Nhân ái

Mẹ bị cây đè gãy cổ, cha địu theo con thơ nuôi bệnh

Vào rừng tìm nấm mưu sinh, người mẹ trẻ bị cây bật gốc đè gãy cổ. Thoát chết sau tai nạn nhưng gia cảnh quá nghèo không có tiền phẫu thuật, chị đang bị liệt toàn thân. Anh Điểu Ru phải địu theo con thơ chăm sóc vợ, tương lai gia đình nhỏ tối đen như mực.

Bênh nhân còn con nhỏ, bác sĩ không đành lòng buông xuôi

Sự xuất hiện của bé trai mới chập chững biết đi ở hành lang khoa Ngoại Thần kinh, Bệnh viện Chợ Rẫy khiến nhiều người ngạc nhiên. Không ít người tỏ ra lo lắng cho sự an toàn của cháu giữa môi trường bệnh viện vốn tồn tại nhiều mầm bệnh. Hỏi ra mới biết, cháu là con trai của nữ bệnh nhân hiện đang nằm điều trị tại khoa. Mẹ của bé là chị Thị Mai (20 tuổi, ngụ huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước).

Cậu bé ngơ ngác ở hành lang khu điều trị bệnh cho mẹ

Trao đổi với phóng viên, BS Trịnh Đình Lợi – người trực tiếp điều trị bệnh nhân Thị Mai cho hay: “Đây là bệnh nhân người đồng bào S’tiêng, ngụ tại Bình Phước được bệnh viện tỉnh chuyển đến Chợ Rẫy ngày 4/6 với chẩn đoán gãy trật đốt sống cổ (C4; C5). Các kết quả kiểm tra hình ảnh xác định đốt sống cổ bị gãy, trật đã gây dập tủy cổ là nguyên nhân khiến người bệnh bị liệt tứ chi, rối loạn cơ vòng, không kiểm soát được tiêu tiểu”.

Cũng theo BS Đình Lợi: “Sau khi xác định những thương tích người bệnh gặp phải, chúng tôi đã tư vấn cho gia đình về giải pháp can thiệp phẫu thuật đặt nẹp vít cố định đốt sống cổ. Nếu không phẫu thuật người bệnh sẽ không có cơ hội phục hồi mà phải đối mặt với nguy cơ tử vong cao. Tuy nhiên, gia đình quá khó khăn nên xin cho bệnh nhân về. Người bệnh còn quá trẻ, lại đang nuôi con nhỏ, chúng tôi không muốn buông xuôi nên cố gắng động viên gia đình để bệnh nhân có cơ hội được bình phục”.

Chị Thị Mai đau đớn, những hàng nước mắt thi nhau lăn dài

Đang khỏe mạnh, bỗng nhiên tai họa ập đến khiến Thị Mai phải nằm liệt một chỗ. Trên giường bệnh, chị bất lực nhìn đứa con thơ từ lưng chồng nhoài người xuống đưa hai tay đòi mẹ bế. Tiếng khóc nức nở của cháu vì không được mẹ đưa tay chào đón hay đáp lại bằng cử chỉ âu yếm như xé vào lòng mọi người. Nỗi đau cả thể xác lẫn tinh thần đè nặng, hai hàng nước mắt lăn dài trên gò má sạm đen, người mẹ trẻ chìm vào im lặng.

Tai họa giữa rừng sâu

Thị Mai và Điểu Ru là người đồng bào S’tiêng cư ngụ tại Bình Phước. Mối quan hệ cộng đồng giúp họ gắn bó, yêu thương nhau, hơn 2 năm trước họ nên vợ thành chồng. “Hai bên gia đình đều nghèo, sau ngày cưới tài sản duy nhất chúng em có là chiếc xe gắn máy đã cũ được bên nội cho làm phương tiện đi lại. Đất đai không có, cuộc sống của chúng em chỉ trông chờ vào việc làm mướn. Nhưng công việc phụ thuộc vào mùa cà phê mùa tiêu, điều nên rất bấp bênh, làm không đủ ăn”.

Nỗi đau của gia đình nhỏ khiến cậu bé đối mặt với cảnh đói khát

Vài tháng sau ngày cưới, Điểu Ru vừa mừng vừa lo khi vợ mang thai. Nỗi lo của Điểu Ru sớm hiện hữu, mới được 6 tháng của thai kỳ Thị Mai vì lao động nặng nên chuyển dạ sinh non. “Thằng bé chào đời chỉ nặng có 1,5kg phải nằm lồng ấp, viêm hô hấp nhiều lần… em tưởng không giữ được con nhưng nhờ bác sĩ cứu giúp nên nó mới sống được”.

Con xuất viện thì mẹ đã mất sữa, giữa cảnh nghèo vợ chồng Điểu Ru lại vất vả mưu sinh kiếm tiền “nuôi bộ” đứa bé. Nhưng cơ địa yếu nên cậu bé liên tục bị viêm phổi, nhiễm trùng tiêu hóa phải điều trị, chăm sóc rất vất vả và tốn kém.

Điểu Ru địu con đứng chết lặng bên giường bệnh của vợ

Mùa mưa không có việc làm, gần 2 tuần trước vợ chồng Điểu Ru cùng nhóm người trong làng rủ nhau vào rừng tìm nấm Linh Chi về bán, tai họa đã ập đến giữa chốn rừng sâu. Điểu Ru bàng hoàng kể lại: “Vào rừng mỗi người một lối chia nhau tìm nấm, em đang đi trước thi nghe tiếng rắc rắc… rầm ở phía sau. Em gọi vợ nhưng không thấy trả lời, chạy ngược lại tìm thì thấy vợ nằm bất động dưới tán cây bằng lăng rất lớn vừa bị bật gốc. Nghe tiếng em kêu cứu, người làng đi cùng chạy tới chặt cây, đưa được ra ngoài thì thấy vợ em rách đầu, bất tỉnh, máu chảy bê bết. Mọi người khiêng vội về làng rồi chuyển đến bệnh viện.”

Bố con họ đang sống được nhờ vào những suất cơm từ thiện tại bệnh viện

BS Đình Lợi cho biết, người bệnh cần được phẫu thuật càng sớm càng tốt để tránh những chấn thương nguy hiểm khác. Chi phí để thực hiện cuộc mổ tốn khoảng 40 triệu đồng bao gồm nẹp cố định cổ, đĩa đệm nhân tạo, thuốc điều trị... Tuy nhiên, sau phẫu thuật người bệnh còn phải nằm viện để tiếp tục theo dõi, điều trị phục hồi chức năng vật lý trị liệu nên rất tốn kém.

Địu con trên lưng nhìn vợ chịu cảnh đau đớn, Điểu Ru nghẹn ngào: “Em chỉ nhờ người nhà vay được 5 triệu, đã đóng vào bệnh viện rồi. Em đang nhờ bán xe gắn máy và vay mượn thêm nhưng không ai cho mượn. Cả hai vợ chồng nuôi con còn khó, giờ vợ bị thế này mình em sao nuôi nổi thằng bé. Mấy ngày nay con em không có sữa uống, em tính gửi về nhà nhưng nó không chịu theo ai, hai bố con em sống được là nhờ cơm từ thiện phát ở bệnh viện”.

Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:

1. Mã số 2971: Anh Điểu Ru (chồng Thị Mai) khoa Ngoại Thần kinh, Bệnh viện Chợ Rẫy, TPHCM

Điện thoại: 01679685135

Hoặc: Thôn Đăk Á, xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước

Tác giả: Vân Sơn

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP