Hot trong nước

Hé lộ công thức cực độc tại ‘thủ phủ’ rượu cồn lớn nhất miền Bắc

Mỗi ngày một cơ sở ở Đại Lâm có thể sản xuất cả ngàn lít rượu gắn mác “tự nấu” từ nước lã và cồn công nghiệp với giá siêu rẻ. Tỉ lệ pha chế sẽ quyết định chất rượu và lợi nhuận đem lại.

Theo tìm hiểu của PV báo Người Đưa Tin, trên địa bàn TP.Hà Nội, hầu hết các quán cơm, thậm chí nhà hàng đều bày bán các loại rượu “cuốc lủi” không nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ cho thực khách.

Nhiều hộ kinh doanh cũng không ngần ngại thừa nhận họ lấy rượu từ các làng nghề với giá rẻ, chỉ cần “alo” là có. Một số làng nghề nấu rượu “không khói” mà giới kinh doanh nhà hàng, quán cơm bình dân vẫn rỉ tai nhau về làng Đại Lâm (xã Tam Đa, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh).

Những chiếc thùng phuy cỡ lớn đựng rượu bày la liệt từ cổng đến trong nhà tại làng Đại Lâm (ảnh: Vũ Phương).

Để tìm hiểu thực hư làng nấu rượu “không khói” nổi tiếng nhất miền Bắc, PV báo Người Đưa Tin được một chủ quán ăn giới thiệu anh Hải, chủ cơ sở sản xuất rượu lớn tại làng Đại Lâm.

Liên lạc trước qua điện thoại, anh Hải khẳng định như đinh đóng cột “lấy bao nhiêu cũng có”, giá cả phụ thuộc vào từng loại rượu như rượu sắn, rượu gạo tẻ, rượu gạo nếp.

PV Người Đưa Tin tìm về làng “nấu rượu” thần tốc nổi tiếng Tam Đa. Dọc con đường đê dẫn vào làng, không khí người qua lại tấp nập, hai bên đường nhà cao tầng hiện đại mọc san sát như phố.

Điều ngạc nhiên, cả làng Đại Lâm nấu rượu nổi tiếng từ thời Pháp nay không còn mùi khói, mùi rượu, một thứ mùi đặc trưng, dễ nhận biết của các làng nấu rượu truyền thống.

Làng Tam Đa tấp nập như phố nhờ nghề sản xuất rượu (ảnh: Lại Cường).

Ngay đầu đường dẫn vào làng, đập vào mắt PV là những chiếc thùng phuy nhựa màu xanh loại 150 lít xếp chật kín ngoài cổng và trong sân của không ít gia đình trong làng. Xưởng sản xuất của anh Hải nằm ngay ngoài đường lớn, để vào được trong nhà, PV phải lách qua những chiếc thùng phuy cỡ lớn từ ngoài cổng vào trong nhà.

PV đề nghị “đặt hàng” với lượng lớn rượu hàng tháng, mỗi lần lấy khoảng 200 lít. Anh Hải vừa đón khách vừa khoe “nhà tôi bán vài ngàn lít mỗi tháng. Khách hàng chủ yếu là các quán ăn, nhà hàng lớn tại các thành phố như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh… Ngoài ra, cũng có một số thương lái mua buôn về bán lẻ cho các quán cơm bình dân, quán ăn nhỏ… mỗi lần người ta đặt cả ngàn lít.

Ảnh Hải cũng cho biết: “Nhà tôi có nhiều loại rượu với giá cả rất linh hoạt, phù hợp mọi đối tượng khách hàng. Có 3 loại rượu gồm rượu sắn có giá 11.000 đồng/lít, rượu tẻ 20.000 đồng/lít, rượu nếp 55.000 đồng/lít.

Theo ông Nguyễn Văn Tôn, Chủ tịch UBND xã Tam Đa, không chỉ nhà ông Hải sản xuất rượu công nghiệp với số lượng lớn, làng Đại Lâm hiện nay có khoảng 300-400 hộ nấu rượu. Số hộ nấu rượu này chỉ bằng 1/3 so với trước.

Trong số đó, vẫn có nhiều hộ nấu rượu theo cách truyền thống, nhưng chỉ phục vụ cho người quen, người làng phục vụ đám hiếu hỉ. Còn lại các hộ sản xuất rượu công nghiệp thì chủ yếu phục vụ khách hàng ở thành thị. Chỉ vài chục hộ sản xuất rượu “nhanh” nhưng sản lượng mỗi ngày bằng cả làng Đại Lâm nấu rượu theo cách truyền thống cả tháng.

Cận cảnh bình chứa cỡ lớn dùng để pha rượu cồn tại làng Đại Lâm (ảnh: Lại Cường).

Trao đổi với PV, chủ một quán ăn bình dân cuối làng Đại Lâm, có thâm niên nhiều năm nấu rượu truyền thống cho biết: “Làng tôi và khu vực lân cận không ai uống rượu công nghiệp cả vì rất độc hại. Cả làng này ai chẳng biết công thức pha chế rượu công nghiệp như thế nào, nhưng không phải ai cũng làm được vì phải có đầu ra.

Trước đây người ta mua viên cồn sủi của Trung Quốc về pha với nước lã là thành rượu, nhưng giờ người ta không dùng viên sủi nữa mà chuyển qua dùng cồn công nghiệp.

Như xưởng sản xuất con trai tôi làm ngay đầu làng thì công thức pha đơn giả là 20 lít rượu nấu chuẩn + 30 lít cồn công nghiệp + 50 lít nước lã = 100 lít rượu công nghiệp. Đó là công thức tương đối chuẩn, rượu thành phẩm rất giống rượu nấu. Nhưng có nhà vì lợi nhuận lại tăng lượng cồn, nước lã lên và giảm rượu nấu chuẩn xuống”.

Như vậy, theo tính toán của PV, giá cồn công nghiệp trên thị trường chỉ 9.000 đồng/lít, giá rượu tẻ nấu khoảng 20 ngàn đồng/lít. Tính ra chi phí đầu vào sản xuất 100 lít rượu công nghiệp chỉ khoảng trên dưới 500.000 đồng. Trong khi đó, giá 1 lít rượu cồn công nghiệp là 20.000 đồng/lít, chủ cơ sở thu về 2 triệu đồng, lãi gấp 4 lần.

Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, ông Nguyễn Văn Tôn, Chủ tịch xã Tam Đa cho biết: “Số gia đình nấu rượu theo cách truyền thống đã giảm. Còn có hay không loại rượu công nghiệp độc hại bán ra thị trường ở làng Đại Lâm thì chúng tôi không đủ thẩm quyền để kiểm tra. UBND xã chỉ tuyên truyền để bà con hiểu và không sản xuất rượu cồn công nghiệp.

Lại Cường – Vũ Phương/Theo Người đưa tin

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP