Mới đây, câu chuyện về gia đình chị Tạ Thị Thu Trang (SN 1974), người con gái bị trao nhầm con 43 năm trước tại nhà hộ sinh Ba Đình tìm được người thân khiến nhiều người xúc động.
Lâu nay, việc nhầm con trong bệnh viện vốn được xem là câu chuyện hy hữu, hiếm có. Tuy nhiên, trên thực tế ngoài trường hợp của chị Trang, vẫn có nhiều gia đình bị trao nhầm con cho nhau. Có người may mắn phát hiện sự việc kịp thời nhưng cũng không ít trường hợp bị thất lạc con mà không thể tìm ra.
Cách đây một năm, câu chuyện trao nhầm con tại Bình Phước cũng từng khiến dư luận xôn xao. Theo đó, vào sáng ngày 10/1/2013, chị Nguyễn Thu Trang (26 tuổi) sinh cùng phòng với chị Liên (24 tuổi) tại Bệnh viện đa khoa thị xã Bình Long.
Chị Trang sinh trước sản phụ kia chừng 15 phút. Sau 5 ngày nằm viện, chị Trang xuất viện đưa bé gái về nuôi bình thường mà không hề hay biết đã có chuyện bị nhầm lẫn. Trong khi đó, sản phụ chung phòng cũng xuất viện một ngày trước, hai nhà cách nhau khoảng 5km.
Chị Trang và người con nuôi trao nhầm ở bệnh viện. Ảnh: Phạm Nguyễn |
Thấy con lớn lên mà chẳng giống ai trong gia đình, anh Vũ Đình Khiên chồng chị Trang luôn nghi ngờ vợ ngoại tình, cuộc sống vợ chồng vì thế thường xuyên xảy ra lục đục, tranh cãi.
Đầu tháng 5/2016, trong lần đi bán bánh mì ở làng bên, bố chị Trang bất ngờ thấy chị Liên bế bé gái rất giống cháu ngoại đầu của mình nên nghi ngờ. Chị Trang sau đó đưa bé về TP HCM xét nghiệm ADN thì phát hiện con gái không cùng huyết thống.
Nhận được khiếu nại, Bệnh viện Bình Long đã đưa hai bé gái sinh tại đây 3 năm trước đi xét nghiệm ADN và cho kết quả huyết thống chéo. Theo tường trình của các hộ sinh trực hôm ấy, có thể trong lúc tắm rửa sau sinh, dấu mực được đánh trên tay bé bị phai nên mới dẫn đến việc trao nhầm.
Sau khi nhận lại con ruột, cả hai gia đình cũng nhận em bé bị trao nhầm làm con nuôi và vẫn liên lạc, thăm hỏi nhau thường xuyên.
Theo bà Nguyễn Thị Nga (Giám đốc Trung tâm phân tích ADN và công nghệ di truyền Hà Nội), cơ sở bà cũng từng nhận phân tích ADN cho khoảng 10 trường hợp tự nhận là trao nhầm con trong bệnh viện. Trong đó chỉ có 3 trong số này là may mắn tìm lại được người con ruột của mình.
Bà Nguyễn Thị Nga cho biết trung tâm bà cũng từng nhận xét nghiệm cho khoảng 10 trường hợp tự nhận là bị nhầm con ở bệnh viện. Ảnh: N.N |
Vị chuyên gia này nhớ nhất là trường hợp cách đây 5 năm, một người đàn ông tên M. (Hà Nội) mang theo 2 mẫu móng tay tự thu thập, lần lượt ghi là “bố, mẹ, con” nhờ xét nghiệm ADN. Tuy nhiên, kết quả cho ra “mẫu con” không cùng huyết thống với cả bố lẫn mẹ.
Thấy lạ, bà Nga bèn gọi điện trao đổi thì ông M. tỏ ra bất ngờ, sửng sốt, tức tốc cùng một người đàn ông khác và đứa trẻ gần 1 tuổi đến trung tâm. Hóa ra, do bị gia đình phản đối vì muốn cưới người phụ nữ đơn thân làm vợ, ông M. đã nghĩ ra cách cầu cứu người bạn thân giúp đỡ. Theo đó, ông đã lấy mẫu móng tay của bạn và con trai sau đó ghi thông tin của mình rồi gửi đến trung tâm để xét nghiệm ADN.
Kết quả không chỉ khiến ông M. sửng sốt mà cả gia đình bạn ông cũng choáng váng, đau khổ. Sau khi bình tĩnh, xâu chuỗi lại các dữ liệu với nhau, người bạn ông M. khẳng định chỉ có khả năng xảy ra sự nhầm lẫn tại bệnh viện.
Bà Nga kể: “Rất may là vợ người đàn ông này sinh con tại một bệnh viện gần nhà và thời gian cũng không quá lâu nên các dữ liệu lưu trữ vẫn đầy đủ. Sau khi rà soát danh sách, một gia đình có con sinh vào thời điểm đó cũng đã đến trung tâm để thực hiện xét nghiệm ADN chéo. Kết quả đúng như phán đoán, hai người con đã bị trao nhầm cho hai gia đình khác nhau”, bà Nga kể.
Ngoài câu chuyện trên, trung tâm bà Nga con ghi nhận 2 trường hợp trao nhầm khác cũng đã tìm thấy người thân. Các trường hợp này đều được phát hiện do linh tính mách bảo của người mẹ. Trong quá trình nuôi nấng, chăm sóc, người mẹ cảm nhận đứa trẻ mình đang nuôi không có quan hệ ruột thịt. Họ quyết định tiến hành xét nghiệm ADN và nhờ các cơ quan chức năng vào cuộc tìm kiếm. Rất may mắn, sau khi rà soát, kết nối dữ liệu, thông tin về các gia đình có trùng ngày, tháng năm sinh được tổng hợp, gửi mẫu đi xét nghiệm. Nhờ thế, các gia đình này đã tìm lại được người con thất lạc.
Các trường hợp còn lại hầu như đều xảy ra vào khoảng thời gian những năm 70, 80 của thế kỷ trước. Thời điểm đó, điều kiện kinh tế đất nước còn nghèo nàn, lạc hậu nên việc lưu trữ, tìm kiếm thông tin rất khó khăn, một số gia đình cũng chuyển đi nơi khác hoặc định cư ở nước ngoài. “Đối với những trường hợp này có lẽ phải nhờ vào sự giúp đỡ của truyền thông, báo chí và các cơ quan chức năng, công bố thông tin rộng rãi về ngày tháng năm sinh và nơi sinh. Nếu ai có thông tin trùng khớp thì có thể đối chiếu, xét nghiệm ADN để tìm lại gia đình”, bà Nga chia sẻ.
Trong khi đó, trao đổi với PV Dân Trí, một chuyên gia tại Viện Pháp Y Quốc Gia cũng cho biết, đơn vị này cũng từng xét nghiệm cho một trường hợp bị nhầm con tại bệnh viện cách đây 3 năm. Theo đó, một người đàn ông mang 3 mẫu tóc tự thu thập lần lượt ghi “bố, mẹ, con” đến xét nghiệm ADN.
Kể với chuyên gia, người đàn ông này cho biết, vợ chồng anh sinh con tại một bệnh viện ở Hà Nội. Người đỡ đẻ cho vợ anh là cô bạn thân nên cả gia đình rất yên tâm, tin tưởng. Điều lạ là, càng lớn đứa trẻ càng không có nét giống cả bố lẫn mẹ. Trong khi vợ chồng anh da trắng, tóc thẳng thì con anh lại da nâu, tóc xoăn. Nghi ngờ đã xảy ra sự nhầm lẫn tại bệnh viện, vợ chồng anh đã quyết định lấy mẫu thực hiện xét nghiệm ADN.
Về sau, kết quả đúng như người đàn ông kia phán đoán, đứa con không có cùng huyết thống với cả bố lẫn mẹ. Vị chuyên gia này cho biết, sự thật trên đã khiến cho đôi vợ chồng trẻ không giấu nổi đau khổ.
“Tôi không biết cái kết về sau của đôi vợ chồng này thế nào nhưng chắc chắn sự nhầm lẫn định mệnh đã gây tổn thương rất lớn. Còn gì đau khổ hơn khi chứng kiến đứa trẻ mình yêu thương, chăm bẵm bao lâu lại không phải là con đẻ và ngược lại nỗi day dứt về việc thất lạc máu mủ ruột thịt của mình cũng sẽ khiến họ ám ảnh mãi không thôi”, vị chuyên gia này nói.
Tác giả: Hà Trang
Nguồn tin: Báo Dân trí