Nghi Xuân

Lật tẩy hành vi giả danh nhà báo để lừa đảo

Thời gian gần đây, một số trường học trên địa bàn huyện Nghi Xuân bị một số “phóng viên” giới thiệu làm ở Tạp chí Giáo dục và Xã hội (GD&XH) ép viết bài tuyên truyền để lấy tiền. Bất bình với hành vi này, một hiệu trưởng đã tố cáo với cơ quan chức năng và phát hiện ra những hành vi gian dối.

Lật tẩy hành vi lừa viết bài tuyên truyền trên Tạp chí Giáo dục và Xã hội
Giấy tờ của hai “phóng viên” ép trường Mầm non Xuân Hải (Nghi Xuân) viết bài tuyên truyền

Ép viết bài đến được mới thôi!

Cô Đặng Thị Huệ – Hiệu trưởng trường Mầm non Xuân Hải (Nghi Xuân) bức xúc kể: “Vào khoảng giữa tháng 11/2103 có hai người tìm đến trường, giới thiệu là “phóng viên” tạp chí Giáo dục và Xã hội muốn nắm tình hình công tác xã hội hóa giáo dục của trường.

Trao đổi một lúc, hai phóng viên này yêu cầu xem hồ sơ liên quan đến công tác thu – chi của nhà trường trong năm học 2013. Vừa xem hồ sơ, họ vừa lôi máy ảnh ra chụp lia lịa rồi đặt vấn đề ký hợp đồng viết bài tuyên truyền.

Khi tôi từ chối thì hai “phóng viên” liền đổi giọng “sao trường cô thu nhiều tiền vậy?. Bọn em đã ghi âm, chụp ảnh nên phải có bài về nộp cho sếp. Họ gợi ý, mỗi bài viết ký hợp đồng chỉ có 5 triệu đồng. Bây giờ ý cô thế nào? Tôi bảo hiện nhà trường không có nhu cầu viết bài tuyên truyền. Họ “dọa” nếu vậy sẽ viết một bài như trường nào đó ở huyện Diễn Châu (Nghệ An) …

Khỏi “lèo nhèo” mất thời gian, tôi đồng ý ký hợp đồng 4 triệu đồng nhưng họ chê ít. Một lúc sau họ đồng ý nhưng với điều kiện thanh toán bằng tiền mặt. Tôi bảo: nhà trường làm gì có tiền mặt chỉ chấp nhận chuyển khoản sau khi bài đăng. Trong lúc ký hợp đồng, họ còn mỉa mai: trường cô to thế mà không có nổi 4 triệu tiền mặt à?!”.

Đến ngày 21/11/2013, hai “phóng viên” trên trở lại trường Mầm non Xuân Hải thanh lý hợp đồng. Tại đây, họ đưa cho cô Huệ một quyển Tạp chí Giáo dục và Xã hội số 31(92), xuất bản tháng 10/2013 có đăng bài của trường; trong khi đó, hai “phóng viên” này về nhà trường vào tháng 11/2013, tức bài báo này được đăng trước khi họ về trường lấy tư liệu viết bài. Thấy những biểu hiện bất minh, cô Huệ đã báo với Công an huyện Nghi Xuân đến lập biên bản và yêu cầu cả hai về trụ sở làm việc.

Lật tẩy hành vi “lừa đảo”

Tại cơ quan công an, hai “phóng viên” trình ra một loạt giấy tờ mang tên Lê Thành Trung (SN 1982) và Nguyễn Hồng Quân (SN 1989), đều trú ở Nghệ An. Ngoài chứng minh nhân dân thì hai người này còn có 2 thẻ công tác được in màu đỏ với chức danh phóng viên của Tạp chí GD&XH và một giấy giới thiệu làm việc với các cơ quan, đơn vị trường học thuộc các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh. Cả hai giấy tờ này đều do Tổng biên tập Tạp chí GD&XH Đoàn Xuân Trường ký. Riêng hợp đồng kinh tế được chuyển khoản về địa chỉ: Chi nhánh Công ty CP đa phương tiện, Trung tâm báo chí kinh tế và hội nhập, đóng tại 29 – Phan Đăng Lưu – TP Vinh (Nghệ An).

Đại úy Nguyễn Công Luận – Đội phó đội Cảnh sát điều tra tội phạm và trật tự xã hội (Công an huyện Nghi Xuân) cho rằng: Để “qua mặt” các nhà trường những “phóng viên” này tháo rời cuốn tạp chí ra rồi cho thêm trang có bài viết của trường đó vào và đóng lại như cũ.

Lật tẩy hành vi lừa viết bài tuyên truyền trên Tạp chí Giáo dục và Xã hội
Hai bài báo của hai trường mầm non cùng được đóng vào trang 2 của cuốn Tạp chí GD&XH số 31(92) tháng 10/2013

Cụ thể, trong cuốn tạp chí GD&XH số 31(92) ra tháng 10/2003, có bài báo viết về trường Mầm non Xuân Hải với tiêu đề: “Mầm non Xuân Hải (Nghi Xuân – Hà Tĩnh) đảm bảo an toàn chất lượng bữa ăn cho trẻ” mà các phóng viên này đưa cho cô Huệ được in 2 màu đen trắng ở trang thứ 2 của cuốn tạp chí, trong khi toàn bộ cuốn tạp chí đều được in 4 màu.

Cũng với hành vi trên, 2 “phóng viên” khác cũng giới thiệu ở Tạp chí GD&XH có tên Trần Quốc Toản và Phạm Hồng Văn đã đến trường Mầm non thị trấn Xuân An ký hợp đồng viết bài tuyên truyền với giá 4 triệu đồng. Sau một thời gian, nhà trường nhận được bưu phẩm gồm một hợp đồng thanh lý và nghiệm thu sản phẩm cùng một cuốn tạp chí GD&XH số 31(92) ra tháng 10/2013. Điều đáng nói, tại trang 2 của cuốn tạp chí cũng có bài viết của trường mầm non thị trấn Xuân An, còn bài viết của trường mầm non Xuân Hải thì lại nằm gần trang bìa cuối.

Tại cơ quan điều tra, những “phóng viên” này thừa nhận việc làm sai trái của mình và xin được xử lý hành chính.

Hiện, Công an huyện Nghi Xuân vẫn đang thu giữ toàn bộ giấy tờ liên quan của các “phóng viên” trên để tiếp tục mở rộng điều tra, xử lý.

Lời kết

Việc các “phóng viên” thật, giả lẫn lộn đến các trường học ép viết bài tuyên truyền quảng cáo đã tồn tại trong nhiều năm nay trên địa bàn Hà Tĩnh, nhất là vào các dịp cuối năm. Song, không ai mạnh dạn tố cáo bởi tâm lý ngại va chạm. Nếu từ chối nhiều khi còn “rách việc” hơn nên đành chấp nhận ký hợp đồng cho xong. Điều đáng bàn hơn là việc quản lý của các cơ quan báo chí, tạp chí ở trung ương khi cấp giấy giới thiệu cho cộng tác viên, phóng viên ở các địa phương nhưng lại không quản lý việc làm của họ. Thậm chí, một số tờ báo còn cố tình “thả nổi” để họ muốn làm gì thì làm miễn sao ký được nhiều hợp đồng viết bài tuyên truyền, quảng cáo… về tòa soạn là được.

Thiết nghĩ, qua vụ việc này không chỉ các trường học mà các tổ chức đơn vị khác trên địa bàn Hà Tĩnh cần cảnh giác với những “con sâu” đang làm xấu hình ảnh của những nhà báo chân chính. Mặt khác, cần mạnh dạn tố cáo với cơ quan chức năng khi có những hành vi sai phạm của các “phóng viên” như trên để kịp thời xử lý!

Theo baohatinh.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP