Kinh tế

Một lão nông với tâm huyết trồng rau sạch

Câu chuyện trồng rau sạch của lão nông Nguyễn Xuân Ngọ là một hành trình dũng cảm, dứt bỏ, "cự tuyệt" với hóa chất đầu độc đất, đầu độc sức khỏe con người...

Đến thăm ông Nguyễn Xuân Ngọ ở thôn Đại Lan, xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì, Hà Nội, qua câu chuyện về nông nghiệp sạch, về tình trạng ô nhiễm, thực phẩm bẩn, những cái chết trẻ vì ung thư ở quê ông… tôi mới bất ngờ phát hiện ra rằng, lâu nay tôi vẫn dùng rau sạch của một người bạn cung cấp và rau đó lại chính là rau của ông Ngọ.

Lão nông này không chỉ trồng rau sạch, mà còn ngày ngày tận tay mang hàng trăm cân rau vượt gần 20km vào nội thành để cung cấp trực tiếp đến những khách hàng thân thuộc, rau của ông và những nông dân trong đội của ông làm ra không đủ để bán.

Sinh ra ở một làng vùng ven bãi sông Hồng, lớn lên theo những mùa rau trái tốt tươi quanh năm, ông Ngọ chỉ cần nhìn qua là biết rau khỏe - yếu, sạch - bẩn. Ông chỉ cần ngửi mùi đất cũng đủ biết đất phì nhiêu màu mỡ, hiền hòa mang mùa sạch đến cho bà con hay đất than khóc vì ngậm đầy hóa chất độc hại từ phân bón hóa học, hóa chất bảo vệ thực vật.

Cuộc đời ông Ngọ, ngoài quãng thời gian vài năm đi bộ đội, tất cả đều dành cho ruộng vườn rau. Ông là một trong những người đầu tiên ở thôn Đại Lan tham gia vào trồng rau an toàn từ những năm 1999, khi mà vấn đền an toàn thực phẩm còn chưa nhức nhối xã hội như bây giờ. Trồng rau an toàn tuy lợi nhuận trước mắt có thể thấp hơn những người chạy đua với số lượng và mẫu mã nhưng đổi lại rau của ông luôn được khách hàng săn đón.

Ông Ngọ kể, thời ông còn ngồi ở chợ làng Thịnh Liệt (quận Hoàng Mai, Hà Nội) bán rau củ, có những ngày ốm đau hoặc bận rộn ông phải nghỉ chợ, vài khách hàng thân thuộc của ông quyết xách túi về không chứ không chịu mua rau của người khác. Bây giờ thì ông không ngồi bán rau ở chợ nữa mà “ship” rau đến từng hộ gia đình trong nội thành Hà Nội.

Ông Nguyễn Xuân Ngọ bên vường rau sạch

Một ngày của ông “đều như vắt chanh”: Buổi tối nhận đặt hàng qua điện thoại, sáng sớm tinh mơ đi thu hoạch rau và thu mua rau của các hộ trong đội của ông theo đơn đặt hàng, sau đó chở rau vào nội thành cho khách hàng quen thuộc; ông trở về nhà vào buổi trưa hoặc đầu giờ chiều, lại tiếp tục trên đồng ruộng để gieo trồng, chăm sóc rau. Những ngày ông đi vắng sẽ là vấn đề lớn đối với nhiều khách hàng của ông bởi họ sẽ phải chật vật tìm cách “vá víu” tạm cho bữa ăn sạch của gia đình.

Vừa nhổ cỏ cho vườn rau, ông Ngọ vừa phân bua rằng rau đang vào vụ nên vợ chồng ông phải lao động tích cực hơn để kịp thu hoạch. Thực ra tôi hiểu nghề nông, xưa đã vậy, nay vẫn vậy, yêu đất yêu cây và để được cây được đất yêu lại chẳng dễ dàng gì.

Những ngày này nắng gắt, ông Ngọ bảo mùa này hanh khô, vậy lên phải năng chăm tưới cho rau hơn. Nhìn nhưng ruộng rau nhà ông vẫn tươi tốt, cứng cáp, không bị héo rũ, tôi đoan chắc vợ chồng ông Ngọ đã phải vất vả như thế nào. Vừa nói ông Ngọ bứt nắm lá chùm ngây trong ruộng cho bữa tối của gia đình.

Ở nơi này, gia đình ông Ngọ và nhiều gia đình trồng rau khác luôn sử dụng rau trên chính ruộng rau để bán. Họ không cần phải trồng một ruộng rau khác dành riêng cho nhà mình ăn.

Trồng rau an toàn đã lâu nhưng ông Ngọ vẫn chưa thật yên lòng. Rau an toàn vẫn dùng phân hóa học, vẫn phun hóa chất bảo vệ thực vật theo một quy trình được kiểm soát chặt chẽ. Rau ấy có thể an toàn cho người sử dụng nhưng đất thì vẫn tiếp tục bị nhiễm độc bởi hóa chất. Người nông dân canh tác trên đồng ruộng vẫn phải tiếp xúc với hóa chất độc hại. Nguy hiểm cho chính người nông dân trước tiên chứ chẳng phải ai khác.

Một ngày, chứng kiến những người rất trẻ ở ngôi làng yên bình của ông lần lượt ra đi vì căn bệnh ung thư mà ông cho rằng phần nhiều là vì họ đã phải tiếp xúc nhiều với hóa chất độc hại khiến ông Ngọ day dứt khôn nguôi: Phải canh tác theo một cách khác, an toàn và thân thiện hơn với đất, với môi trường; phải cứu đất để cứu chính mình.

Giữa lúc nung nấu tìm giải pháp làm nông nghiệp sạch ấy, năm 2013, một đoàn chuyên gia từ Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Kinh tế và Công nghệ ETC thuộc Liên hiệp Các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam tìm đến vựa rau thôn Đại Lan để giới thiệu một phương pháp canh tác hữu cơ bằng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hữu cơ được sản xuất theo công nghệ của Nga. Ông Ngọ tham gia vào trồng thử nghiệm theo phương pháp mới này những mong tìm được một giải pháp để thải độc cho đất, trồng rau sạch.

Đưa cho tôi xem các sản phẩm từ nguồn nguyên liệu tự nhiên không độc hại là đường hoạt tính (Basug) và muối ăn hoạt tính (Basalt) được ví như “thực phẩm chức năng cho cây” mà ông Ngọ dùng cho vườn rau của mình cùng 7 hộ gia đình trong nhóm của ông trong mấy năm qua, ông bảo những sản phẩm này con ngươi có thể ăn được. Mấy năm nay, vợ chồng ông Ngọ đã không còn phải tiếp xúc với hóa chất bảo vệ thực vật độc hại nữa.

Phun thuốc bảo vệ thực vật cho rau, vợ chồng ông giờ đây chẳng cần phải dùng khẩu trang, thậm chí gia đình ông từng hái rau ngay sau khi phun thuốc bảo vệ thực vật để ăn. Ngoài những chế phẩm sinh học từ Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Kinh tế và Công nghệ ETC, ông Ngọ còn tự tay mày mò làm thuốc trừ sâu từ tỏi, ớt, gừng, rượu và muối theo công thức của Nhật Bản. Bã của “thuốc trừ sâu” này vẫn được gia đình ông dùng thay… tương ớt trong bữa cơm gia đình.

Trên con đê đang lạnh dần bởi gió đêm sông Hồng mùa heo may đến, tôi không khỏi xúc động với giấc mơ một ngày nào đó, những người nông dân như ông Ngọ sẽ được nhân đầy trên khắp đất nước mình, để rau sạch, thực phẩm sạch sẽ đến với tất cả mọi người chứ không chỉ một số ít người như bây giờ.

Tác giả: Nguyễn Khuê

Nguồn tin: Báo Pháp luật & Xã hội

  Từ khóa: rau sach , lão nông

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP