Kinh tế

Kỳ tích đập dâng Lạc Tiến

Từ bao đời nay, dòng nước đi qua xã Kỳ Lạc (Kỳ Anh – Hà Tĩnh) tràn đầy vào mùa mưa lũ, cạn kiệt vào mùa hè, không giúp ích nhiều cho đời sống dân sinh. Giữa dòng nước ấy, công trình đập dâng Lạc Tiến được hiện diện như cứu tinh, đưa dòng nước mát của thiên nhiên trở nên hữu ích cho con người.

Gian nan buổi đầu

Trong ký ức của tập thể cán bộ, công nhân Công ty CP Đầu tư và Phát triển Vũng Áng còn nhớ như in sự kiện ngày 12/1/2014, tại xã Kỳ Lạc đã diễn ra Lễ chặn dòng hạng mục đập dâng Lạc Tiến thuộc Dự án cấp nước Khu kinh tế (KKT) Vũng Áng. Trời mưa rét nhưng các vị khách quý gồm Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Hoàng Văn Thắng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Kim Cự và các Phó chủ tịch UBND tỉnh: Lê Đình Sơn, Đặng Quốc Khánh vẫn đến dự, phát lệnh chặn dòng. Tại buổi lễ, Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng đánh giá cao quyết tâm chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự nỗ lực của chủ đầu tư, các nhà thầu và tổ chuyên gia đã bám sát công trường, tập trung nguồn lực thi công các hạng mục đảm bảo chặn dòng theo đúng kế hoạch.

Giáo sư, TS.Phan Sỹ Kỳ, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT, Tổ trưởng Tổ chuyên gia dự án, nhớ lại: “Công trình đập dâng Lạc Tiến – kênh dẫn – tuynel đặt ra những yêu cầu kỹ thuật hết sức phức tạp, thi công trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt cùng với sức ép rất lớn về tiến độ”.

Trước tình hình đó, chủ đầu tư, nhà thầu cùng các đơn vị tư vấn giám sát, thi công đã nỗ lực hết mình, vượt qua khó khăn để đưa công trình về đích trước tiến độ 3 tháng so với cam kết. Tại buổi lễ khánh thành công trình được tổ chức ngày 1/2/2015, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn (nay là Chủ tịch UBND tỉnh), Trưởng ban chỉ đạo Dự án, vui mừng khẳng định: Đây là kết quả của sự trăn trở, bàn bạc dân chủ và dám đổi mới của tập thể lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh; sự mạnh dạn, quyết liệt vào cuộc của chủ đầu tư; tinh thần tập trung trí tuệ, bám sát công trình chỉ đạo kỹ thuật của tổ chuyên gia đầu ngành và những nỗ lực cao của cấp ủy, chính quyền huyện Kỳ Anh trong giải phóng mặt bằng (GPMB), đảm bảo an ninh trật tự, những hỗ trợ tích cực của các sở, ngành trong quá trình thi công mới có được đập dâng Lạc Tiến, công trình ý nghĩa mang tầm quốc gia hôm nay”.

Thành công của dự án xã hội hóa thủy lợi đầu tiên của cả nước là kết quả nỗ lực của cả tập thể lớn và hội tụ nhiều bài học kinh nghiệm sâu sắc đa chiều. Trong đó, Hà Tĩnh đã thành công nhờ có đội ngũ lãnh đạo có trí tuệ, tâm huyết, bản lĩnh và đầy nhân văn. Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Phát triển Vũng Áng Trần Quang Thưởng chia sẻ: “Trong thời gian triển khai thi công cụm công trình, với sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan, chủ đầu tư đã vượt qua nhiều khó khăn, huy động các nhà thầu thi công có năng lực, kinh nghiệm, tập trung tối đa các nguồn lực đảm bảo tiến độ, chất lượng công trình, an toàn tuyệt đối về người và tài sản”.

Kỳ tích Lạc Tiến

Công trình đập dâng Lạc Tiến – kênh dẫn – tuynel là chuỗi hạng mục quan trọng thuộc hệ thống Dự án cấp nước KKT Vũng Áng. Cụm công trình hoàn thành đã dẫn nước từ sông Rào Trổ chảy về hồ thượng sông Trí để cấp nước cho KKT Vũng Áng với công suất 275.000m3/ngày đêm.

Toàn cảnh đập dâng Lạc Tiến.

