn Huawei – một công ty được cho là có móc nối với quân đội và các cơ quan an ninh của Bắc Kinh.

Lầu Năm Góc đã cấm mua bán các sản phẩm của Huawei trong năm ngoái và lãnh đạo Hải quân Mỹ Richard Spencer đã gióng chuông cảnh báo về việc Huawei tìm cách trà trộn vào chuỗi cung ứng quân sự của Mỹ.

Theo lời ông Colby, những công ty như Huawei tạo cho Bắc Kinh đòn bẩy kinh tế với những nước chưa chắc chắn về việc liệu nên chọn bên nào giữa Mỹ và Trung Quốc.

Thêm vào đó, ông Colby nhấn mạnh sự cần thiết của Mỹ đối với việc tăng cường các mối quan hệ đống minh và đối tác với các nước Vành đai Thái Bình Dương.

Tác giả: Đỗ Quyên

Nguồn tin: Báo Người lao động

  Từ khóa: Thế chiến III , Trung Quốc

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP