Giáo dục - Đào tạo

Kỳ Anh: Hơn 200 giáo viên bị cắt hợp đồng ‘nín thở’ chờ tin

Liên quan đến vụ việc tỉnh Hà Tĩnh cắt hợp đồng với 214 giáo viên, Bộ Nội vụ đã lên tiếng chỉ đạo Hà Tĩnh báo cáo vụ việc.

Các giáo viên trình bày hoàn cảnh, nguyện vọng với PV
Các giáo viên trình bày hoàn cảnh, nguyện vọng với PV

Trao đổi với báo chí, chiều 11/9, Thứ trưởng Bộ Nội Vụ Trần Anh Tuấn cho biết dự kiến tuần sau, đoàn công tác của Bộ Nội vụ sẽ làm việc trực tiếp với Hà Tĩnh về vụ việc này.

Báo Tầm Nhìn đã có loạt bài phản ánh việc 214 giáo viên tại huyện Kỳ Anh có nguy cơ mất việc. Theo đó, ngày 23/4/2015, Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh (huyện Kỳ Anh cũ) đã ký văn bản 570/UBND – NV về việc thực hiện công tác đối với cán bộ hợp đồng.

Thực hiện theo nội dung này, ngày 24/4/2015, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Kỳ Anh ký văn bản 44/PGD&ĐT – TCCB gửi các trường yêu cầu lập danh sách đề nghị UBND huyện chấm dứt hợp đồng đối với các trường hợp là giáo viên, nhân viên đã được UBND huyện ký hợp đồng vào làm việc tại trường. Quyết định trên của UBND huyện Kỳ Anh được thực hiện theo Văn bản số 343/SNV-TCCB của Sở Nội vụ Hà Tĩnh gửi Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh về phương án bố trí nhân sự ở huyện này.

Văn bản số 570/ UBND – NV yêu cầu các trường lập danh sách đề nghị UBND huyện chấm dứt hợp đồng đối với các trường hợp là giáo viên, nhân viên đã được UBND huyện ký Quyết định hợp đồng vào làm việc.

Các quyết định trên của tỉnh Hà Tĩnh đã đẩy 214 giáo viên vào tình cảnh thất nghiệp, khủng hoảng tâm lý và chưa biết đi đâu về đâu sau nhiều năm cống hiến cho ngành giáo dục, có giáo viên có thâm niên đến 12 năm đi dạy.

Liên quan đến vụ việc này, trong cuộc họp báo thường kỳ tháng 5/2015, trao đổi với báo Dân Trí, Thứ trưởng Trần Anh Tuấn cho rằng có thể UBND huyện Kỳ Anh đã không tổ chức tuyển dụng viên chức mà chỉ ký hợp đồng lao động với giáo viên.  Những giáo viên đã làm việc 5 năm, 10 năm nay bị cắt hợp đồng lao động và nếu tổ chức thi tuyển có thể sẽ không trúng tuyển. Vụ việc xảy ra tại Hà Tĩnh này giống như trường hợp các giáo viên ở huyện Yên Phong (Bắc Ninh). Theo ông, Việc UBND tỉnh yêu cầu Sở Nội vụ ra văn bản chấn chỉnh việc làm sai quy định của huyện Kỳ Anh là cần thiết.

Thứ trưởng cũng khẳng định, việc chấm dứt hợp đồng  lao động với các giáo viên là điều cần thiết vì đây là biện pháp bảo vệ quyền lợi lâu dài cho họ. Việc chỉ ký hợp đồng lao động sẽ khiến giáo viên chịu nhiều thiệt thòi, trong đó có việc không được tăng lương, ép lương…còn nếu họ trở thành việc chức thì quyền lợi sẽ được đảm bảo theo quy định của pháp luật.

Trước đó,  ngày 16/5/2014, Bộ Nội vụ cũng đã có văn bản gửi các Bộ, ngành, địa phương tăng cường quản lý công tác tuyển dụng công chức, viên chức.

“Theo quy định của Luật cán bộ, công chức và Luật Viên chức, việc tuyển dụng công chức, viên chức được thực hiện thông qua phương thức thi tuyển xét tuyển. Đối với các trường hợp đặc biệt trong tuyển dụng công chức quy định tại Điều 19 Nghị định số 24/2010/NĐ-CP và xét tuyển đặc cách viên chức quy định tại Điều 14 Nghị định số 29/2012/NĐ-CP chỉ thực hiện để tuyển dụng những người có trình độ chuyên môn cao, có kinh nghiệm công tác đáp ứng được ngay yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển dụng và do người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền tuyển dụng công chức, viên chức đề xuất, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định theo quy định của pháp luật.

Các giáo viên bị cắt hợp đồng trong buổi trò chuyện với PV báo Tầm Nhìn

Các Bộ, ngành, địa phương không áp dụng quy định về các trường hợp đặc biệt trong tuyển dụng công chức, xét tuyển đặc cách đối với viên chức hoặc chỉ ký hợp đồng lao động để thay hoàn toàn cho việc tuyển dụng thông qua phương thức thi tuyển và xét tuyển”, văn bản nêu rõ.

Theo như văn bản này thì nếu như đáp ứng các tiêu chuẩn, tiêu chí thì các giáo viên của huyện Kỳ Anh vẫn có thể có cơ hội được trở thành viên chức giáo dục thông qua xét tuyển đặc cách. Và huyện Yên Phong (Bắc Ninh) tại thời điểm năm 2014 đã áp dụng giải pháp trên khi hàng trăm giáo viên bị cắt hợp đồng.

Trong một cuộc trao đổi với PV Tầm Nhìn, nhiều giáo viên tại huyện Kỳ Anh trong diện bị cắt hợp đồng cũng đã bày tỏ mong muốn sẽ được một ưu tiên giống như hàng trăm giáo viên của huyện Yên Phong năm 2014.

“Chúng tôi có biết vụ việc giáo viên bị cắt hợp đồng ở huyện Yên Phong. Chúng tôi hầu hết là những giáo viên có thâm niên, có người tới 12 năm rồi, hi vọng rằng nếu như bị cắt hợp đồng thì sẽ được xét tuyển ưu tiên như giáo viên ở huyện trên”, cô D.T.H, giáo viên trường THCS Giang Đồng ( Kỳ Anh) chia sẻ.

Mai Nguyễn – Đình Sơn

Theo Tầm Nhìn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP