Ảnh minh họa: Internet |
Theo BHXH Việt Nam, thời gian qua, Quỹ BHYT đã chi trả chi phí khám chữa bệnh BHYT cho hàng trăm trường hợp HSSV với số tiền khoảng 200 triệu đồng/người. Đáng chú ý, có một học sinh ở quận Lê Chân (Hải Phòng) đã được Quỹ BHYT chi trả 1,8 tỷ đồng chi phí khám chữa bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu, trong đó riêng tiền thuốc Kedrigamma chiếm khoảng 720 triệu đồng.
Bệnh nhân đã được chi trả với số tiền như trên do đã tham gia BHYT nhiều năm nay. Chi phí dành cho thuốc chữa bệnh khá cao bởi phải nhập khẩu từ nước ngoài, cơ sở trong nước chưa thể sản xuất được. Điều này cho thấy tính ưu việt của BHYT với đối tượng HSSV trước thềm năm học mới. BHYT giúp gia đình các em học sinh giảm được áp lực chi phí thuốc men, chữa bệnh khi không may ốm bệnh.
Được biết, trường hợp của học sinh trên chưa phải là mức chi trả khám chữa bệnh BHYT cao nhất cho bệnh nhân có thẻ BHYT. Nhưng là mức chi trả theo thẻ BHYT cao nhất của đối tượng HSSV trong thời gian qua.
Thủ tục khi đi khám chữa bệnh BHYT của HSSV
- Khám chữa bệnh đúng quy định
Theo BHXH Việt Nam, HSSV khi đi khám chữa bệnh phải xuất trình đầy đủ các giấy tờ ngay khi đến khám chữa bệnh gồm có: Thẻ BHYT còn hạn sử dụng và một trong các giấy tờ chứng minh nhân thân có ảnh: Chứng minh nhân dân, Hộ chiếu, Thẻ Đoàn viên, Giấy phép lái xe… Riêng học sinh chưa có giấy tờ tùy thân thì sử dụng Thẻ học sinh hoặc giấy xác nhận của công an xã/phường nơi cư trú.
Ngoài ra HSSV phải xuất trình thêm một trong các giấy tờ sau:
+ Trường hợp trong thời gian chờ cấp lại, đổi thẻ BHYT: Xuất trình giấy hẹn cấp lại thẻ, đổi thẻ BHYT;
+ Trường hợp chuyển tuyến khám chữa bệnh: Xuất trình Giấy chuyển tuyến;
+ Trường hợp đến khám lại theo giấy hẹn của bác sỹ tại cơ sở y tế tuyến trên không qua cơ sở y tế đăng ký khám chữa bệnh ban đầu: Xuất trình Giấy hẹn khám lại
+ Trường hợp đi học tập trung theo các hình thức đào tạo, chương trình đào tạo, tạm trú: Xuất trình bản chính hoặc bản sao quyết định cử đi học, giấy đăng ký tạm trú và được khám chữa bệnh tại cơ sở y tế cùng tuyến chuyên môn kỹ thuật hoặc tương đương với cơ sở đăng ký khám chữa bệnh ban đầu ghi trên thẻ BHYT;
- Trường hợp cấp cứu: Xuất trình thẻ BHYT trước khi ra viện.
- Khám chữa bệnh không đúng quy định: Không xuất trình đầy đủ một trong các giấy tờ đã nêu tại Khoản 1, mục này.
- Khám chữa bệnh tại cơ sở không ký hợp đồng Khám chữa bệnh BHYT: kể cả trường hợp đã xuất trình đầy đủ thủ tục.
Tác giả: Thái Hà
Nguồn tin: Báo Tiền phong