Theo ông Lê Đình Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, dự án cấp nước cho KKT Vũng Áng là dự án đa mục tiêu, hết sức quan trọng, đặc biệt là với dự án liên hợp gang thép, cảng nước sâu Sơn Dương của Tập đoàn Formosa, các nhà máy nhiệt điện với nhiệm vụ cấp nước 762.000m3/ngày đêm, xả trả lại môi trường lưu lượng tối thiểu 2,1m3/s, cấp nước tưới cho 1.335ha đất canh tác, 300ha nuôi trồng thủy sản, cấp nước sinh hoạt 12.000m3/ngày đêm,… Công trình thủy lợi Rào Trổ bao gồm 4 tiểu dự án (hồ Rào Trổ; đập dâng Lạc Tiến, tuynel và kênh dẫn; cống Kỳ Hà; nhà máy nước), tổng mức đầu tư 4.415,380 tỷ đồng. Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện, được sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, sự lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh, cùng với sự nỗ lực của chủ đầu tư, đến nay dự án đã đạt được những kết quả quan trọng, như: Hoàn thành nhà máy nước giai đoạn 1 công suất 40.000m3/ngày đêm, cấp nước cho Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 vào tháng 5/2013 và hoàn thành cụm công trình đập dâng Lạc Tiến, tuynel và kênh dẫn đủ cấp nước cho Formosa vào tháng 02/2015 với lưu lượng 275.000m3/ngày đêm.

Công trình đập dâng Lạc Tiến là đập tràn, tích trữ nước ở độ cao 37m để cung cấp cho KKT Vũng Áng và phục vụ tưới tiêu, sinh hoạt cho nhân dân vào mùa khô hạn. Vào mùa lũ, công trình sẽ mở cửa xả cho nước chảy tự nhiên. Sau khi đập dâng Lạc Tiến đi vào vận hành, với hệ thống kênh mương tưới tiêu hoàn thiện, những cánh đồng khô hạn, những vùng đất cằn cỗi xung quanh sẽ trở nên màu mỡ, đời sống người dân sẽ thuận lợi hơn rất nhiều.

Một cán bộ lão thành cách mạng ở xã Kỳ Lạc nói: “Công trình đập dâng Lạc Tiến quả là một kỳ tích, một giấc mơ vĩ đại đã thành hiện thực, đem lại nguồn nước, nguồn sống cho nhân dân, công trình không những giữ nước ở thượng nguồn cho cây rừng xanh tốt, phía hạ lưu nước vẫn chảy trong xanh hiền hòa. Còn đối với mùa lũ, đập dâng Lạc Tiến như bức thành đồng chặn lũ che chở cho hàng vạn dân cư sống dưới vùng hạ nguồn. Chúng tôi rất cảm ơn lãnh đạo Trung ương, lãnh đạo tỉnh và doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng công trình mang đầy ý nghĩa này”.

Đập dâng Lạc Tiến là một hợp phần của công trình thủy lợi Rào Trổ. Đập dâng Lạc Tiến quả là kỳ tích không thể tưởng, bởi đây là công trình thủy lợi xã hội hóa đa mục tiêu đầu tiên của cả nước, do doanh nghiệp tư nhân làm chủ đầu tư. Sau 2 năm thi công, công trình được đưa vào sử dụng, vượt tiến độ trước 1 năm, kịp thời cấp nước cho các công trình đầu tư trọng điểm tại Khu kinh tế Vũng Áng đạt, vượt yêu cầu đặt ra.

Tuy vậy, vừa  qua có thông tin về “Sự cố lớn tại đập 1.000 tỷ đồng vừa sử dụng…”. Sau khi nhận được thông tin phản ánh trên, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu tỉnh Hà Tĩnh làm rõ vấn đề báo chí đã nêu.

Ngày 16/6/2015, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Lê Đình Sơn đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ. Công văn có đoạn: “Hiện tại công trình đập dâng Lạc Tiến đang dâng nước ở mực nước dâng bình thường (+37,00)m. Qua kiểm tra thấy đập ổn định, chưa có dấu hiệu về lún, nứt thân đập”. Tuy vậy, các bộ có nêu dầm nhà vận hành có hiện tượng võng, xuất hiện một số vết nứt ngang dầm nhà và khẳng định: Hiện tượng võng mái nhà vận hành không ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn và ổn định của đập dâng.

Công văn cũng chỉ rõ: “Nội dung báo nêu “Công trình mới sử dụng mấy tháng, bỗng xuất hiện sự cố nghiêm trọng”,… là không đúng với thực tế, không đúng với bản chất về chất lượng công trình đập dâng Lạc Tiến và không phải là sự cố công trình”.

Lê Na/ KTNT

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP