Xã hội

“Mỏ vàng” trên đỉnh Ngọc Linh

Trên đỉnh Ngọc Linh ở độ cao hơn 2.500m so với mực nước biển, nơi được ví như “nóc nhà” của miền Trung thuộc xã Trà Linh, huyện Nam Trà My, Quảng Nam có một “mỏ vàng” đích thực với loại sâm quý mà giá hiện nay đã trên dưới 100 triệu đồng mỗi kg.

Trong khu rừng nguyên sinh giữa đại ngàn, có một loại cây thân mộc củ nhỏ, nhiều đốt. Người Xê-đăng gọi là “cây thuốc giấu”, hay còn gọi là sâm Ngọc Linh. Loài thảo dược quý hiếm này giúp bà con làm giàu, có người trở thành tỷ phú. Và ở đỉnh núi Ngọc Linh, có những vườn sâm trị giá hàng chục tỉ đồng đang “ẩn mình” dưới tán rừng.

Một củ sâm chưa đến 1kg trị giá 70 triệu đồng được bán tại chợ sâm

Thủ phủ sâm nhưng giá trị cây sâm chưa được biết đến nhiều; từ đó chính quyền địa phương mở ra một phiên chợ mỗi tháng 1 lần vào 3 ngày đầu tháng để cho người dân vừa buôn bán, vừa quản bá thương hiệu sâm Ngọc Linh.

Không ồn ào, tấp nập, những quầy bán sâm thi thoảng mới có khách nhưng là khách thật, đến chợ sâm ít nhất trong túi cũng có vài chục triệu đồng. Giá cả được niêm yết rõ ràng, người bán lẫn người mua ít mặc cả. Giá sâm dao động trên dưới 100 triệu đồng mỗi kg tùy loại. Nếu nhẩm tính, bán 1 ký sâm bằng cả đàn trâu.

Củ sâm khủng được người dân đưa từ đỉnh Ngọc Linh về bán ở chợ sâm

Ở đỉnh Ngọc Linh, đâu phải ai cũng biết cách trồng Sâm. Người có tiền, có kinh nghiệm thì giúp người thiếu hiểu biết. Họ giúp nhau cùng làm giàu. Nói về giá trị kinh tế thì không có loại cây trồng nào sánh bằng sâm Ngọc Linh. Một ha sâm trồng xen kẻ dưới tán lá rừng nguyên sinh, 5-7 năm sau bán được từ 30-40 tỉ đồng.

Ông Hồ Văn Hùng (ở thôn 3, xã Trà Linh, huyện Nam Trà My) cho biết, những năm trước, bà con nhổ sâm non bán lấy tiền tiêu xài trong dịp tết nhưng bây giờ thì họ giữ như giữ vàng. Hàng chục ngàn ha rừng nguyên sinh giờ đã có chủ, các hộ dân tự liên kết thành những nhóm, tổ, xây dựng hàng trăm vườn trồng sâm dưới tán lá đại ngàn.

Trên đỉnh Ngọc Linh giờ xuất hiện những “đại gia sâm” như các ông Hồ văn Du, Nguyễn Văn Lượng, Hồ văn Bông… Họ là những người đi đầu trong việc trồng sâm. Là người gắn bó với cây sâm gần 40 năm qua, ông Hồ Văn Du hiện có vườn sâm hơn 30 nghìn cây, trị giá cả trăm tỉ đồng. Mỗi phiên chợ, ông bán thu về cũng được cả tỉ đồng.

Theo kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học, trong củ, thân và lá sâm Ngọc Linh có chứa hàm lượng vi chất saponin rất đa dạng, có tính năng vượt trội so với các loại sâm khác. Củ sâm không chỉ giúp tăng cường sinh lực mà còn tham gia hiệp lực với các loại thảo dược khác, phòng và chữa được nhiều bệnh nan y.

Cảnh mua bán ở chợ sâm


Tỉnh Quảng Nam và huyện Nam Trà My đã có cơ chế thoáng mở, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư trồng, tiêu thụ Sâm. Hiện có 6 doanh nghiệp được tỉnh cho phép khảo sát trên diện tích hơn 1.500 ha. Các doanh nghiệp này cam kết sẽ liên doanh xây dựng nhà máy chế biến ngay tại vùng sâm Ngọc Linh để làm tăng chuỗi giá trị, đủ sức canh tranh với thị trường.

Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ KH-CN cũng đã ban hành chỉ dẫn địa lý Ngọc Linh cho sản phẩm sâm củ. Đây là tiền đề quan trọng để tiến tới xây dựng thương hiệu quốc gia sâm Ngọc Linh, sâm Việt Nam, giúp cho báu vật trên núi Ngọc Linh có vị trí ngang tầm với các dòng Sâm quý trên thế giới.

Những vườn sâm dưới tán rừng Ngọc Linh

Tháng 6/2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký quyết định phê duyệt bổ sung danh mục sản phẩm quốc gia cho sâm Ngọc Linh - sâm Việt Nam, nâng tầm giá trị cây Sâm. Cuối tháng 12/2017, Bộ KH-CN cũng đã phê duyệt đề án khung “Phát triển sản phẩm quốc gia sâm Việt Nam - sâm Ngọc Linh” thuộc Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020. Mục tiêu của Đề án này là phát triển khoảng 50 tấn dược liệu sâm Việt Nam/năm và tăng lên khoảng 500 tấn/năm vào năm 2030.

Sâm Ngọc Linh – Sâm Việt Nam như một mỏ vàng, mỏ vàng thật sự trên đỉnh Ngọc Linh. Thực tế cho thấy, trồng loại cây này đã nhanh chóng làm thay đổi cuộc sống người dân miền núi và giữ môi trường rừng một cách bền vững cho muôn đời sau.

Ông Lê Trí Thanh - Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam - cho biết, tỉnh Quảng Nam cũng đã quy hoạch phát triển vùng trồng sâm Ngọc Linh trên địa bàn toàn tỉnh, nhưng trước hết phải tập trung ở khu vực huyện Nam Trà My. Việc nghiên cứu để phát triển giống, di thực ra các khu vực khác theo quy hoạch được tính toán hết sức thận trọng.

Theo ông Thanh, hiện nay vấn đề phát triển giống là một trong những nội dung rất khó khăn, do đó đang yêu cầu các cơ quan quản lý cũng như viện nghiên cứu giúp Quảng Nam về các biện pháp nâng cao hiệu quả hơn trong nhân giống hữu tính và vô tính.

Tác giả: Công Bính

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP