Để đi đến quyết định không thu bất kỳ phụ phí nào, ban giám hiệu Trường tiểu học thị trấn 2 đã trăn trở và lập kế hoạch cụ thể từng khoản chi để tập thể giáo viên “thắt lưng buộc bụng”, đảm bảo chi tiêu đúng như nguồn kinh phí được giao. Tuy nhiên, việc thực hiện như thế nào, PV Dân trí có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Hoài Thu - Hiệu trưởng trường tiểu học thị trấn 2. Cô Thu cũng là một giáo viên chống tiêu cực bị mất chức. Sau nhiều năm khiếu nại, đòi công lý, cô Thu được phục chức mới đây.
Được biết, trong lúc nhiều trường học đặt ra nhiều khoản phụ thu đầu năm học thì trường vừa có thông báo năm học mới 2017-2018 nhà trường không phụ thu bất cứ khoản phụ thu nào. Vì sao nhà trường mạnh dạn đưa ra quyết định này?
Theo tôi có nhiều lý do lắm nhưng trước nhất, tôi nghĩ cần phải làm đúng pháp luật. Vì căn cứ vào công văn số 10/CV-PGD&ĐT ngày 16/1/2017 về việc chấn chỉnh việc lạm thu ở các đơn vị trường học. Công văn đã chỉ rõ, trong địa bàn huyện còn rất nhiều trường xây dựng kế hoạch thu các loại quỹ từ cha mẹ học sinh và núp bóng danh nghĩa tự nguyện và Phòng Giáo dục yêu cầu các trường phải trả lại tiền cho học sinh (tất nhiên trường tôi không thuộc đối tượng trong công văn đã nêu).
Quang cảnh lễ khai giảng năm học mới 2017-2018 của trường tiểu học thị trấn 2 (huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang). |
Ngoài ra, theo tại Khoản 4 , Điều 10 Thông tư 55/2011/TT-BGD 22 tháng 11 năm 2011 thì Ban đại diện cha mẹ học sinh không được quyên góp của người học hoặc gia đình người học các khoản ủng hộ không theo nguyên tắc tự nguyện; Các khoản ủng hộ không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh. Nếu căn cứ qui định này, lâu nay nhiều trường đã đẩy Ban Đại diện cha mẹ học sinh vi phạm pháp luật mà không hay biết.
Không phụ thu các khoản phí, nhà trường sẽ tính toán thế nào để đảm bảo công tác dạy và học?
Khi tiếp nhận bàn giao về tài chính từ nguyên Hiệu trưởng của trường, ngoài khoản kinh phí dùng chi cho lương thì kinh phí chi cho hoạt động khác còn lại là 113 triệu đồng. Chúng tôi cân đối chi tiết và thấy đảm bảo cho nhu cầu chi của đơn vị. Khoản nào cần thiết chi thì chi, như: ưu tiên điện, nước, văn phòng phẩm, công tác phí cho công chức, viên chức, và nguồn kinh phí chi các phong trào của học sinh. Ngoài ra nếu những phong trào của học sinh mà mang tính chất ngoại khóa thì chúng tôi lập kế hoạch vận động các mạnh thường quân. Xã hội này hướng thiện nhiều, việc hỗ trợ cho các hoạt động giáo dục thiết thực thì các mạnh thường quân luôn sẵn lòng.
Lâu nay việc giao khoán kinh phí hoạt động cho nhà trường ở huyện Vĩnh Thuận được thực hiện như thế nào? Việc giao kinh phí như vậy có đảm bảo cho nhà trường hoạt đông?
Việc giao kinh phí được thực hiện theo năm tài chính. Đầu tháng 1 hàng năm sẽ được giao, ngoài chi lương và các khoản đóng góp cho BHXH như ( BHYT; BHXH; BHTN; Công đoàn phí) thì còn lại là nguồn kinh phí dành cho “chi hoạt động”. Nguồn kinh phí chi cho hoạt động mà tôi làm quản lý tại đơn vị cũ (Trường Tiểu học Thị Trấn 1) hàng năm thường ở số 170-180 triệu đồng. Tuy nhiên, một số đơn vị mặc dù đầu năm được phân bổ (thông báo công khai) nhưng trong năm được phân bổ “bổ sung” thêm bởi nhiều lý do thì các đơn vị khác không thể biết được.
Trước quyết định của BGH trường tiểu học thị trấn 2 không thu thêm các khoản phụ phí, giáo viên, phụ huynh đều rất vui mừng |
Khi nhà trường quyết định không thu thêm các khoản phụ phí, nhà trường có cần thông qua các cơ quan quản lý và tinh thần đón nhận quyết định này của thầy cô, phụ huynh như thế nào?
Việc làm của nhà trường đúng theo tinh thần chỉ đạo của công văn Phòng GD-ĐT đầu năm học. Tuy nhiên, ngay ngày Khai giảng năm học (5/9), nhà trường đã có báo cáo nhanh với lãnh đạo đại diện Ủy Ban Nhân dân huyện về việc không thu thêm các khoản phụ phí thì được đồng thuận. Riêng giáo viên và phụ huynh khi hay thông tin nhà trường không thu thêm các khoản phụ phí tất cả đều vui mừng, vì cả giáo viên và phụ huynh đều cảm thấy “nhẹ gánh”.
Năm nay nhà trường được giao kinh phí hoạt động bao nhiêu và với kinh phí đó nhà trường sẽ có kế hoạch thế nào để đảm bảo chi hoạt động cho cả năm học khi nhà trường không thu các khoản phụ phí?
Trong năm học 2017-2018, trường Tiểu học thị trấn 2 được giao trên 461 triệu đồng, nguyên Hiệu trưởng đã chỉ đạo chi 348 triệu cho việc mua sắm, sửa chữa…Trong quý 1 và quý 2/2017, bàn giao lại cho tôi 113 triệu và chúng tôi cân đối đủ chi cho những tháng còn lại của năm 2017. Tất nhiên để làm được điều này thì giải pháp đặt ra là tập thể phải đồng lòng, nhất trí và tránh chi tiêu những khoản không thiết thực như: không khen thưởng tràn lan, giáo viên chú trọng tập trung vào việc giáo dục học sinh tự quản (giữ vệ sinh lớp học, khuôn viên trường, nhà vệ sinh; giữ gìn tốt trang phục, tập vở …), tổ chức các hội thi cấp trường một cách tinh gọn, tập trung vào chiều sâu chuyên môn…
Và điều tôi mong mỏi chính là Phòng Giáo dục cần giao kinh phí đúng theo quy định, tránh tình trạng giữ lại nguồn kinh phí đã được Nhà nước phân bổ để gọi là “chi tập trung”, bởi vì làm như vậy thì các trường không thể tự chủ và cứ có tư duy “xin-cho”, ai khéo miệng xin giỏi thì được nhiều… Tình trạng này mà không được chấn chỉnh thì việc các trường lạm thu để bù ngân sách thiếu hụt phục vụ là điều khó tránh khỏi.
Tác giả: Nguyễn Hành ghi
Nguồn tin: Báo Dân trí