Kỳ Anh

Kỳ Anh: Huy động cả trăm cán bộ, chiến sỹ 'giúp' DN tư nhân

Để “bảo vệ thi công đường vào mỏ đá” cho một doanh nghiệp tư nhân, UBND huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) đã huy động gần trăm người, gồm cán bộ, chiến sỹ công an, xe đặc chủng, cán bộ huyện, xã. Xung quanh sự việc này, chủ hộ sở hữu đất rừng bị thu hồi đã bày tỏ sự bức xúc và tố cáo nhiều dấu hiệu bất thường.



>> Kỳ Anh: Thiếu úy công an nặc mùi rượu, thóa mạ nhà báo
>> Kỳ Anh: Tạm đình chỉ 3 chiến sĩ công an văng tục với nhà báo
>> Cần làm rõ hành vi công an xúc phạm, thóa mạ phóng viên

Mồ hôi công sức của dân


Theo phản ánh của bà Lê Thị Phượng (trú thị trấn Kỳ Anh), hai khu đất rừng 19,5ha đất rừng tại khu vực núi Đá Mài được bà nhận chuyển nhượng lại từ 2 nhân viên Cty CP Nông lâm sản Hà Tĩnh (nay là Cty Rau quả Hà Tĩnh).


Cả hai lô đất này đều được ghi rõ trong hợp đồng chuyển nhượng tại vị trí khoảnh 1PK1, tiểu khu 389A, thời hạn nhận khoán 40 năm, thuộc đất khoán lâu dài cho hộ dân trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng phòng hộ.

cán bộ, UBND huyện, Kỳ Anh, bảo vệ, thi công mỏ đá, Hà Tĩnh

Chồng bà Phượng, ông Võ Xuân Lý chua xót bên gốc keo 8 năm tuổi bị chặt hạ tại khu rừng được giao 40 năm, nay tỉnh thu giao cho mỏ đá.


Sau khi hồ sơ thủ tục đầy đủ, bà Phượng đã vay vốn đầu tư cải tạo đất dưới sự giám sát chặt chẽ của Cty Rau quả Hà Tĩnh. Sau gần nhiều năm lặn lộn gây dựng trồng rừng, bà Phượng được nêu điển hình trồng rừng giỏi của huyện.


Đến năm 2011, UBND tỉnh Hà Tĩnh ra quyết định thu hồi 83.886,2m2 đất tại khu vực núi Đá Mài, xã Kỳ Liên (Kỳ Anh) của Cty CP Rau quả Hà Tĩnh (không ghi rõ lô, khoảnh) và giao toàn bộ diện tích đất thu hồi trên giao lại BQL Khu kinh tế Vũng Áng, để cho Cty CP Việt Gia – Song Hui thuê lại đất để khai thác đá.

Tìm hiểu câu chuyện này, nhóm PV đã nhận thấy nhiều dấu hiệu bất bình thường. Bản thân ông Võ Xuân Sơn – Trưởng BQL rừng phòng hộ Nam Hà Tĩnh cũng đã nhận thấy “dễ có dấu hiệu bất thường” khi khu rừng thu hồi để làm mỏ đá thuộc khoảnh 2, trong khi khu rừng thực tế đang thi công thuộc sở hữu của bà Phượng thuộc khoảnh 1PK1.


Theo bà Phượng, sau nhiều lần huyện Kỳ Anh đứng ra tổ chức để bà và Cty Việt Gia – Song Hui họp bàn đưa ra mức giá đền bù.


Tuy nhiên, do cách tính đề bù quá thấp so với công sức tiền của đã đổ ra nên hai bên chưa thống nhất.


Ngày 8/10, bà Phượng nhận được giấy mời làm việc với Hội đồng bồi thường hỗ trợ tái định cư huyện Kỳ Anh, UBND xã Kỳ Liên để làm việcvì gia đình có đất bị ảnh hưởng của dự án. Thời gian làm việc vào 14h ngày 9/10.


Theo như lý giải của ông Nguyễn Việt Đức, Phó chủ tịch Hội đồng BT-HT-TĐC huyện Kỳ Anh, cuộc làm việc này để thống nhất lần cuối. Và ông Đức cũng đã ra thông báo buộc bà Phượng phải thu hoạch cây cối toàn khu rừng trong thời gian 8-10/10, để bàn giao cho DN.


Trong khi chủ hộ và xã huyện đang làm việc lần cuối thì cũng trong ngày 8/10, Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh, ông Nguyễn Văn Bổng đã ký quyết định số 2504 “Về việc điều động lực lượng bảo vệ thi công tuyến đường vào mỏ đá Việt Gia – Song Hui tại xã Kỳ Liên”.


Huy động gần 100 cán bộ bảo vệ cho DN


Quyết định ghi rõ: Công an huyện Kỳ Anh cử 30 cán bộ chiến sỹ và các công cụ, phương tiện cần thiết để thực hiện nhiệm vụ, trong đó có 01 xe đặc chủng.


Đối với xã Kỳ Liên, UBND xã điều động 35 người (gồm công an viên, đội cơ động mạnh, lực lượng khác) cùng với lãnh đạo xã và các ban ngành, tổ chức đoàn thể.


Tại UBND huyện, lệnh điều động ghi rõ: Trưởng các phòng Kinh tế – hạ tầng, TN&MT, Hội đồng BT-HT-TĐC, bố trí cử cán bộ tham gia theo dõi việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ thi công. Quyết định của Chủ tịch huyện cũng đã điều 03 y bác sỹ cùng xe cứu thương có mặt tại hiện trường.


Để bảo vệ thi công cho 1 doanh nghiệp tư nhân, Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh còn chỉ đạo: Giao chủ tịch xã Kỳ Liên trực tiếp chỉ huy các lực lượng và giao cho Công an huyện cử 01 Phó trưởng CA huyện phụ trách lực lượng CA phối hợp với UBND xã chỉ huy các lực lượng thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ thi công tại hiện trường.

cán bộ, UBND huyện, Kỳ Anh, bảo vệ, thi công mỏ đá, Hà Tĩnh

Quyết định điều động của ông Nguyễn Văn Bổng, Chủ tịch huyện: Gần 100 cán bộ cùng phương tiện đã được điều động để bảo vệ thi công, kinh phí do DN Việt Gia – Song Hui chịu.


Và đúng sáng ngày 10/10, toàn bộ lực lượng, phương tiện hùng hậu gần 100 người theo lệnh của Chủ tịch huyện đã có mặt để bảo vệ thi công cho DN này.


Và dưới sự bảo vệ của huyện, Cty này đã huy động máy móc vào chặt phá rừng của bà Phượng, và toàn bộ số gỗ cây chặt hạ đã bị di chuyển khỏi hiện trường.


Đến ngày 24/10 (sau 14 ngày), khi nhóm PV các báo có mặt tại đây thì cũng đang có 03 chiến sỹ công an và 01 xe đặc chủng đang làm nhiệm vụ bảo vệ, theo như lệnh điều động của Chủ tịch UBND huyện.


Văn bản của chủ tịch huyện Kỳ Anh giao thời gian triển khai vào 7h30 sáng 10/10 và không có hạn.


Văn bản cũng đã ‘căn dặn’ sát sao các lực lượng “chịu sự chỉ huy thống nhất của chỉ huy và trưởng các bộ phận. Đoàn kết thống nhất trong tư tưởng và hành động, phối hợp, hỗ trợ tích cực cùng UBND xã để hoàn thành tốt nhiệm vụ đề ra”.


“Kinh phí và các điều kiện đảm bảo cho việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ thi công của các lực lượng tham gia, giao Cty Việt Gia – Song Hui giải quyết”, quyết định chủ tịch huyện có ghi.

Né tránh báo chí


Để tìm hiểu vấn đề này, nhóm PV các báo đã cố gắng liên lạc với lãnh đạo UBND huyện Kỳ Anh, tuy nhiên mọi nỗ lực tiếp cận đều thất bại.


Đã rất nhiều lần PV trực tiếp đăng ký làm việc, gọi điện, nhắn tin cho ông Nguyễn Văn Bổng, Chủ tịch huyện, nhưng ông Bổng không trả lời và hướng dẫn gặp ông Nguyễn Minh Hoàn – PCT huyện.


Khi liên hệ với ông Hoàn thì lại nhận được thông tin, sự việc này người trực tiếp quản lý là ông Sơn – PCT huyện, và hướng dẫn gặp vị lãnh đạo này.


Tuy nhiên, khi nhóm PV liên hệ với ông Sơn thì ông lần lữa và cuối cùng cũng cáo bận vào chiều ngày 1/11.


Nhóm P.V

VNN

  Từ khóa: thóa mạ , Thiếu úy , Nhà báo , Công an

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP