Tôi là người dân tộc Tày, lên Hà Nội học theo diện cử tuyển rồi quen anh khi đang học Đại học. Anh là con trai thứ hai trong một gia đình cơ bản ở Thủ đô. Tưởng chừng chỉ là bạn bè gặp gỡ thoáng chốc nhưng tôi và anh lại bén duyên sau khi ra trường.
Gia đình anh lúc đầu cũng bình thường, nhưng sau biết tôi là người dân tộc thì kịch liệt phản đối. Dù vậy, anh vẫn kiên quyết yêu và lấy tôi cho bằng được. Sau bao nhiêu khó khăn chúng tôi đã vượt qua hết để được ở bên nhau, nhưng không ngờ lấy nhau về sóng gió mới chính thức bắt đầu.
Mẹ chồng vốn đã không ưa tôi, nên tôi làm gì cũng xét nét. Cuộc sống ở chung với gia đình chồng nhiều lúc khiến tôi ngột ngạt đến stress. Nhiều lần tôi đã ngỏ lời với chồng xin ra ở riêng nhưng anh lại thuyết phục tôi rằng chưa có điều kiện, chờ anh làm kinh tế vững hơn rồi tính.
Cái ngữ cô biết gì mà chữa bệnh. Ảnh minh họa |
Thấm thoắt cũng hơn 1 năm, tôi có bầu và sinh cu Tin. Nhà đẻ ở xa lại neo người nên thời gian ở cữ tôi đành phải ở nhà chồng. Mẹ chồng dù có cháu nhưng vẫn khá lạnh nhạt, có giúp cũng làm cho có. Thỉnh thoảng bà mới bế cháu hay giặt cho cháu vài bộ quần áo bẩn.
Tôi lần đầu sinh con còn nhiều bỡ ngỡ, nhiều lúc lóng nga lóng ngóng không biết làm sao. Mẹ chồng có thấy cũng chẳng góp ý hay đỡ đần, nhiều khi còn bị bà lườm nguýt, mát mẻ: “Cái ngữ cô sinh ra ở nơi tăm tối như vậy thì biết gì mà chăm con”.
Nghe những lời nói ấy, tôi thắt nghẹn cả tim. Đành rằng bà không giúp, nhưng dù sao cu Tin cũng là cháu bà, tôi cũng là con dâu bà, sao bà lại có thể nỡ lòng nào nói thế.
Những lúc con ngoan, chịu chơi thì tôi còn nhàn hạ, nhẹ nhõm một chút. Nhưng lúc con ốm sốt, ho hắng, mọc răng quấy cả ngày tôi càng thêm bận bịu, vừa chăm con vừa giặt giũ, cơm nước. Mấy hôm nay trở trời, cu cậu lại bị hắt hơi sổ mũi và cứ ho sù sụ. Nhìn con đỏ mặt tía tai vì ho, người làm mẹ như tôi thắt cả ruột gan. Vợ chồng tôi đã cho con đi khám ở viện Nhi, lấy thuốc về uống 2 ngày nhưng không khỏi.
Tôi bỗng nhớ ra hồi còn nhỏ ở quê, mỗi lần tôi bị thế này mẹ tôi hay lấy vài thứ lá đun lên cho uống và ngâm chân là tôi đỡ. Thế là tôi tham khảo thêm thông tin từ trên mạng rồi gọi điện về nhờ mẹ đẻ tôi gửi lá lên áp dụng cho con.
2 hôm sau, đang ngồi ôm cu Tin trong phòng và cho con ngâm chân nước lá thì mẹ chồng tôi bước vào. Vừa nhìn thấy, bà đã quát ầm lên: “Cô cho cháu tôi ngâm cái gì thâm xì thế kia?”
Tôi chỉ nhẹ nhàng đáp: “Nước lá thuốc mẹ ạ. Con cho cháu ngâm cho đỡ ho. Ngày xưa mẹ con cũng hay làm thế này cho anh chị em con suốt”.
Bỗng mẹ chồng tôi xối xả nói vào mặt tôi: “Cô thì biết cái gì. Cả nhà cô thì biết gì. Sống ở vùng sâu vùng xa man di mọi rợ, không được tiếp cận khoa học thì biết đâu mà đòi chữa bệnh. Cô đổ ngay cái thứ đang cho cháu tôi ngâm đi. Nó mà làm sao thì cô liệu cái thần hồn”.
Mọi khi mẹ chồng hay quá lời, tôi cũng đành nhẫn nhịn vì chồng vì con. Nhưng lần này bà lại động đến cả gia đình nhà tôi, động đến tự ái của tôi nên tôi không thể bỏ qua được.
Mọi khi mẹ chồng hay quá lời, tôi cũng đành nhẫn nhịn vì chồng vì con. Nhưng lần này bà lại động đến cả gia đình nhà tôi, động đến tự ái của tôi nên tôi không thể bỏ qua được. Ảnh minh hoạ. |
Nghe lời bà nói tôi cũng cáu không kém, mặc dù vậy vẫn cố dùng lời lẽ lễ phép để đáp lại bà: “Con xin lỗi mẹ dù con không biết con làm gì sai. Nhưng như thế không có nghĩa là mẹ được nói gia đình con thế này thế nọ. Miền núi vùng sâu vùng xa thì đã sao? Sao mẹ lại cứ nghĩ là man di mọi rợ ạ? Hơn nữa cu Tin là con trai con, con cũng xót lắm chứ. Nhưng cứ cho cháu uống kháng sinh suốt thì cũng hại người. Con của con, con xin phép mẹ để con làm những gì con cho là tốt nhất cho cháu”.
Mẹ chồng tôi sững người ra vì từ khi về làm dâu, đây là lần đầu tiên tôi dám “bật” lại bà. Nhưng nói ra được những lời này cũng khiến tôi nhẹ nhõm. Hơn nữa, tôi cũng chẳng nói láo với bà, vẫn giữ đúng mực để mình không rơi vào thế bí.
Bà nói tôi sao cũng được, tôi có thể nghe tai trái sang tai phải rồi bỏ qua. Nhưng một khi đã động đến gia đình tôi thì dù có thế nào, tôi cũng phải bảo vệ cho bằng được.
Tác giả: Diệp An
Nguồn tin: emdep.vn