Chuồng nhà chị N.T.H giờ trống không vì 7 con trâu đã mắc bệnh chết. |
Tiếp xúc với chúng tôi, bà N.T.H cho biết: “Gia đình nuôi 8 con trâu, giờ mất 7 con, chỉ còn mỗi con nghé. Hôm đầu tiên thấy một con bỏ ăn, thở dốc, bụng phình lên, rồi sùi bọt mép, tôi hoảng quá chạy gọi thú y, tiêm thuốc nhưng vẫn không thể cứu nổi. Những ngày tiếp theo, các con khác cũng bị triệu chứng tương tự rồi chết. Hàng trăm triệu chứ có ít mô, xót đứt ruột nhưng chỉ biết khóc!”.
Điều đáng nói là trong lúc các hộ nuôi “khóc than” tìm mọi cách cứu trâu, thì các lái buôn đã chờ sẵn để ép giá mua trâu bệnh. “Biết rõ bán trâu bệnh là tiếp tay cho họ bán thực phẩm không an toàn, gây nguy cơ lây lan dịch bệnh nhưng nông dân tụi tui nghèo, nếu không bán, đem chôn thì mất trắng” – bà H. ngậm ngùi cho biết thêm.
Trả lời chúng tôi, một cán bộ thú y xã Kỳ Hoa cho biết: Số trâu, bò bị chết tại thôn Đông Hoa trong thời gian gần đây đều có chung triệu chứng bỏ ăn, thở dốc mạnh, phình bụng, sùi bọt mép…, là những dấu của bệnh tụ huyết trùng ghép. Bệnh xuất hiện khi có một con trâu bị chết trong khe, người dân mang về mổ bán thịt với giá rẻ. Nước bẩn giết mổ trâu bệnh lại đổ ngay khu vực người dân trong thôn thường chăn thả trâu, bò. Gia súc ở đây thường chăn thả trong khe suối theo bầy đàn, cộng thêm việc tiêm phòng chưa được thực hiện đầy đủ dẫn đến dịch bệnh lan nhanh.
Theo thông tin mà chúng tôi nắm được, đợt dịch vừa rồi khiến trên 20 con trâu, bò trong thôn mắc bệnh, trong đó có 6 con chết tại chỗ, số còn lại khi thấy triệu chứng là người dân bán tháo cho lái buôn. Do tâm lý người dân muốn giấu bệnh trâu, bò để bán, mặt khác, địa hình miền núi nên việc kiểm soát gặp nhiều khó khăn; cộng với thói quen chăn thả gia súc theo kiểu tự nhiên như hiện nay, khiến nguy cơ lây lan dịch bệnh và mất VSATTP rất lớn.
Mong rằng, các cấp chính quyền địa phương và ngành thú y sớm vào cuộc làm rõ nguyên nhân dịch bệnh để có biện pháp khống chế kịp thời.
Thu Trang/Báo Hà Tĩnh