Thảo luận ở hội trường về dự án Luật chuyển giao công nghệ (sửa đổi) chiều 22/11, đại biểu Lê Minh Thông (Thanh Hóa) cho rằng, để có được chủ trương đầu tư không ít các nhà đầu tư có hiện tượng thổi phồng công nghệ.
“Thời gian qua cho thấy, vì không có sự kiểm soát và quản lý công nghệ không có phân công phân cấp thẩm định giám sát công nghệ, nhất là nhóm công nghệ khuyến khích chuyển giao nên đã tạo ra những lỗ hổng trong việc chấp thuận chủ trương đầu tư của các dự án đầu tư. Chính những lỗ hổng của pháp luật về quản lý công nghệ này nên thực tế đã phát sinh những thảm họa về môi trường mà hiện nay chúng ta đang phải gánh chịu và nỗ lực khắc phục, điển hình như các dự án bô-xít ở Tây Nguyên, Formosa ở Hà Tĩnh, mở rộng Nhà máy gang thép Thái Nguyên, Nhà máy nhiệt điện Nam Định, Nhà máy đạm Ninh Bình…”-ông Thông phản ánh.
Do công tác thẩm định giám sát công nghệ của các dự án đầu tư chưa được quan tâm đưa vào luật một cách cụ thể nên việc đưa công nghệ kèm theo thiết bị lạc hậu trong thời gian qua đã để lại hậu quả là các dự án đầu tư tiêu tốn biết bao nhiêu tiền của, đội vốn, hoạt động không hiệu quả, thua lỗ, mất vốn đến lúc lại kêu gọi Chính phủ cứu trợ.
Mặt khác, trong các dự án đầu tư có thể bao gồm nhiều công nghệ thuộc nhiều ngành, lĩnh vực trong một dự án, trong đó công nghệ chính là những công nghệ tạo ra các sản phẩm theo mục tiêu của dự án và các công nghệ phụ trợ đi kèm như những công nghệ xử lý phế thải, nước thải, khí thải…
“Nếu chúng ta chỉ quan tâm đến công nghệ chính, có thể là công nghệ thuộc khuyến khích chuyển giao mà không quan tâm đến các công nghệ phụ trợ đi kèm thì sẽ gây ra rất nhiều vấn đề phức tạp, công nghệ phụ trợ lại thường là những công nghệ lạc hậu. Chính những công nghệ phụ trợ đi kèm đóng vai trò rất quan trọng đến dự án, có đảm bảo đáp ứng được quy định về môi trường hay không?. Do đó, Luật chuyển giao công nghệ sửa đổi lần này chỉ quy định việc tổ chức thẩm định công nghệ đối với các dự án đầu tư sử dụng công nghệ thuộc danh mục công nghệ hạn chế chuyển giao và Luật Đầu tư năm 2014 thì vẫn chưa thể khắc phục được những lỗ hổng trong công tác quản lý công nghệ”- ông Thông phân tích.
Để lọt nhiều công nghệ lạc hậu vào Việt Nam
Đại biểu Nguyễn Quốc Bình (Hà Nội) khẳng định, 10 năm qua vì kém về năng lực nên đã để lọt nhiều công nghệ lạc hậu vào Việt Nam, gây hậu quả nghiêm trọng về ô nhiễm môi trường, an ninh xã hội như các dự án sản xuất thép, bôxít, xi măng, nhiệt điện…
“Dự thảo luật sửa đổi đề cập đến nội dung này nhưng chưa đủ mạnh, thiếu bộ tiêu chuẩn đánh giá công nghệ, thiếu bộ tiêu chuẩn về năng lực của các tổ chức đánh giá thẩm định công nghệ và còn thiếu cơ chế kiểm tra chéo để đảm bảo không có khe hở cho những đối tượng vì ham lợi vẫn cố tình lách luật. Do vậy, tôi đề nghị cần bổ sung bộ tiêu chuẩn về công nghệ làm cơ sở để việc đánh giá, thẩm định và đảm bảo cho việc chuyển giao công nghệ một cách lâu dài không bị lỗi thời”- ông Bình nêu quan điểm.
Trong khi đó, đại biểu Huỳnh Thành Đạt (TPHCM) nói: “Tôi hoàn toàn tán thành, nhất trí với ý kiến của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường là môi trường không thể chịu đựng thêm được nữa. Do đó, với mỗi dự án, vấn đề bảo vệ môi trường phải được đặt lên hàng đầu”.
Trên tinh thần đó, ông Đạt đề nghị ban soạn thảo chú ý đưa vào luật những ràng buộc, chế tài cần thiết và hình thành liên kết tam giác thực chất có trách nhiệm giữa nhà nước – nhà trường – doanh nghiệp để thúc đẩy thương mại hóa một cách hiệu quả các kết quả nghiên cứu. Đồng thời, để phát triển thị trường khoa học, công nghệ vốn yếu như hiện nay, Nhà nước cần hỗ trợ tạo điều kiện hình thành các công ty chuyên về tìm kiếm các công nghệ tiên tiến phù hợp với trình độ và nhu cầu của doanh nghiệp trong nước mà chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, có kinh phí đầu tư hạn chế. Các công ty này sẽ hỗ trợ và làm cầu nối giữa các nhà khoa học với các doanh nghiệp.
Chung quan điểm, đại biểu Nguyễn Thanh Phương (Cần Thơ) nêu thực tế, thời gian qua đã chứng kiến nhiều công nghệ lạc hậu, công nghệ vận hành không đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn của quốc gia qua các dự án đầu tư vẫn được được đưa vào Việt Nam. Điều này có nhiều nguyên nhân, trong đó có các quy định của Luật chuyển giao khoa học, công nghệ năm 2006 chưa chặt chẽ và đủ mạnh.
Dự thảo luật này đã có một số quy định tiến bộ về thẩm định công nghệ, hạn chế chuyển giao và công nghệ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nhưng lại chưa rõ quy trình thẩm định; kết quả thẩm định, quy trình công nghệ vẫn còn mang tính chất lý thuyết, đánh giá dựa vào hồ sơ mô tả công nghệ.
Dẫn ra bài học xử lý rác thải ở Đa Phước (TPHCM), đại biểu Ngô Đức Mạnh (Bình Thuận) chua xót, mặc dù đây là công nghệ chúng ta khuyến khích nhưng qua quá trình thẩm định và không dự liệu được sự biến động của thời gian, yêu cầu nên hiện nay có thể phải tốn hàng nghìn tỷ đồng xử lý.
“Vấn đề bảo vệ môi trường và công nghệ hết sức quan trọng, tôi đề nghị trong dự án luật này phải có những quy định để ràng buộc trách nhiệm. Hơn thế nữa ở đây có nhiều công nghệ mới, công nghệ nguồn mà năng lực nội tại của chúng ta không có điều kiện cho nên vấn đề thành lập Hội đồng thẩm định, thành phần và trách nhiệm của các cơ quan này như thế nào, rất nhiều đại biểu trong khi thảo luận tổ đã nêu rõ trách nhiệm của Bộ Khoa học và Công nghệ hoặc của Hội đồng thẩm định khi đã thẩm định xong, hoàn tất quy trình, thủ tục, sau phát hiện ra công nghệ đó không đáp ứng được yêu cầu phát triển của đất nước. Bài học của chúng ta rất nhiều như xi măng lò đứng, các vấn đề sản xuất nhiệt điện than hiện nay”- ông Mạnh nói.
Thế Kha