Nhắc chuyện làm giàu từ lan, ông Nguyễn Tài Quân, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đông La cho biết: Toàn xã hiện có trên 200 hộ trồng lan với đủ các chủng loại khác nhau. Thôn Đồng nhân có thể coi là làng nghề trồng lan lớn nhất địa phương với trên 80 hộ phát triển loài hoa này. “Hiện tại, thị trường tiêu thụ lan không chỉ dừng ở phạm vi trong nước mà còn xuất khẩu sang Nhật Bản, Mỹ, Thái Lan… Ở trong nước, hiện nhu cầu thị trường rất “khát” các loại lan đột biến. Có gia đình bán lan đột biến theo xen-ti-met, nghĩa là cứ 500.000 đồng/cm. Hoặc có khi lan được tính bán theo nhánh, với giá 1 -3 triệu đồng/nhánh, tùy thuộc loại hoặc dòng lan. Nhiều mô hình trồng hoa lan ở địa phương hiện vẫn đang phát triển và mở rộng” – ông Quân chia sẻ.
Trồng lan ở Đông La đem lại hiệu quả kinh tế cao |
Theo lời ông Nguyễn Hữu Hùng – Chi hội trưởng Hội Nông dân thôn Đồng Nhân, Nghề trồng lan bén duyên trên đất Đông La Từ hơn 20 năm trước. Thời điểm đó, người dân trồng được rau, quả thường “đánh chuyến” đi buôn lên các mạn ngược như: Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang… sau những chuyến đi ấy, những giò lan rừng thường được người làng đem về làm quà.
Dần dà có nhà có tới cả vài chục giò lan, họ tỉ mẩn chăm sóc, mày mò khiến loài hoa từ rừng này dần thuần hóa. Hoa lan ra đều và đẹp, nhiều khách đến chơi thấy đẹp nên nài nỉ chủ nhà mua lại với giá cả triệu đồng. Vốn nhanh nhạy với thị trường, nhiều người dân Đông La đã chuyển nghề, họ đi buôn lan rừng và trồng tại nhà. Lan đem lại hiệu quả kinh tế cao nên phong trào trồng và gây giống loài hoa này ngày càng phát triển. “Ban đầu, chỉ có một đến hai hộ trồng lan, sau một vài năm, thấy mô hình cho hiệu quả kinh tế cao nên nhiều hộ bắt đầu trồng với quy mô lớn. Nhờ cây lan, người Đông La đã vươn lên làm giàu. Nhiều vườn lan ở đây thu lãi từ 500 triệu đồng đến cả tỷ đồng/năm. Những gia đình có diện tích lan ít thì cũng lãi vài trăm triệu đồng” – ông Hùng hồ hởi. Ở Đông La có không ít hộ phất lên nhanh chóng nhờ trồng lan, trong đó phải kể đến nhiều chủ vườn như: Nguyễn Đăng Lĩnh, Hoàng Ngọc Trường, Tạ Công Thực… tuy nhiên, xét về diện tích được đầu tư quy mô thì hộ ông Nguyễn Hữu Nguyên thôn Đồng Nhân là lớn hơn cả. Hiện diện tích trồng lan của ông Nguyên lên tới 1.800m2, chủ yếu trồng các loài có giá trị kinh tế cao như: Hoàng thảo, phi điệp… mỗi giỏ lan có giá trung bình từ 300.000 đồng – 600.000 đồng/giỏ.
Ông Nguyễn Hữu Nguyên bắt đầu chơi và trồng lan từ năm 2000. Theo lời ông Nguyên, trồng lan đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn rất nhiều các loại cây trồng khác, ít nhất thu nhập cũng gấp 5 – 7 lần trồng lúa hoặc ngô. Hiện tại, vườn lan của ông Nguyên luôn có 2 lao động chính, lao động thời vụ có khoảng 15 người, mức lương trung bình từ 4 – 5triệu đồng/tháng. Tết Đinh Dậu vừa rồi, trừ chi phí vườn lan mang lại thu thu nhập cho ông Nguyên trên 700 triệu đồng.
Với vốn kinh nghiệm của mình, ông Nguyên bật mí: Nhiều người lầm tưởng cứ tưới nhiều, bón phân đạm nhiều là tốt nhưng tưới nhiều cây dễ úng, chết ngạt, thối rễ. Nguyên tắc tưới lan là giữa 2 lần tưới gốc cây phải khô, giò ẩm thì không tưới. Lan là loài phát triển chậm nên phải dùng loại phân tưới tan chậm trong 180 ngày và là phân hữu cơ tổng hợp. Mới đầu phải dùng loại phân kích thích mọc rễ, tăng trưởng, sau 3 tháng kích thích phát triển thân, lá, gần mùa hoa thì kích thích hoa và rễ phát triển.
“Những người mới “dính” đến lan thường cứ thấy đẹp, thích là mua mang về chơi. Do kém hiểu biết nên mất khá nhiều tiền mà cây vẫn chết. Vì thế, nếu thật sự đam mê, muốn chơi lan, cần hiểu rõ đặc tính của từng loài, xem nó thích hợp với khí hậu, nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng ra sao từ đó mới chọn giống lan cho phù hợp” – ông Nguyễn Hữu Nguyên chia sẻ.
Trở lại câu chuyện làm giàu từ lan ở Đông La. Đến nay, thị trường tiêu thụ lan không chỉ bó hẹp quanh những vùng miền trong nước, giờ nhiều chủ vườn đã xuất bán lan ra nước ngoài. Hiệu quả kinh tế mang lại từ nghề trồng lan đã thấy rõ, đáng mừng hơn, hiện lan Đông La đã tạo dựng nên thương hiệu riêng trong giới “sành” chơi, là điểm đến của những người mê thú chơi phong lưu này.
Tác giả: Đinh Luyện
Nguồn tin: Báo Lao động thủ đô