Tin Hà Tĩnh

Lời kể ám ảnh của người phụ nữ Hà Tĩnh bị bỏ đói, đánh đập khi trồng cần sa ở Anh

Được hứa hẹn về một công việc ổn định, lương cao nơi xứ người nhưng tất cả những gì Hương nhận được chỉ là những ngày tháng tủi hờn phải sống trong nước mắt, bị đánh đập và cưỡng ép trồng cần sa trái phép.

Bỏ một số tiền lớn với ước mơ đổi đời nơi xứ người, không ít người chấp nhận trở thành “con mồi” trong những đường dây buôn người xuyên quốc gia. Tuy nhiên, khác với lời hứa hẹn về một tương lai “màu hồng”, nhiều người trong số này bị lạm dụng, bóc lột sức lao động, thậm chí phải trả giá đắt bằng cả mạng sống khi vượt biên trái phép.

Với mong muốn cung cấp thêm góc nhìn về cuộc sống của những người nhập cư bất hợp pháp tại Anh, nhóm PV Dân trí đã nỗ lực kết nối với nhiều nạn nhân của đường dây buôn người. Từ đây, những góc khuất về cuộc sống khốc liệt trong các cơ sở lao động chui cũng dần được hé mở...

Cuộc sống "chui lủi" trong căn nhà bí mật

Nguyễn Thị Hương (47 tuổi, quê gốc Hà Tĩnh) hiện là nhân viên trong một tiệm nail ở Anh. Cách đây 10 năm Hương từng bị ép buộc phải lao động khổ sai trong các cơ sở trồng cần sa trái phép. Theo Hương đó là những ngày tháng “kinh hoàng, ám ảnh” mà cho đến tận bây giờ mỗi lần nhớ lại vẫn khiến cô “rùng mình, sợ hãi”.

Hương sang Anh qua một đường dây nhập cư do người đồng hương giới thiệu. Trước khi đi, cô được “cò” hứa hẹn sẽ lo một công việc ổn định nơi xứ người, với mức thu nhập đủ để nuôi sống cả gia đình ở Việt Nam.

“Họ nói tôi sẽ làm giúp việc, trông trẻ cho các gia đình người Việt Nam. Tôi và chồng đã phải chạy vạy, cắm số đỏ lo đủ số tiền 800 triệu để đưa cho người môi giới”, Hương nói.

Các cây cần sa được phát hiện bên trong một trung tâm giải trí cũ ở thành phố Newport ở Wales. Ảnh: Wales New Service

Ngay khi vừa sang đến Anh trót lọt, Hương cùng với 3 lao động Việt được đưa đến một căn nhà – là “bãi” trồng cần ở một vùng hẻo lánh.

Theo Hương, mỗi đường dây trồng cần bất hợp pháp tại Anh đều được xây dựng, tổ chức với quy mô khá lớn và bài bản như một công ty. Mỗi vụ, các "công ty" này sẽ chia thành nhiều địa điểm khác nhau sau đó cử người đến chăm sóc, trông coi. Những lao động người Việt chỉ là một mắt xích, có nhiệm vụ chăm sóc, tưới nước cho các cây cần sa trong đường dây này.

“Khi vừa đến nơi, họ nói với tôi đây sẽ là công ty và nơi chúng tôi ăn ở hàng ngày. Tôi hiểu mình đang bắt đầu một công việc bất hợp pháp, nhưng tôi không có sự lựa chọn. Tôi buộc phải làm việc để có tiền gửi về trả món nợ tại quê nhà”, Hương thổn thức nói.

Hương bị nhốt cùng với những người lao động khác trong các căn nhà luôn đóng kín cửa, thiếu ánh sáng và oxy. Cứ cách 2-3 ngày lại có một người mang thức ăn (chủ yếu là đồ ăn nhanh) và các nhu yếu phẩm, còn hàng ngày những lao động như Hương không được phép ra khỏi nhà dù chỉ nửa bước chân.

“Tôi luôn cảm thấy sợ hãi, ngày nào cũng khóc, sự bức bối ngột ngạt khiến tôi cảm thấy phát điên. Động lực duy nhất của tôi lúc đó là chồng và hai con nhỏ ở Việt Nam”, Hương nói.

Thời gian đầu, những người lao động như Hương phải luyện thần kinh thép và luôn trong tư thế sẵn sàng bỏ chạy vì “cảnh sát có thể ập vào bất cứ lúc nào”.

“Những người quản lý dặn chúng tôi, nếu có “biến” phải tìm mọi cách “bỏ của chạy lấy người”, chấp nhận mất vụ cần. Nếu không chạy kịp thì phải ngồi tù ít nhất 2 năm, quan trọng hơn là từ đây cảnh sát có thể lần ra đầu mối của những người cầm đầu đường dây”, Hương nói.

Ngoài việc chăm sóc các cây cần, Hương và những người lao động tại các bãi còn phải tiến hành thu hoạch, cắt búp cây và đóng thành từng bánh để mang đi tiêu thụ. Ảnh: NVCC

Mỗi vụ trồng cần thường kéo dài khoảng 3 tháng. Công việc của Hương là chăm sóc những cây cần để chúng phát triển tốt nhất. Trong các “bãi” trồng cần, các đối tượng thường trang bị hệ thống đèn chiếu, phun sương khá hiện đại.

Một ngày 2 lần, đều đặn vào lúc 10 giờ sáng và 10 giờ tối, Hương sẽ pha nước và hóa chất theo tỷ lệ nhất định tưới nước cho cây. Đến ngày thu hoạch, cô cùng với các lao động trong “bãi” phải cắt lấy búp, đi xao khô và ép thành bánh sau đó sẽ có một nhóm người đến làm nhiệm vụ chở cần đi tiêu thụ.

“Thời gian thu hoạch cần là khoảng thời gian căng thẳng tột độ, bởi mùi thơm của cần sẽ dẫn đường cho bọn trộm hoặc cảnh sát lần ra. Mỗi lúc nghe thấy một tiếng động, tim muốn “rớt ra khỏi lồng ngực”, đầu lúc nào cũng phải căng ra nghe ngóng. Thậm chí, có lúc đi ngủ mà chúng tôi cũng phải mặc quần áo, đeo giày để sẵn sàng tư thế bỏ chạy bất cứ lúc nào”, Hương nói.

Sau khi kết thúc một vụ cần, nếu “im ắng, không ai phát hiện” thì những người trồng cần sẽ tiếp tục ở lại “đại bản doanh cũ” để làm việc. Tuy nhiên nếu phát hiện có “động”, các đối tượng trong đường dây sẽ di chuyển các bãi cần đến các địa điểm khác.

Phận đời "sống không ai biết, chết không ai hay" của những lao động trồng cần

Ngoài việc sống trong điều kiện tối khổ, luôn thấp thỏm, căng mình vì lo sợ cảnh sát phát hiện những người lao động như Hương còn phải đối mặt với nỗi lo bị trộm cướp bất ngờ.

Bản thân Hương cũng từng bị đánh đập dã man khi nhóm cướp người da đen xông vào bãi cướp cần.

“Lần đó, tôi vừa ăn cơm xong thì bất ngờ thấy 2 tên da đen đạp vỡ cửa kính, cầm súng vào nhà. Chúng yêu cầu tôi phải nộp hết tiền mặt, sau đó vơ vét của cải, và bê các chậu cần theo. Tôi bị đánh đập đến bất tỉnh dù đã quỳ gối cầu xin”, Hương nén thở dài.

Vì là người nhập cư bất hợp pháp, không có giấy tờ tùy thân nên dù bị thương khá nặng nhưng Hương không dám đến bệnh viện. Cô liên hệ với những người đồng hương ở các tiệm nail, nhờ họ mua thuốc để tự chữa trị.

“Những nhóm cướp biết điểm yếu của những người nhập cư trái phép nên luôn theo dõi để ra tay cướp bóc. Khi gặp tình huống này, bản thân chúng tôi cũng không dám hô hoán hay chống cự, bởi lẽ nếu xô xát xảy ra, hàng xóm sẽ báo cảnh sát, lúc đó bản thân chúng tôi cũng bị tóm vào tù. Lần đó tôi phải mất cả tháng trời để có thể ăn uống, đi lại bình thường”, Hương ngậm ngùi nói.

Theo Hương, những người lao động trồng cần như cô không được trả lương cứng mà sẽ ăn chia phần trăm theo lợi nhuận từng vụ. Nếu thắng vụ cần, họ được chủ chia cho 30% lợi nhuận, ngược lại nếu thua, sẽ mất trắng mà không được gì.

Thân phận của những người lao động chui ở các cơ sở trồng cỏ theo Hương mô tả là “sống không ai biết, chết không ai hay”. Thậm chí có những trường hợp, người làm thuê bị chủ đánh đập đến chết, sau đó dựng hiện trường giả, cảnh sát cũng không xác định được danh tính do không có giấy tờ tùy thân.

“Một vụ cần bội thu có thể được trả mức 30-50 nghìn USD nhưng đó chỉ là bề nổi mà thôi. Bởi 10 vụ thì thành công được khoảng 4-5 vụ, còn lại có thể bị cướp, mất mùa hoặc bị cảnh sát bắt. Đó là chưa kể hàng loạt các rủi ro, nguy hiểm nếu mình làm không tốt, khiến chủ bị ảnh hưởng. Họ có thể trút nỗi bực dọc lên đầu những lao động như chúng tôi”, Hương tâm sự.

Hiện tại, Hương làm việc trong một tiệm nail của người chủ gốc Việt tại Anh. Ảnh: NVCC

Gắn bó với công việc trồng cần trong các bãi khoảng 5 năm, thì Hương liên hệ được làm việc trong một tiệm nail của người Việt. Hương bảo, công việc mới tuy lương không cao như việc trồng cần nhưng ít rủi ro và nguy hiểm hơn. Điều quan trọng, là hàng ngày cô được làm việc, tiếp xúc với mọi người và không còn nỗi lo bị cướp bóc, đánh đập bất cứ khi nào.

Sang Anh hơn 10 năm, cũng là ngần ấy quãng thời gian, Hương chưa được trở về quê nhà. Trước đây, khi còn làm việc trong các bãi cần, vì sợ cảnh sát phát hiện nên phải thu hoạch xong các vụ cần, cô mới dám dùng điện thoại, gọi điện về cho chồng con.

Mỗi lần nhìn thấy mâm cơm “gà trống nuôi con” của ba bố con, Hương lại len lén lau những giọt nước mắt vì vừa thương, vừa tủi. Hương bảo, cô thèm một bát canh rau, quả cà muối quê nhà, thèm ôm hai cậu con trai mà vuốt ve vào lòng nhưng không thể.

Có những lúc thức dậy giữa đêm khuya, nhớ đến gia đình ở quê nhà, Hương lại thức trắng không thể ngủ được.

“Đi con đường này là không thể quay đầu và cũng không có lựa chọn khác. Tôi chỉ mong, có sức khỏe cố gắng làm lụng thêm vài năm, có chút tiền để lo tương lai cho các con, rồi tôi sẽ tìm cách trở lại Việt Nam…”, Hương nghẹn ngào.

Nén để những giọt nước mắt không trực trào nơi khóe mắt vì xúc động, Hương bảo mong đừng ai "phải rơi vào con đường tha hương" như cô: "Cuộc sống nơi xứ người tủi nhục, đắng cay không kể xiết. Đồng tiền kiếm được đôi khi phải đánh đổi bằng cả máu và nước mắt. Ở quê nhà, bên cạnh người thân, kiếm đồng tiền chân chính vẫn là hạnh phúc hơn cả", Hương đúc kết sau nhiều năm làm việc chui lủi tại nước ngoài.

Tác giả: Hà Trang - Thanh Thúy

Nguồn tin: Báo Dân Trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP