Số người tử vong đã tăng lên đến 21 khi nhân viên cứu nạn phát hiện thêm 2 thợ mỏ bị mắc kẹt thiệt mạng vào sáng 13-1. 66/87 công nhân đang làm việc tại mỏ than vào thời điểm xảy ra tai nạn đã được sơ tán an toàn.
Tân Hoa Xã ngày 13-1 đưa tin tỉnh Sơn Tây, giáp ranh tỉnh Thiểm Tây, cũng sẽ tiến hành thanh tra tại các mỏ than có nguy cơ cao. Trong khi đó, một số công ty khai thác mỏ ở các trung tâm sản xuất than lớn tại tỉnh Sơn Đông và Hà Nam cũng như một số khu vực ở miền Đông Bắc Trung Quốc đã nhận được thông báo của Cơ quan An toàn Mỏ than quốc gia Trung Quốc yêu cầu ngừng ngay các hoạt động sản xuất để thanh tra từ nay cho đến tháng 6-2019.
Xe cứu thương và nhân viên cứu nạn tập trung bên ngoài mỏ than của Công ty Baiji Mining hôm 13-1. Ảnh: AP |
Tai nạn hầm mỏ gây chết người là chuyện phổ biến ở Trung Quốc, nơi điều kiện an toàn trong ngành công nghiệp khai thác mỏ rất thấp, dù chính phủ nước này nỗ lực cải thiện môi trường sản xuất than và dẹp bỏ các mỏ bất hợp pháp. Hồi tháng 12-2018, 7 thợ mỏ thiệt mạng và 3 người bị thương trong một tai nạn tại mỏ than ở miền Tây Nam Trung Quốc. Tháng 10 cùng năm, 21 thợ mỏ ở tỉnh Sơn Đông mất mạng sau khi mắc kẹt bên trong mỏ do đá sụt bít kín đường hầm, chỉ 1 người được cứu sống. Hồi tháng 6, một vụ nổ mỏ tại tỉnh Liêu Ninh, Đông Bắc Trung Quốc, làm 11 người thiệt mạng, 9 người bị thương.
Theo số liệu của Cơ quan An toàn Mỏ than quốc gia Trung Quốc, năm 2017 có tới 375 trường hợp tử vong liên quan đến khai thác mỏ than, giảm 28,7% so với năm trước đó. Tuy nhiên, cơ quan này thừa nhận điều kiện an toàn lao động tại các mỏ than vẫn chưa được cải thiện bao nhiêu.
Theo trang ITV, con số thương vong trong các vụ sập, nổ và những tai nạn khác tại các mỏ than ở Trung Quốc đã giảm mạnh trong thập kỷ qua nhưng ngành công nghiệp này vẫn gây nhiều chết chóc nhất thế giới.
Tác giả: Lục San
Nguồn tin: Báo Người lao động