Nợ nần chồng chất
Tin H. bị bắt vì cướp tiệm vàng khiến người dân vẫn còn bàng hoàng và không tin rằng H. là một tên cướp.
Bởi theo họ, H. vốn là một người hiền lành, thật thà và không có “gan” để việc “tày đình” đó.
Ngôi nhà cấp 4 cũ kỹ giờ đã bán đi một nửa để lấy tiền trả nợ. |
Tiếp chúng tôi trong căn nhà cấp 4 cũ kỹ, ông Trần Mạnh P. (SN 1937, trú tại khối phố Tiền Phong, phường Thạch Quý, bố đẻ của H.) trầm ngâm với đôi mắt bơ phờ. Ông cho biết, thông tin về đứa con trai gây chuyện như sét đánh ngang tai.
Ông P. kể, khoảng năm 2007, nhờ tích góp được một số vốn, H. đã mở một cửa hàng kinh doanh về mặt hàng nhôm kính trên địa bàn TP Hà Tĩnh. Công việc làm ăn chỉ thuận lợi được những năm đầu, sau đó vì cạnh tranh ngày càng gay gắt, việc sản xuất gặp nhiều khó khăn.
Năm 2009, H. quyết định chuyển sang mở quán cà phê. Cũng trong năm này, H. kết duyên với chị Hoàng Thị N. (SN 1988) rồi sinh được một bé gái bụ bẫm.
Tuy nhiên, thấy việc mở quán cà phê lời lãi cũng chẳng bao nhiêu, H. mở thêm một cửa hàng bán quần áo, rồi sau đó là cửa hàng bán đồ ăn nhanh. Thế nhưng, việc kinh doanh cũng ế ẩm.
Ông P. làm thêm nghề vẽ bức trướng để kiếm thêm tiền trả tiền lãi giùm cho con trai. |
Nhờ “học mót” được ít kiến thức về khoản chơi cây cảnh, H. quyết định đầu tư tất cả vốn liếng vào việc kinh doanh thú vui này. Thế nhưng, H. đâu biết rằng, với chút ít hiểu biết ít ỏi đó, H. đã phải trả giá vì sự ngây ngô của mình.
H. lùng lục khắp nơi để tìm mua nhưng cây “độc” và đi kèm với nó là giá cả rất đắt đỏ. Có lúc gia đình choáng váng khi thấy H. mang về một chậu cây chẳng khác gì cành củi khô mà có giá hơn 80 triệu đồng.
“Bỏ hơn 350 triệu đồng để mua cây cảnh, rồi công chăm sóc, phân bón, thuốc trừ sâu…ai ngờ chỉ bán được 75 triệu đồng. Thằng H. dại dột, cứ nghĩ việc kinh doanh dễ dàng, khi dấn vào rồi mới biết. Nó bị người ta lừa hết tiền rồi đâm ra nợ nần“, ông P. chua xót.
H. đã phải nhượng quán cà phê cho người khác với giá khoảng 200 triệu và bán đi một nửa mảnh đất của gia đình mới có tiền trả nợ.
Túng quẫn nên làm liều
Sau lần đó, H. như biến thành một con người khác: ít nói, lầm lỳ, suốt ngày chỉ nằm trong nhà. Ngay cả người thân, H. cũng không trò chuyện, cứ lầm lũi như cái bóng.
Tình trạng cứ tiếp diễn như thế suốt mấy tháng liền và chuyện sẽ không có gì đáng nói nếu như H. không vô tình xem được mô hình sản xuất củi trấu trên ti vi.
Hình ảnh H. bị người vây vây bắt, đánh khi cướp tiệm vàng. |
Trong bữa ăn cơm trưa, H. đã ngỏ ý mượn sổ đỏ của bố cầm cố lấy vốn sản xuất củi trấu. Thấy con vui vẻ trở lại, ông P. mừng và đồng ý ngay. Để thuận lợi cho việc kinh doanh, H. đã ra tận xã Diễn Kỷ (huyện Diễn Châu, Nghệ An) để mở cửa hàng.
Thế nhưng, công việc kinh doanh lại thua lỗ, H. phải đóng cửa cơ sở sản xuất ở Nghệ An rồi bỏ về Hà Tĩnh cùng với số nợ gần 300 triệu đồng treo lơ lửng trên đầu.
“Vì mặc cảm với mọi người, là một người con trai nhưng không lo được cho gia đình, tính tình anh H. lại trở nên lầm lỳ như xưa. Ngày này qua ngày khác anh ấy chỉ nằm trong phòng, đóng kín cửa“, chị N. (vợ H.) cho biết.
Hiện tại số nợ của gia đình là khoảng 400 triệu đồng (300 triệu nợ ngân hàng và 100 triệu nợ người ngoài). Mỗi tháng tiền lãi phải trả là hơn 10 triệu đồng.
Nói về sự việc trước khi chồng gây án, chị N. chia sẻ, vào ngày 9/8 cũng là lúc tới kỳ hạn phải trả lãi ngân hàng, trong khi gia đình lại đang khó khăn. Thấy anh H. dắt xe máy đi ra ngoài, hỏi thì anh ấy bảo là đi vay mượn tiền để về trả nợ.
Tuy nhiên, tới trưa không thấy chồng về, chị N. gọi điện vào số của H. nhưng không được.
Chập tối, khi một số người bạn gọi điện thông báo việc H. bị bắt vì đi cướp tiệm vàng, đầu óc chị choáng váng, thấy như không đứng vững trên đôi chân của mình nữa.
“Anh H. vốn hiền lành, từ trước tới giờ chưa từng làm hại ai cả. Chỉ vì túng quẫn quá anh ấy mới hành động dại dột như vậy”, chị N. đau đớn.
Còn ông P. nói: “Sự đã thế rồi, tôi cũng không biết phải làm thế nào, giờ chỉ mong pháp luật xem xét phần nào gia cảnh nhà tôi mà giảm nhẹ tội cho cháu”.
Văn Đức – Duy Quang