Nhân ái

Mẹ cha bạc tóc, còng lưng làm ruộng nuôi các con tâm thần

Sinh được 3 người con gái thì con đầu bị tâm thần suốt 18 năm nay. Hai cô còn lại sau khi lập gia đình, sinh con cũng đột nhiên phát bệnh. Gánh nặng bỗng chốc đè lên đôi vợ chồng già yếu.

Về thôn Khả Duy, xã Mộc Bắc, huyện Duy Tiên (Hà Nam) hỏi thăm nhà “ông Trác bà Nhưng có 3 con gái bị tâm thần”, chẳng mấy ai mà không biết. Vừa nghe nhắc đến tên, những người không thân thích cũng phải xuýt xoa thốt lên: “Nhà đó khổ lắm, không kể sao cho hết. Đến nhà thì gọi to lên, nhà đó thường khóa trái cửa vì con bé tâm thần hay trốn đi lang thang”.

Men theo triền đê sông Hồng, chúng tôi có mặt trước căn nhà nhỏ xác xơ như lời hướng dẫn của người dân. Nghe có tiếng gọi, một người đàn bà ra mở cửa. Đó là bà Đào Thị Nhưng, sinh năm 1956. Mới ngoài 60 tuổi, tóc bà đã bạc phơ, người gầy gò, móm mém.

Căn nhà xuống cấp, cũ nát là nơi trú ngụ của gia đình bất hạnh

Căn nhà xuống cấp, cũ nát là nơi trú ngụ của gia đình bất hạnh

Dẫn khách vào bên trong nhà trống trơn, mái ngói thủng lỗ chỗ, bà lập tức chạy ngay xuống cuối vườn tìm con gái lớn. Cô con gái tóc rối bù, người gầy gò đang ngồi cười hềnh hệch một mình, lấp ló sau bụi chuối. “Không về đâu, nó bắt đấy, bắt đấy”, miệng cô lẩm bẩm.

Đó là chị Nguyễn Thị Nguyệt (sinh năm 1985), phát bệnh đã 18 năm nay. Cả ngày chị chỉ ngồi cười, liên tục lảm nhảm điều gì không rõ, khuôn mặt hốc hác vô hồn.

“Trước giữ nó trong buồng, giờ nó nhất định không chịu vào, bảo ‘tao làm sao mà mày nhốt tao’. Vợ chồng tôi phải thay nhau trông, nhoáng cái là không biết đi đâu tìm. Nhất là lúc trời tối, tôi chẳng nhìn thấy gì, gọi nó lại không thưa”, bà Nhưng nghèn nghẹn kể.

Các con của ông bà lần lượt phát bệnh tâm thần, không nhận ra bố mẹ

Các con của ông bà lần lượt phát bệnh tâm thần, không nhận ra bố mẹ

Tưởng một đứa con bị bệnh đã đủ cực khổ, không ngờ cô con gái thứ hai, người con mà ông bà nghĩ là khôn ngoan nhất cũng phát bệnh sau khi lấy chồng. Chị Nguyễn Thị Hằng (sinh năm 1987), tốt nghiệp cấp 2 với tấm bằng loại Giỏi, vì thương bố mẹ nghèo nên quyết định không đi học tiếp.

“Nếu nó học xong đợt ấy rồi xin đi làm cái gì thì đến giờ đời bác không đến nỗi khổ. Nó thương bố mẹ, gặp chồng nó bây giờ, trăm đường tránh không khỏi số”, bà Nhưng tiếc nuối.

Hằng lấy chồng, lần lượt sinh được 3 người con gồm 1 gái 2 trai. Đẻ đứa thứ nhất thì không sao, đến đứa thứ hai, chị có biểu hiện của bệnh song chưa quá nặng nên vẫn đi làm, miệng hay lẩm bẩm linh tinh. Sau khi sinh đứa thứ ba, bệnh mới rõ ràng. Tính đến nay, chị đã phát bệnh 8 năm, lang thang vạ vật, suốt ngày chửi bới.

“Lúc mang bầu đứa thứ ba thì nó về ở nhà đẻ ở 3 năm. Gần 1 năm nay lại lên nhà chồng. Gặp chúng tôi là nó chửi, không nhận ra bố mẹ”, bà ứa nước mắt.

Càng đau lòng hơn, em Nguyễn Thị Thắm (sinh năm 1990), con gái út của ông bà, lấy chồng làng bên, sinh được 2 đứa con trai cũng có triệu chứng tâm thần. Một cán bộ xã cho biết, công an xã thường xuyên phải xuống nhà giải quyết vì vợ chồng đánh nhau. “Hôm trước, công an phải bế nó xuống nhà tôi ở 10 ngày, nó cũng có bệnh án rồi”, bà Nhưng cho hay.

Tờ bệnh án tâm thần ám lấy số phận của những con người khốn khổ

Tờ bệnh án tâm thần ám lấy số phận của những con người khốn khổ

Hai vợ chồng già bất lực trong cảnh nghèo đói, con cái bệnh tật

Hai vợ chồng già bất lực trong cảnh nghèo đói, con cái bệnh tật

Đã ở tuổi xế chiều, sức khỏe ngày một kém, gia cảnh lại thuộc diện hộ nghèo nhưng vợ chồng ông Trác, bà Nhưng vẫn gắng gượng kiếm sống. Ông làm ruộng, trồng ngô còn bà ở nhà trông nom các con. Nhìn căn nhà trống huơ hoác, bà ước giá như có chút tiền lợp lái mái nhà để nhỡ một ngày ông bà có mệnh hệ gì thì còn có chỗ cho con nương náu.

“Giờ chúng tôi sống vì con. Đau đớn mỏi mệt cũng cắn răng chịu. Ai mách chỗ nào chữa bệnh hay là lặn lội tìm đến. Hà Nội, Hải Dương… đâu đâu cũng có. Mỗi miền Nam tôi chưa đi. Mà cũng chẳng có tiền đi nữa. Tôi thương chúng lắm mà bất lực quá”, người mẹ tội nghiệp run run nói.

Một cán bộ xã Mộc Bắc cho hay: “Việc 3 cô con gái nhà ông Trác, bà Nhưng bị bệnh thì ai cũng biết. Gia đình thuộc diện hộ nghèo, cuộc sống rất khó khăn, rất mong các tấm lòng hảo tâm có thể hỗ trợ giúp gia đình phần nào hay phần ấy”.

Lúc chia tay ra về, bà Nhưng nói với theo, giọng thều thào: “Chú ở Hà Nội xem có bệnh viện nào thì bảo giúp, cho con Hằng chữa được bệnh còn về trông mấy đứa nhỏ. Chúng nhớ mẹ mà sợ mẹ, tội lắm”. Ước nguyện của bà cứ chấp chới theo tiếng gió, tia hy vọng mong manh dường như đang dần khép lại.

Mọi đóng góp có thể gửi về:

1. Gửi trực tiếp: Bà Đào Thị Nhưng, thôn Khả Duy, xã Mộc Bắc, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam.

Tác giả: Hà Duy

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP