Tin trong nước

Lộ đường dây lừa đảo xin việc vào Đại sứ quán với giá hàng trăm triệu đồng

Mất tiền vì… cả tin

Nghe lời mồi chài chạy việc cho con vào Đại sứ quán Thụy Sĩ với phí 220 triệu đồng, nhưng đến nay ông Lành khóc dở, mếu dở vì mất cả chì lẫn chài.

Vừa qua, Báo điện tử Giáo Dục Việt Nam nhận được đơn tố cáo của ông Đào Đức Lành, địa chỉ thường trú tại số nhà 101, ngõ 85 phố Hạ Đình, phường Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân, Hà Nội) về việc ông bị một nhóm người có liên kếtvới nhau để xin việc cho con trai ông vào lái xe cho Đại sứ quán Thụy Sĩ với giá 220 triệu đồng.

Tuy nhiên, kể từ khi làm thủ tục và nộp tiền, con trai ông Lành vẫn chưa có việc làm. Đến khi gia đình yêu cầu hoàn lại tiền thì nhóm người này lấy nhiều lý do để lẩn tránh, không hoàn lại tiền.

Không chỉ gia đình ông Lành bị “hút hồn” bởi những lời mời “chắc như đinh đóng cột”, hứa hẹn sẽ “chạy” được việc tại Đại sứ quan của một nhóm người mà còn rất nhiều trường hợp khác cũng đang trong tình trạng dở khóc, dở cười như ông.

Cụ thể, theo đơn thư, ông  Lành với ông Nguyễn Hữu Vượng là bạn bè lâu năm, qua mối quan hệ, ông Vượng và bà Mai Anh có nói là hai người có “mối” xin vào làm lái xe, nhân viên bảo vệ trong Đại sứ quán Thụy Sĩ.

“Vì tin tưởng nhau, cũng chỗ quen biết lâu năm nên nhóm người này nói không cần phải hợp đồng gì cả, chỉ làm cái giấy biên nhận tiền là được” ông Đào Đức Lành cho biết.

Sau khi nghe thấy thế ông đã ngỏ lời nhờ xin cho con trai ông là Đào Thanh Tùng (SN 1983) vào làm việc. Trong bản thỏa thuận giữa ông Lành với ông Vượng và bà Mai Anh thì anh Tùng sẽ được vào lái xe cho Tổng lãnh sự quán Thụy Sĩ tại Hà Nội thuộc Đại sứ quán Thụy Sĩ với mức phí là 250 triệu đồng. Tuy nhiên ông lành là chỗ người quen nên giá hạ nhiệt xuống còn 220 triệu đồng.

Theo thỏa thuận, sau khi nộp tiền, một tuần sau con trai ông Lành sẽ có quyết định đi làm và được ký hợp đồng lao động với Tổng lãnh sự quán Thụy Sĩ tại Hà Nội. Ngoài ra, để giữ chân vào làm việc thì nhóm người này yêu cầu ông Lành phải đặt cọc thêm 1.000 USD. Tiền đặt cọc sẽ được hoàn trả lại sau 3 tháng làm việc chính thức.

“Sau khi hai bên đã nhất trí với các điều khoản trên, vào ngày 09/07/2014, tôi đã nộp toàn bộ số tiền 220 triệu đồng tại nhà ông Vượng, có giấy biên nhận. Nhưng đến nay, đã hơn 1 năm 2 tháng, sau nhiều lần hứa hẹn và thương lượng họ vẫn không thực hiện được lời hứa”. Ông Lành nói.

Theo ông Lành, nhóm người hứa xin việc cho con ông gồm có: “Nguyễn Hữu Vượng, địa chỉ: Số nhà 25 ngõ 66 phường Tân Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội; bà Lê Mai Anh, địa chỉ: P6 – C10 khu lắp ghép Trương Định (quận Hoàng Mai, Hà Nội); bà Nguyễn Thị Hà Trang (người thường xuyên đi cùng bà Mai Anh để giao dịch), cho biết địa chỉ ở số nhà 18 Phạm Đình Hổ, Nguyễn Hữu Tuấn, nhận là hiện đang công tác tại Viện giống cây trồng – Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn; Phùng Đức Bảo (người nhận tiền đặt cọc), cho biết hiện đang thường trú ở  Phòng 9B – Nhà Sông Đà 6 – Khu đô thị mới Văn Khê – La Khê – Hà Đông”.

Từ tháng 07/2014 đến ngày 04/12/2014, do thời gian chờ đợi để được đi làm quá lâu, ông Lành đã đến gặp trực tiếp ông Vượng, bà Mai Anh và bà Hà Trang để xin rút hồ sơ xin việc, lấy lại tiền. Phía bà Mai Anh đã chấp nhận và hứa sẽ hoàn trả tiền lại cho ông Lành vào ngày 24 – 26/12/2014.

Giấy hẹn đến ngày 31/7/2015 là hạn chót trả lại tiền cho ông Lành…

Tuy nhiên, đến ngày hẹn thì nhóm người trên “bặt vô âm tín”. Nghi ngờ nhóm người nói trên không thể xin việc cho anh Tùng, ông Lành tiếp tục hối thúc thì bà Mai Anh có gửi cho ông Lành một thông báo tuyển dụng lao động của Công ty TNHH Sản xuất Đầu tư và Dịch vụ thương mại Thiên Phát, có dấu và chữ ký của Giám đốc công ty ký ngày 10/02/2015.Tuy nhiên theo ông Lành thì địa chỉ của công ty này không có thực.

Những cuộc hẹn ở quán nước và dưới gốc cây… 

“Sau khi nộp tiền theo thỏa thuận, gia đình tôi cứ đợi trong vô vọng, hết lần này nhóm người kia thất hứa, rồi lại viện ra đủ lý do để lẩn tránh. Do chờ đợi quá lâu va nghi ngờ nhóm người này lừa đảo nên tôi và xin rút hồ sơ xin việc, yêu cầu được hoàn lại tiền thì không có kết quả” ông Lành cho biết.

Sau nhiều lần bị hối thúc hoàn lại tiền vì không làm theo cam kết, để trấn an nạn nhân, ngày 11/02/2015, bà Mai Anh và bà Hà Trang lại gửi cho ông Lành thông báo tuyển dụng nhân viên lái xe và bảo vệ của Tổng lãnh sự quán Thụy Sĩ tại Hà Nội, có dấu và chữ ký của Tổng lãnh sự quán (dấu và chữ ký chưa xác định được là thật hay giả) và hẹn sau 45 ngày sẽ đi làm.

“Ngày 16/04/2015, bà Mai Anh và bà Hà Trang lại gửi cho gia đình một thông báo đến ngày 15/05/2015 có mặt tại Bệnh viện Xây dựng – quận Thanh Xuân để khám sức khỏe tuyển dụng nhưng khi chúng tôi đến thì thực tế không có tổ chức nào khám sức khỏe cho nhân viên lái xe xin việc vào Tổng lãnh sự quán Thụy Sĩ” anh Đào Thanh Tùng cho biết.

Ngày 10/07/2015, nhóm người này tiếp tục hẹn các nạn nhân lên Đại sứ quán Thụy Sĩ tại 44 Lý Thường Kiệt để thanh lý hợp đồng xin việc nhưng đều giống những lần trước, không có kết quả.

Ngày 21/07/2015, bà Mai Anh và bà Hà Trang tiếp tục gửi một thông báo với nội dung:“Từ ngày 09 đến ngày 30/08/2015 sẽ có thông báo tuyển dụng đi làm (có dấu và chữ ký kèm theo, chưa xác định được dấu thật hay dấu giả). Tuy nhiên từ đó đến này vẫn chìm trong im lặng”.

…lại hẹn tiếp đến các ngày khác.

Theo ông Lành, mỗi lần hẹn các nạn nhân trong vụ việc này những đối tượng trên thường tập chung tại quán nước, trước đó thị hẹn ở dưới gốc cây bạch đàn trong khuôn viên trường Đại học Ngoại Ngữ…chứ chưa bao giờ được đặt chân vào trụ sở Đại sứ quán Thụy Sĩ.

“Theo tôi được biết, lệ phí xin việc của nhân viên lái xe thấp nhất là 220 triệu đồng, có trường hợp lên tới gần 300 triệu đồng. Riêng, nhân viên bảo vệ là 150 triệu đồng. Khi làm việc với anh Vượng và chị Mai Anh, tôi còn được các anh chị giới thiệu có đường dây tổ chức thi hộ vào các trường đại học của khóa học 2014 – 2015 và xin một số ngành nghề, chứng chỉ cho ngành y” ông Lành cho biết thêm.

Để xác minh thông tin, phóng viên Báo điện tử Giáo Dục Việt Nam đã liên hệ với những người bị tố cáo với những nội dung trên. Qua trao đổi, bà Hà Trang và ông Vượng thừa nhận việc nhận tiền của ông Lành và một số người khác để chạy việc vào đại sứ quán Thụy Sĩ.

Tuy nhiên, khi nói về vấn đề không “chạy” được việc sao không trả lại tiền, thì ông Vương và bà Hà Trang đều trả lời rằng đây là việc thật, người thật “Chúng tôi sẽ xin nếu không xin được sẽ trả lại tiền”

Liên quan đến vụ việc, theo Luật sư Vũ Văn Lợi, Giám đốc Công ty Luật TNHH Hòa Lợi (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) cho biết: “với tài liệu, bằng chứng là file ghi âm buổi nhóm người trên nhận tiền của ông Lành để chạy việc cho anh Đào Thanh Tùng thì nhận thấy đây là vụ việc có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại khoản 3 điều 139 Bộ Luật Hình sự”.

Khoản 3 Điều 139 Bộ Luật Hình sự quy định:

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười năm lăm:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;
b) Gây hậu quả nghiêm trọng.

Hiện tại Công an Thành phố Hà Nội đang điều tra vụ “chạy” viên chức tại huyện Sóc Sơn cũng với giá hàng trăm triệu đồng. Đề nghị Công an Hà Nội cũng vào cuộc điều tra làm rõ vụ việc này.

Báo điện tử Giáo dục Việt Nam tiếp tục thông tin!

Phan Thiên
Theo Giáo dục Việt Nam

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP