>> Kỳ Anh: Huy động cả trăm cán bộ, chiến sỹ ‘giúp’ DN tư nhân
Ngày 24/10/2013, báo điện tử Tamnhin.net có đăng tải bài viết “Dân chưa nhận đền bù, rừng đã bị phá tan hoang” phản ánh về việc đất rừng của bà Nguyễn Thị Phượng bị cơ quan chức năng phá tan hoang để lấy mặt bằng phục vụ khai thác đá khi bà chưa nhận được tiền đền bù.
Quyết định khó hiểu!
Mặc dù việc bồi thường, giải phóng mặt bằng chưa thực hiện xong (do hộ bà Phượng chưa đồng tình, chưa nhận tiền đền bù), UBND huyện Kỳ Anh đã huy động lực lượng rầm rộ để “bảo vệ thi công”.
Ngày 8/10/2013, Hội đồng BT – HT – TĐC UBND huyện Kỳ Anh có thông báo về việc tổ chức bảo vệ thi công đối với các hộ dân không chấp hành chủ trương thu hồi đất, bồi thường GPMB dự án khai thác và chế biến đá xây dựng của Cy Việt Gia – Song Hui tại xã Kỳ Liên.
Cũng trong ngày 08/10/2013, UBND huyện Kỳ Anh có quyết định số 2504/QĐ – UBND do ông Nguyễn Văn Bổng – Chủ tịch UBND huyện ký về việc điều động lực lượng bảo vệ thi công đường vào mỏ đá Việt Gia – Song Hui.
Bà Nguyễn Thị Phượng bức xúc nói: trước thời điểm có “lực lượng bảo vệ thi công” thì vào sáng ngày 8/10 bà có nhận được giấy mời của Hội đồng BT – HT – TĐC của UBND huyện cùng với thời điểm mà Hội đồng BT – HT – TĐC có tờ trình về việc ban hành quyết định “bảo vệ thi công” sự việc quá gấp gáp chúng tôi hoàn toàn không kịp trở tay.
Khi PV thắc mắc chuyện tại sao lại có quyết định như trên ông Nguyễn Việt Đức – Phó Chủ tịch BT – HT – TĐC huyện Kỳ Anh nói: Hội đồng đã mời gia đình bà Phượng đến họp rất nhiều lần nhưng bà không đến buộc chúng tôi phải điều động lực lượng bảo vệ thi công.
Khi PV hỏi tại sao có giấy mời bà Phượng đến họp vào ngày 8/10 tại UBND xã Kỳ Liên nhưng cũng trong ngày đó lại có quyết định điều động bảo vệ thi công thì ông Đức tỏ vẽ lúng túng không giải thích được.
Cũng trong ngày 8/10/2013, trong quyết định số 2504 về việc điều động lực lượng “bảo vệ thi công” do ông Nguyễn Văn Bổng, Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh kí đã nêu: “Căn cứ vào Nghị định số 38/2005/NĐ-CP ngày 18/3/2005 của Chính phủ Quy định một số biện pháp bảo đảm trật tự công cộng… Yêu cầu
:Công an huyện Kỳ Anh cử 30 cán bộ chiến sỹ và các công cụ, phương tiện cần thiết để thực hiện nhiệm vụ, trong đó có 01 xe đặc chủng.
Đối với xã Kỳ Liên, UBND xã điều động 35 người (gồm công an viên, đội cơ động mạnh, lực lượng khác) cùng với lãnh đạo xã và các ban ngành, tổ chức đoàn thể.
Tại UBND huyện, lệnh điều động ghi rõ: Trưởng các phòng Kinh tế – hạ tầng, TN&MT, Hội đồng BT-HT-TĐC, bố trí cử cán bộ tham gia theo dõi việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ thi công.
Đặc biệt, ông Bổng còn cẩn thận điều 3 bác sĩ và y sĩ của bệnh viện huyện, 1 xe cứu thương, thuốc men và bông băng đầy đủ để đề phòng xẩy ra “sự cố”!
Thi công là việc riêng của doanh nghiệp, thế nhưng chính quyền huyện Kỳ Anh đã rất “nhiệt tình, hăng hái” huy động lực lượng gồm công an, cán bộ, xe đặc chủng, xe cứu thương…để “bảo vệ” (!?).
Một điều “lạ” nữa là tuy lực lượng do Chủ tịch huyện điều, nhưng tiền nong, chi phí “bảo vệ” lại do Công ty CP Việt Gia- Song Hui lo (điều 3, quyết định 2504).
“Đá bóng” trách nhiệm phát ngôn với báo chí
Để có cái nhìn khách quan hơn về quyết định khó hiểu nói trên chúng tôi đã rất nhiều lần đến UBND huyện Kỳ Anh để tìm gặp ông Nguyễn Văn Bổng – Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh nhưng đều không được.
Liên lạc qua điện thoại ông Bổng cũng không trả lời. Khi chúng tôi nhắn tin về việc muốn tìm hiểu xem tại sao lại có quyết định khó hiểu như vậy, ông Bổng trả lời tin nhắn “mọi việc xin mời các đồng chí gặp đồng chí Hoàn, Phó Chủ tịch UBND huyện, người phát ngôn với báo chí”.
Liên lạc qua điện thoại với ông Nguyễn Minh Hoàn, Phó Chủ tịch UBND ông Hoàn nói “ tôi là người phát ngôn với báo chí, tuy nhiên việc đó ông
Nguyễn Hoài Sơn (Phó Chủ tịch UBND – Chủ tịch HĐ – BT – TĐC – PV) sẽ làm việc với các đồng chí, việc này tôi không nắm rõ
Chúng tôi liên lạc với ông Nguyễn Hoài Sơn – Phó Chủ tich UBND, Chủ tịch HĐ – BT – TĐC huyện, tuy nhiên cũng giống như trên vị này cáo bận không thể tiếp được phóng viên và hẹn lúc khác.
(Còn tiếp)
Hà Tuấn Vũ
Tầm Nhìn