Mấy ngày qua, nhiều người đã phải bỏ trang trại, bán rẻ bầy cừu để vớt vát vốn liếng. Trong khi đó, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận chưa có giải pháp nào để giúp người nuôi, ngoại trừ việc cử cán bộ đi… khảo sát. Còn chính quyền địa phương thì "chưa nghe báo cáo" (!?).
Sáng sớm 4-4, phóng viên Báo Người Lao Động đến trại cừu hơn 1.000 con của ông Trần Cao Hòa (thôn Đồng Dày, xã Phước Trung, huyện Bác Ái). Đây được xem là "thủ phủ" chăn nuôi gia súc của tỉnh Ninh Thuận với cả chục trang trại dê, bò, cừu. Anh Đạo Văn Nô (người chăn cừu thuê cho ông Hòa) cho biết chỉ khoảng một tháng qua, đã có gần 100 con cừu chết vì suy kiệt. "Nắng nóng quá nên đồng khô, cỏ cháy, nước uống cũng thiếu nên ngày nào cũng có cừu chết. Tôi chăn thuê thôi nhưng cũng thấy sốt ruột… Bầy cừu do tôi chăn thả ở chân núi Cà Dum, cách trang trại hơn 7 km. Nếu không hạn, vùng này cỏ nhiều lắm nhưng bây giờ, không còn gì để cừu ăn. Nước trên đó cũng khô hết, sao chịu nổi" - anh Nô bộc bạch.
Cách trang trại ông Hòa khoảng 1 km, bầy cừu gần 250 con của anh Nguyễn Công Bảy cũng chết hàng loạt. "Chỉ hơn 1 tháng mà đã chết nửa bầy rồi. Bây giờ trong chuồng chỉ còn hơn 100 con nhưng ốm yếu lắm. Nhiều con cừu cái đẻ con nhưng chỉ vài ngày sau là chết cả mẹ lẫn con vì kiệt sức. Nếu sắp tới trời không mưa, thiếu cỏ tươi, chắc bầy cừu tiêu hết" - anh Bảy lo lắng.
Để chống chọi với đói khát, các chủ trang trại phải cho cừu ăn tạm rơm rạ |
Để bầy cừu chống chọi với đói khát, các chủ trang trại phải cho chúng ăn rơm rạ cầm hơi. "Rơm rạ có rẻ đâu. Mới khoảng 30 ngày, tôi tốn 30 triệu đồng để mua rơm cho cả bầy. Mươi bữa phải cho chúng uống thêm nước cám gạo để có chất. Nếu không, chết cả đàn là cái chắc" - anh Hòa ngao ngán.
Theo giới chăn nuôi cừu ở Ninh Thuận, những con cừu suy kiệt sẽ phát bệnh, lây lan cho bầy đàn là chuyện tất nhiên. Lo lắng trước tình trạng này, một vài chủ trang trại đã bán rẻ đàn cừu để vớt vát vốn liếng. "Hôm qua, ông K. vừa bán gần 200 con cừu còn lại nhưng chỉ được vài chục triệu đồng, sau khi bị chết hơn 150 con. Cừu đực thì may ra có người mua 1,2 - 1,5 triệu đồng/con để xẻ thịt, còn cừu cái rất khó bán" - anh Bảy cho biết.
Thực trạng cừu chết hàng loạt như vậy đã nhiều ngày qua nhưng khi chúng tôi hỏi về giải pháp giúp dân, ông Mẫu Thái Phương, Chủ tịch UBND huyện Bác Ái, khẳng định làm gì có chuyện cừu chết. Khi phóng viên cho biết vừa đi thực tế thì vị này ấp úng: "Chưa nghe xã báo cáo" (!?).
Trong khi đó, ông Trương Khắc Trí, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Ninh Thuận, thừa nhận chỉ mới vừa nghe thông tin cừu chết nên trước mắt cử cán bộ xuống kiểm tra, xác minh. "Trách nhiệm của dân là phải báo cho cán bộ nông nghiệp xã, sau đó xã thống kê, báo cáo lên trên" - ông Trí nói.
Nhiều nơi không sản xuất lúa hè thu Theo ông Phan Quang Thựu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận, hạn hán đã xuất hiện ở một số địa phương nên đã có kế hoạch ưu tiên nước cho người dân sinh hoạt và gia súc uống. "Hiện hồ Ông Kinh (huyện Thuận Bắc) đã cạn kiệt, hồ Phước Nhơn (huyện Ninh Hải) chỉ còn xấp xỉ 50.000 m3, hồ Tà Ranh (huyện Ninh Phước) chưa đến 140.000 m3 nên sở không có kế hoạch sản xuất vụ hè thu ở những vùng này, mà dành nước uống cho gia súc. Sắp tới là thời điểm lũ tiểu mãn, nếu trời không mưa, sẽ tính toán tiếp" - ông Thựu cho hay. |
Tác giả: Lê Trường
Nguồn tin: Báo Người lao động