Giáo dục

Lớp học đặc biệt của những thầy giáo mang quân hàm xanh

Trước tình trạng con của các gia đình người Việt từng sinh sống ở Biển Hồ (Campuchia) đang trong độ tuổi đến trường nhưng lại không có hộ khẩu, giấy khai sinh để đi học ở trường chính quy, các chiến sỹ bộ đội biên phòng ở huyện Vĩnh Hưng (Long An) đã mở một lớp học đặc biệt để giúp các em có cơ hội đến trường.

Lớp học tình thương do đồn biên phòng Tuyên Bình mở vào các buổi tối từ 19h-21h tại trường Tiểu học Tuyên Bình (xã Tuyên Bình, huyện Vĩnh Hưng, Long An). Lớp học chủ yếu là những con em người Việt Kiều, từng sinh sống ở Biển Hồ (Campuchia), không biết chữ hoặc các em biết chữ nhưng nghỉ học từ lâu.

Thầy giáo đồn biên phòng Tuyên Bình đang dạy chữ cho các em học sinh.

Đầu năm học 2017 - 2018, đồn biên phòng Tuyên Bình phụ trách hơn 50 học sinh từ 6-19 tuổi. Trong đó lớp 1 có 20 em; lớp 2 và lớp 3 có 30 em. Lớp 1 là giáo dục từ đầu cho các em chưa biết chữ; lớp 2 khôi phục lại mặt chữ cho các em đã biết chữ nhưng bỏ học lâu ngày; lớp 3 phổ cập hết chương trình Tiểu học cho các em. Lớp học chủ yếu dạy Toán và Tiếng Việt.

Ở lớp học ban đêm này, không chỉ học trò mà những thầy giáo đứng lớp cũng rất đặc biệt - những thầy giáo mang quân hàm xanh. Ngay từ khi thành lập lớp học, đồn biên phòng Tuyên Bình giao cho Đoàn thanh niên và phân công các chiến sỹ trẻ trực tiếp phụ trách lớp học.

Những em nhỏ luôn được thầy giáo mang quân hàm xanh chỉ bảo tận tình.

Học trò có khi ít, khi nhiều, có ngày học ngày nghỉ nhưng các thầy giáo thì chưa lúc nào vắng mặt. Để tranh thủ tối đa thời gian, giúp các em theo kịp chương trình như các bạn học trường chính quy, các chiến sỹ quyết định dạy học tất cả các buổi tối trong tuần, kể cả thứ bảy và chủ nhật. Học sinh được chia lớp theo trình độ để thầy giáo có thể kèm cặp cho từng em.

Là người trực tiếp đứng giảng dạy cho các em, binh nhất Nguyễn Hoàng Khanh (SN 1997, quê huyện Tân Hưng) cho biết: “Lớp học của em hiện có 20 học sinh, giảng dạy đều đặn vào mỗi buổi tối hàng tuần. Mỗi em có một khả năng tiếp thu khác nhau. Do đó, đòi hỏi người dạy phải có tâm huyết, lòng kiên trì và tình thương đối với trẻ nhỏ mới có thể duy trì kèm cặp, rèn luyện các em”.

Các em vui đùa sau những ngày theo cha mẹ đi vớt lục bình.

Thiếu tá Đỗ Văn Long, Chính trị viên đồn biên phòng Tuyên Bình cho biết: “Do cuộc sống của những hộ dân Việt Kiều Campuchia về sinh sống trên địa bàn còn khó khăn cả về đời sống vật chất và tinh thần. Trẻ em trong độ tuổi đều không thể đến trường, nên từ tháng 3/2012, đơn vị đã thống nhất với địa phương và Phòng Giáo dục và đào tạo huyện Vĩnh Hưng mở lớp phổ cập giáo dục tiểu học cho con em các hộ dân nói trên’’.

Em Nguyễn Thị Kim Lý đã 14 tuổi, nhưng kể từ khi đến với lớp học tình thương, em mới được các thầy giáo Biên phòng dạy cho cách cầm bút, viết những nét chữ đầu đời. Nhà Lý rất nghèo, hàng ngày cô học trò phải đi vớt lục bình giúp gia đình. Tối đến, các thầy giáo biên phòng lại giúp Lý đánh vần, luyện từng nét chữ.

Một góc của xóm “Việt kiều” ở Tuyên Bình.

Phụ huynh Nguyễn Văn Hoan, ba em Lý phấn khởi nói: “Gia đình khó khăn nên tôi rất sợ con cái sau này không biết chữ viết sẽ cực khổ như vợ chồng chúng tôi. Nay cháu được đi học, biết đọc, biết viết, chúng tôi sẽ cố gắng lo cho cháu học hành đàng hoàng để cháu có tương lai tươi sáng hơn”.

Tác giả: Đức Hiệp

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP