>> Rừng phòng hộ bị phá tan hoang: Kiểm lâm Hà Tĩnh lên tiếng
Khi pháp luật không được coi trọng
Tháng 3/2009, ông Lê Hữu Chí ngụ tại xóm 3 xã Hương Giang (Hà Tĩnh) tự tiện xâm chiếm 7 ha đất rừng và trồng keo trái phép tại lô 17, khoảnh 6, Tiểu khu 200 của Công ty Cao su Hương Khê. Công ty đã nhiều lần gặp làm việc, hòa giải nhưng ông Chí không chấp nhận, buộc phải kiện ông ra tòa án. Từ cuối năm 2011 đến năm 2014, Tòa án nhân dân các cấp đã liên tiếp xử sơ thẩm và phúc thẩm, tuyên cáo buộc ông Chí phải di dời toàn bộ số cây cối đã trồng trái phép, trả lại đất cho công ty, song đến nay bản án vẫn không được thi hành.
Cũng là ông Chí, ngày 22/2/2010, ông đã để đàn gia súc của mình vào lô 16, khoảnh 6, tiểu khu 200 của Công ty, phá hại đến 1.130 cây cao su. Lực lượng bảo vệ của Công ty phối hợp với chính quyền xã Hương Giang vây bắt, lập hồ sơ tạm giữ số bò, bê nói trên. Tổng giá trị thiệt hại do đàn gia súc của ông Chí gây ra đối với vườn cây cao su của Công ty là 136.890 ngàn đồng, cộng với công công nhân phải bỏ ra chăn nuôi, chăm sóc, bảo vệ 5 tháng số bò, bê của ông lên tới số tiền 135 triệu đồng. Công ty và UBND xã Hương Giang 5 lần mời ông đến trụ sở để giải quyết sự việc nhưng ông Chí không hợp tác. Ông còn viết đơn kiện Công ty lên Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Tĩnh. Viện chuyển đơn cho Công an huyện Hương Khê giải quyết. Sau khi xác minh sự việc một cách cẩn trọng, khách quan, Công an Hương Khê đã có văn bản trả lời, khẳng định việc ông Chí, bà Thu (vợ ông Chí) khiếu nại, đề nghị xử lý vụ việc theo tội “Công nhiên chiếm đoạt tài sản của công dân” theo Điều 137 – Bộ Luật Hình sự nước CHXHCN Việt Nam là không có cơ sở.
Khi được hỏi về việc trong thời gian gần đây, các cơ quan chức năng lập biên bản đình chỉ nhưng ngày 01/8/2016 gia đình ông Chí vẫn tiếp tục ngang nhiên trồng mới các loại cây lên vùng đất đang tranh chấp, gây phức tạp thêm cho quá trình điều tra và bất bình trong dư luận. Chính quyền địa phương đã có biện pháp gì để ngăn chặn? “Vì địa hình đồi núi rất rộng nên không thể kiểm soát hết hành vi của gia đình ông Chí được. Tôi sẽ chỉ đạo anh em lưu ý vấn đề nêu trên” – vị Chủ tịch UBND huyện Hương Khê Lê Ngọc Huấn trả lời PV khá “nhẹ nhàng”, đơn giản như vậy.
Án đã tuyên vẫn không được thi hành
Trong 3 vụ việc có liên quan tới ông Chí thì vụ tranh chấp quyền sử dụng đất lâm nghiệp giữa ông Chí với Công ty TNHH MTV Cao su Hương Khê là ví dụ điển hình nhất.
Tại bản án sơ thẩm được tuyên ngày 27/5/2011, Tòa án Nhân dân huyện Hương Khê nêu rõ: buộc bị đơn ông Lê Hữu Chí và bà Phan Thị Thu phải di dời toàn bộ số cây keo đang trồng trên diện tích 7 ha tại lô 17, khoảnh 6, Tiểu khu 200 để trả lại mặt bằng cho Công ty.
Tòa án Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã xử phúc thẩm ngày 26/8/2011, bác bỏ nội dung kháng cáo của ông bà Chí và tuyên y án nội dung bản sơ thẩm của Tòa án Nhân dân huyện Hương Khê.
Ngày 02/6/2014, Tòa án Nhân dân Tối cao ra thông báo số 435/TB- DS giải quyết đơn đề nghị của ông bà Chí, đồng thời kết luận nhất trí với nội dung quyết định của hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm. Sau đó, Viện Kiểm sát Nhân dân huyện Hương Khê ra văn bản yêu cầu Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự huyện Hương Khê ra quyết định cưỡng chế và tổ chức thi hành án với ông bà Chí. Ban Pháp chế HĐND tỉnh Hà Tĩnh cũng đã có văn bản số 508/ HĐND-PC gửi Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh để chỉ đạo giải quyết dứt điểm vụ việc theo kết luận của Tòa án.
Ngày 17/12/2014, Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự huyện họp để giải quyết vụ việc, đồng thời bàn kế hoạch tổ chức cưỡng chế theo bản án dân sự phúc thẩm số 13-DSPT ngày 26/8/2011 của Tòa án Nhân dân tỉnh. Thời gian thi hành án quy định sau tết âm lịch (tức ngày 26/3/2015), thế mà đến nay sau hơn 5 năm khi bản án đã có hiệu lực, mọi việc vẫn đâu hoàn đấy.
Bản án bị “vênh” hay “lòng người” không thẳng?
Để xác minh rõ hơn về vụ việc và nguyên nhân tại sao bản án đã có hiệu lực pháp luật mà hơn 5 năm qua vẫn chưa được thi hành? PV báo Điện tử Congluan.vn đã trực tiếp đến làm việc với các cơ quan chức năng của huyện Hương Khê.
Vị đại diện lãnh đạo cơ quan thi hành án ở đây cho biết, vụ việc xâm lấn, tranh chấp đất rừng giữa hộ gia đình ông Lê Hữu Chí và Công ty TNHH MTV Cao su Hương Khê đã diễn ra lâu rồi. Các cơ quan chức năng huyện Hương Khê cũng đã vào cuộc giải quyết, bản án đã có hiệu lực hơn 5 năm nhưng hiện tại chúng tôi mới phát hiện ra một số tình tiết có sự “vênh” trong 2 bản án sơ thẩm và phúc thẩm nên chưa thực hiện thi hành bản án này được.
Lý do mang tính chất ngụy biện để trốn trách việc thực thi nhiệm vụ
Báo điện tử Congluan.vn có cuộc trao đổi với Văn phòng Luật sư An Phát – Hà Tĩnh về việc không thi hành được bản án do có một số tình tiết bị “vênh” trong 2 bản án sơ thẩm và phúc thẩm?
Luật sư Phan Văn Chiều:
Tôi cho rằng lý do này đưa ra mang tính chất nguỵ biện để trốn trách việc thực thi nhiệm vụ.
Thứ nhất, nếu cho rằng có sự vênh nhau giữa bản án sơ thẩm và phúc thẩm không thi hành được thì tại sao trong một thời gian dài từ năm 2011 cho đến nay, Chi cục THADS huyện Hương Khê không có bất cứ Văn bản nào đề nghị TAND tỉnh giải thích bản án theo quy định pháp luật để thi hành cưỡng chế mà hiện nay đưa ra để chống chế cho lý do không thi hành cưỡng chế của mình?
Thứ hai, việc sai sót ở bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Hà Tĩnh chỉ là sai sót về lỗi chính tả, không ảnh hưởng đến nội dung giải quyết của vụ án (nội dung giải quyết của vụ án qua 02 bản án đều có sự thống nhất), cụ thể tại Bản án phúc thẩm, TAND tỉnh Hà Tĩnh đánh máy sai căn cứ áp dụng pháp luật từ năm 2003 thành năm 1993, trích dẫn các điều 5, 9, 10, 15, 105, 107 đều thống nhất với Bản án sơ thẩm. Lỗi này chỉ cần có Văn bản đề nghị thì TAND tỉnh Hà Tĩnh sẽ giải thích, đính chính; sai sót này không ảnh hưởng đến nội dung giải quyết vụ án.
Thứ ba, Bản án phúc thẩm không tuyên yêu cầu di dời cây nên không thể thi hành cưỡng chế được, lý do này đưa ra là không có cơ sở, không xem xét toàn diện bản án, bởi lẽ tại Bản án phúc thẩm đã nêu rõ buộc ông Lê Hữu Chí trả lại mặt bằng, đồng nghĩa với này là cần phải di dời các tài sản liên quan để trả lại mặt bằng kể cả việc buộc di dời cây, không thể hiểu một cách thiện cận cho rằng chỉ yêu cầu trả mặt bằng, không yêu cầu di dời cây nên không thể thi hành cưỡng chế di dời cây.
Hơn nữa, Bản án phúc thẩm tuyên y án sơ thẩm, giữ nguyên bản án sơ thẩm thì về mặt nguyên tắc khi thi hành án, Chi cục THADS huyện Hương Khê phải căn cứ cả 02 bản án để thi hành án chứ không thể căn cứ một mình bản án phúc thẩm như lý do nêu trên được.
Thứ tư, cũng tiếp tục với lý do cho rằng trong Bản án không nêu vị trí tứ cận nên không xác định được, điều này là vô lý, bởi lẽ vị trí lô đất 17, khoảnh 6, tiểu khu 200, diện tích 07 ha tại xã Hương Giang, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh được xác định rõ ràng trên bản đồ địa chính qua các thời kỳ, ranh giới không có sự thay đổi, tứ cận đều tiếp giáp với diện tích đất rừng thuộc quyền sử dụng hợp pháp của Công ty cao su Hương Khê, không có tranh chấp thì việc tổ chức cưỡng chế hoàn toàn thực hiện được trên thực tế. Trên thực tế, khi xét xử thông thường Toà án ghi rõ vị trí ranh giới trong bản trong trường hợp khi có sự tách thửa hoặc tứ cận có sự thay đổi theo Bản án/ Quyết định của Toà án khi giải quyết vụ án.
Với vị trí lô đất đã rõ ràng trên hồ sơ địa chính, không có sự tách thửa, vị trí tứ cận không thay đổi từ trước đến nay thì không nhất thiết buộc phải ghi vào Bản án. Khi thi hành án, Cơ quan thi hành căn cứ trên hồ sơ địa chính, ranh giới thực tế và Bản án để thi hành án.
Như vậy, với một bản án đã được Toà án hai cấp xét xử, TAND tối cao xét lại vụ án, từ trước đến nay ông Lê Hữu Chí cũng không đưa ra được bất cứ tài liệu, chứng cứ nào có giá trị pháp lý chứng minh cho quyền sử dụng đất là của mình.
Mọi việc đã khá rõ như ban ngày. Dư luận cho rằng, vụ việc ông Chí lùm nhùm như lâu nay không phải văn bản của Tòa “vênh” mà vấn đề là do “lòng người” không thẳng!
Nhóm PV Bắc miền Trung