Vì thế, ngày 26-4-2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg về “Hỗ trợ NCC với cách mạng về nhà ở”.
Bà Trương Thị Hòa và ngôi nhà mới xây của mình |
Thực hiện nghị quyết này, các cấp, các ngành phải quan tâm hơn nữa trong việc tháo gỡ vướng mắc để tốt chính sách hỗ trợ nhà ở cho NCC với cách mạng. Nhưng thực tế vừa qua ở một số địa phương, do sự thiếu trách nhiệm, quan liêu và vô cảm của đội ngũ cán bộ cơ sở mà chính sách hỗ trợ nhà ở cho NCC vẫn trì trệ, gây khó khăn thêm cho các hộ chính sách.
Cách đây 3 năm, cán bộ xã Kỳ Phong, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh ráo riết vận động bà Trương Thị Hòa, 67 tuổi (vợ liệt sĩ hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ, có cuộc sống khó khăn) phá bỏ căn nhà cũ, xây căn nhà mới để có chỗ ở an toàn và có nơi thờ tự chồng. Được cán bộ xã hứa có nhà tài trợ thanh toán, bà Hòa vay nóng tiền để hoàn thành ngôi nhà. Nhưng khi bà Hòa đi vay tiền xây nhà xong thì tiền của xã chẳng thấy đâu. Thế là 3 năm nay, người vợ liệt sĩ phải chịu cảnh nợ nần, có mấy tấm gỗ để đóng quan tài bà cũng tính bán đi để trả nợ.
Biết chuyện này, ông Nguyễn Viết Trường, Phó bí thư Thường trực Huyện ủy Kỳ Anh đã phải thốt lên rằng, cấp ủy, chính quyền xã Kỳ Phong quá quan liêu.
Bởi trước ngày bầu cử HĐND các cấp đầu năm nay, lãnh đạo huyện về Kỳ Phong đối thoại một ngày với bà con nhân dân tại xã. Nhưng không hề thấy chính quyền xã báo cáo sự việc này cho huyện biết. Ông Trường còn nói rằng, hộ nghèo còn được hỗ trợ xây nhà thì đối tượng chính sách như vợ liệt sĩ càng phải được hưởng chế độ chính sách. “Vì quá quan liêu mà họ để sự việc đau lòng này kéo dài” – ông Trường nói.
Hậu quả ấy gây mất niềm tin trong nhân dân. Cán bộ làm như thế là có tội với đối tượng có công với cách mạng.
Ở xã Kim Nỗ, Đông Anh (Hà Nội) cũng có chuyện tương tự. Bà Nguyễn Thị Lựu, vợ liệt sĩ Nguyễn Đăng Hiếu, năm nay đã ngoài 80 tuổi nhưng vẫn đau đáu nỗi niềm bởi cả gia đình đang sống trong nợ nần. Năm 2013 gia đình bà Lựu được cán bộ phụ trách lao động – thương binh xã hội của xã Kim Nỗ thông báo là thuộc diện được Nhà nước hỗ trợ để xây nhà, với số tiền 40 triệu đồng. Tuy chưa nhận được tiền hỗ trợ, nhưng vì ngôi nhà đã xập xệ, dột nát nên cả gia đình quyết định đi vay tiền để làm nhà mới, khi nào nhận được tiền hỗ trợ của Nhà nước sẽ trả sau. Thế mà đến nay, bà Lựu vẫn gánh nợ và dài cổ chờ tiền hỗ trợ.
Còn bà Nguyễn Thị Thước (mẹ liệt sĩ Nguyễn Xuân Hồng) qua đời khi nhà mới chưa hoàn thành. Bà cũng ở trong diện được hỗ trợ tiền xây nhà trị giá 40 triệu đồng. Gia đình bà đã làm hồ sơ hơn 2 năm nay, thế nhưng tiền chẳng thấy đâu, trong khi nhà ở đã xuống cấp nên phải xây lại. Bà đã không còn sống để hưởng thụ một ngày trong ngôi nhà mới bằng tiền con cháu đi vay mượn, tạm ứng trước để xây. Bởi vì Kim Nỗ có 40 hộ được hưởng chế độ theo Quyết định 22 của Thủ tướng Chính phủ, nhưng đến thời điểm hiện tại mới chỉ có 5 hộ nhận được tiền hỗ trợ xây, sửa nhà, 35 hộ còn lại vẫn đang… chờ.
Công cuộc xóa đói, giảm nghèo được Đảng, Nhà nước rất quan tâm và đã có nhiều nghị quyết, chính sách để thực hiện mục tiêu này. Nhưng do ý thức trách nhiệm và tác phong làm việc tắc trách của cán bộ, chính quyền địa phương mà ngay đến những gia đình chính sách, NCC vẫn phải sống cảnh nghèo đói, khổ sở.
Nhiều địa phương chỉ trông chờ vào sự tài trợ của các doanh nghiệp. Mỗi khi có doanh nghiệp nào đầu tư xây dựng nhà tình nghĩa cho các đối tượng chính sách thì xã làm rùm beng, trống dong cờ mở động thổ, bàn giao nhà tình nghĩa để phô trương, lấy thành tích. Rồi sau lễ bàn giao, xã, huyện tổ chức bữa tiệc chiêu đãi, cảm ơn nhà tài trợ. Nhưng “khách ba, chủ nhà bảy”, lạm chi một khoản ngân sách. Thế là “của người, phúc ta”, cuối năm, những ngôi nhà tình nghĩa ấy thuộc thành tích của chính quyền địa phương.
Xung quanh việc hỗ trợ tiền xây nhà cho các gia đình chính sách cũng còn nhiều vấn đề đáng phải xem xét lại. Với số tiền 40 triệu đồng hỗ trợ theo quy định chung thì đối với nông thôn, vùng sâu, vùng xa có thể xây dựng được ngôi nhà cấp 4 lợp ngói hoặc gian nhà mái bằng bê tông. Nhưng ở thành phố lớn và những khu công nghiệp, giá cả đắt đỏ thì 40 triệu đồng không thể xây nổi ngôi nhà đơn giản, cần có sự vận động, quyên góp thêm tại địa phương. Và với những hộ quá nghèo khó, khi xây xong được nhà ở thì chẳng có thứ đồ dùng, tiện nghi nào mà chỉ có căn nhà rỗng không. Nhiều địa phương đã chủ động vận động các tổ chức, cá nhân hảo tâm tặng giường tủ, quần áo, chăn màn và sổ tiết kiệm. Vì vậy, với đà trượt giá của đồng tiền, Nhà nước nên điều chỉnh tăng số tiền hỗ trợ làm nhà cho đối tượng chính sách. Cán bộ lãnh đạo địa phương phải thực sự quan tâm đến công tác chính sách này, chống sự thờ ơ, vô cảm đối với những gia đình có công với cách mạng, từng hy sinh xương máu để có được cuộc sống hòa bình hôm nay.
Đức Toàn