Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết Bộ Thương mại Mỹ (DOC) vừa công bố kết quả cuối cùng của đợt xem xét hành chính lần thứ 14 (POR14) đối với các lô hàng cá tra Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ trong giai đoạn từ ngày 1-8-2016 đến 31-7-2017. Mức thuế cuối cùng này tăng cao hơn nhiều so với kết quả sơ bộ đã được công bố hồi tháng 9-2018.
Theo đó, mức thuế cuối cùng của POR14 đối với Công ty CP Hùng Vương (Hung Vuong Group) – bị đơn bắt buộc là 3,87 USD/kg trong khi kết quả sơ bộ chỉ là 0 USD/kg.
Bị đơn bắt buộc còn lại là Công ty NTSF Seafood bị áp thuế chống bán phá giá 1,37 USD/kg, giữ nguyên như kết quả công bố sơ bộ.
Các công ty bị đơn tự nguyện (C.P Vietnam; CL-FISH; GREEN FARMS SEAFOOD và VINH QUANG CORP) bị áp mức thuế 1,37 USD/kg, tăng 0,96 cent/kg so với mức thuế sơ bộ.
Mức thuế suất toàn quốc vẫn áp dụng mức 2,39 USD/kg.
Dự báo xuất khẩu cá tra sang Mỹ sẽ khó khăn do thuế chống bán phá giá quá cao |
Theo VASEP, với mức thuế chống bán phá giá chính thức vừa công bố sẽ có nhiều diễn biến mới đối với xuất khẩu cá tra sang Mỹ. Dự báo, trong quý 2-2019, xuất khẩu cá tra sang thị trường này có thể giảm tiếp.
Trước đó, trong tháng 2 và 3, trong thời gian chờ phán quyết thuế, giá trị xuất khẩu sang thị trường Mỹ giảm lần lượt 22,8% và 44,4% so với cùng kỳ năm 2018. Do xuất khẩu sang thị trường này đột ngột giảm mạnh nên Mỹ, vốn là thị trường dẫn đầu đã tụt xuống vị trí thứ 3 (sau Trung Quốc và châu Âu - EU) đạt 71,16 triệu USD trong quý 1-2019.
Không chỉ Mỹ, thị trường Trung Quốc (bao gồm Hồng Kông) cũng giảm nhập khẩu cá tra trong quý 1-2019. Như vậy, lần đầu tiên sau 3 năm, giá trị xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc - Hồng Kông và Mỹ đều giảm so với cùng kỳ năm trước.
Tuy vậy, tính chung xuất khẩu cá tra của quý 1-2019 vẫn đạt 472,2 triệu USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước nhờ tăng trưởng tại các thị trường khác như: tăng tại EU, ASEAN, Mexico và một số thị trường đơn lẻ.
Tác giả: V.Ngọc
Nguồn tin: Báo Người lao động