Dẫn chứng này được Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc nêu ra tại Hội nghị sơ kết công tác tư pháp 6 tháng đầu năm 2019 diễn ra chiều 12/7.
Trước khi gợi ý các đại biểu thảo luận về những khó khăn, vướng mắc và giải pháp khắc phục trong công tác hộ tịch, nhất là việc triển khai Đề án Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử ở cơ quan, địa phương, ông Ngọc nhắc đến quyết tâm cải cách thủ tục hành chính, trong đó có các thủ tục tư pháp.
Song, ông cũng nêu một thực tế cho thấy vướng mắc trong thủ tục cải cách thủ tục hành chính, đó là việc người dân đi làm lại giấy khai sinh lại mà phải chụp bia mộ của bố mẹ.
Khai sinh lại phải chụp ảnh bia mộ bố mẹ
Giải thích thêm bên lề hội nghị, Thứ trưởng Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc nói thực ra việc này do sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành chưa tốt ở địa phương. Công an khi thu thập dữ liệu dân cư nhiều người dân, đặc biệt những người già không có đủ giấy tờ đã yêu cầu đi làm lại giấy khai sinh.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc. Ảnh: Báo Thanh Tra. |
“Nhưng với những người già, việc chứng minh các mối quan hệ rất khó. Vì thế, cơ quan chức năng yêu cầu bố mẹ chết thì phải chụp ảnh lại bia mộ. Điều này khiến người dân tại một địa phương rất bức xúc, họ gửi kiến nghị lên Bộ trưởng Tư pháp yêu cầu cải cách thủ tục hành chính”, ông Ngọc cho biết.
Theo ông, Bộ Tư pháp đã có văn bản trả lời cho người dân, khẳng định thủ tục này không phải do quy định của pháp luật mà do thực tiễn ở địa phương làm phát sinh vướng mắc.
Không bảo mật thông tin, dễ vướng kiện tụng
Báo cáo làm rõ hơn các ý kiến về thủ tục, quản lý hộ tịch, ông Nguyễn Công Khanh (Cục trưởng Cục hộ tịch, quốc tịch, chứng thực - Bộ Tư pháp) nhấn mạnh đến yếu tố bảo mật thông tin đời tư cá nhân.
“Hiện nay, pháp luật chưa cho phép doanh nghiệp tư nhân tham gia quản lý dữ liệu cá nhân”, ông Khanh nói và dẫn chứng một thực tế cho thấy dù là vấn đề rất nhỏ cũng có thể trở thành dư luận của cả nước nếu bảo mật thông tin không tốt.
Đó là trường hợp một nam thanh niên 26 tuổi kết hôn với người phụ nữ 62 tuổi. Dư luận cho rằng việc này “rò rỉ” ra ngoài là do cán bộ tư pháp. Từ thực tế đó, nếu không làm chặt chẽ, cán bộ tư pháp, hộ tịch rất dễ dính vào kiện tụng.
Song, vì là xu hướng tất yếu, ông Khanh đề nghị giám đốc Sở Tư pháp các tỉnh nhanh chóng dùng phần mềm của Bộ, nếu không sau này sẽ tốn kinh phí cho việc số hóa cơ sở dữ liệu.
Ông nhấn mạnh mục tiêu từ 1/1/2020, tất cả cơ quan đăng ký hộ tịch trong cả nước sẽ sử dụng phần mềm đăng ký hộ tịch của Bộ Tư pháp.
Về kinh phí, vị này cho biết Bộ Tư pháp hay Chính phủ không có chủ trương hỗ trợ mà sẽ báo cáo để Bộ có văn bản gửi tất cả chủ tịch tỉnh, TP chủ động cấp kinh phí cho ngành tư pháp địa phương thực hiện.
Đối với công tác hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, báo cáo của Bộ Tư pháp nhấn mạnh chủ trương hiện đại hóa công tác hộ tịch trên cả nước tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực.
Bộ Tư pháp đã mở rộng triển khai hệ thống thông tin đăng ký, quản lý hộ tịch tại 51 tỉnh/thành phố trực thuộc, tăng thêm 13 địa phương so với cuối năm 2018.
Đến nay, hệ thống ghi nhận gần 8 triệu hồ sơ đăng ký hộ tịch, trong đó có hơn 2 triệu hồ sơ đăng ký khai sinh được cấp số định danh cá nhân; hơn 16 triệu thông tin công dân đã được thu thập. Cơ quan này cũng thẳng thắn nhìn nhận công tác đăng ký hộ tịch ở một số địa phương vẫn xảy ra những sai sót.
Việc triển khai thực hiện đề án Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử tiếp tục gặp nhiều khó khăn, hạn chế cả ở Trung ương và địa phương, nhất là về kinh phí, hạ tầng công nghệ thông tin; một số trường hợp việc hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong công tác hộ tịch, quốc tịch của địa phương chưa kịp thời.
Tác giả: Hoài Thu
Nguồn tin: zing.vn