UBND huyện Kỳ Anh cho rằng việc thu hồi đất là đúng quy trình. Ảnh: Thành Cường
Phá rừng, phá luôn hợp đồng kinh tế
Nghiên cứu hồ sơ cho thấy, trong bản Hợp đồng kinh tế số 29/HĐKT về việc khoán đất – trồng – chăm sóc – bảo vệ rừng phòng hộ đầu nguồn (hộ gia đình tự bỏ vốn) thời gian 40 năm của bà Lê Thị Phượng được ký kết bằng giấy trắng mực đen với Cty Cổ phần Rau quả Hà Tĩnh kiêm Ban Quản lý Dự án (D.A) phòng hộ Kỳ Anh ghi rõ: “Hai bên cam kết thực hiện nghiêm chỉnh và đầy đủ nội dung các điều khoản đã ghi trong hợp đồng. Quá trình thực hiện có gì vướng mắc 2 bên cùng nhau bàn bạc, tìm biện pháp giải quyết. Nếu một trong 2 bên cố tình vi phạm hợp đồng thì bên đó phải chịu bồi hoàn thiệt hại kinh tế cho bên kia theo pháp luật hiện hành quy định”.
Sau khi hợp đồng được ký kết, bà Phượng đã vay vốn đầu tư cải tạo hơn 8,5ha đất dưới sự giám sát chặt chẽ của Cty Rau quả Hà Tĩnh. Qua nhiều năm trồng rừng, sắp đến mùa thu hoạch, bỗng dưng có Quyết định 1195/QĐ-UBND, ngày 8/4/2011 của UBND tỉnh Hà Tĩnh, thu hồi hơn 83.000m2 đất tại khu vực núi Đá Mài, xã Kỳ Liên (trong đó có diện tích đất bà Phượng) của Cty Rau quả Hà Tĩnh và giao toàn bộ diện tích đất thu hồi trên cho Ban Quản lý Khu kinh tế Vũng Áng cho Cty Cổ phần Việt Gia – Song Hui thuê lại để khai thác đá xây dựng. Nhiều lần huyện Kỳ Anh đứng ra tổ chức để bà Phượng và Cty Việt Gia – Song Hui họp bàn đưa ra mức giá đền bù, nhưng bà Phượng không chấp nhận. Theo bà Phượng, nguyên nhân chính là cho đến thời điểm này, hợp đồng kinh tế giữa bà và Cty Rau quả Hà Tĩnh còn hiệu lực và chưa được giải quyết dứt điểm nên bà Phượng chưa đồng ý nhượng đất, rừng cho Cty Việt Gia – Song Hui.
Quyền lợi chính đáng của người trồng rừng bị tước đoạt khi bản hợp đồng kinh tế bị vô hiệu hóa. Ảnh: Thành Cường
Trước đó, ngày 22/9/2010, Cty Rau quả Hà Tĩnh đã có Tờ trình số 459/TTr-NLS trả lại 11,54ha đất rừng tại khoảnh 2, tiểu khu 389A, tại xã Kỳ Liên để cho Cty Việt Gia – Sông Hui lấy đất làm mỏ đá xây dựng. Qua đó cho thấy, Cty Rau quả Hà Tĩnh đã đơn phương phá hủy hợp đồng, gây hậu quả nghiêm trọng về kinh tế đối với gia đình bà Phượng. Trao đổi với phóng viên Báo Thanh tra, ông Đinh Thế Hùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Bách Sự Thuận (quận Đống Đa, Hà Nội) cho rằng: “Việc Cty Rau quả Hà Tĩnh tự ý chấm dứt hợp đồng, không có sự bàn bạc, thỏa thuận giữa 2 bên gây ra hậu quả nghiêm trọng đối với bà Phượng là vi phạm pháp luật. Bà Phượng có quyền kiện Cty ra tòa án”.
...
Theo quy định tại khoản 1 Điều 38 và Điều 40 Luật Đất đai, việc thu hồi đất để sử dụng vào mục đích phát triển kinh tế là trường hợp đầu tư xây dựng khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu kinh tế và các D.A đầu tư lớn theo quy định của Chính phủ. Tại khoản 2 Điều 36 Nghị định 181/2004/NĐ-CP của Chính phủ quy định: Sử dụng đất để thực hiện các D.A đầu tư có nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA); sử dụng đất để thực hiện D.A có 100% (vốn đầu tư nước ngoài đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xét duyệt hoặc cho phép đầu tư mà D.A đó không thể đầu tư trong khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu kinh tế. Và, tại Điều 34 Nghị định 84/2007/NĐ-CP cũng quy định chặt chẽ: Khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các D.A phát triển kinh tế quan trọng trong các trường hợp sau đây: a) D.A quan trọng quốc gia do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư; b) D.A quan trọng do Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư. Như vậy, UBND tỉnh Hà Tĩnh chỉ được phép thực hiện theo khoản 2 Điều 40 Luật Đất đai năm 2003: “Đối với D.A sản xuất, kinh doanh phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được xét duyệt thì nhà đầu tư được nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất của các tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân mà không phải thực hiện thủ tục thu hồi đất”. Việc UBND tỉnh Hà Tĩnh ban hành Quyết định số 1195 để thu hồi hơn 83.000m2 đất rừng là trái với Luật Đất đai bởi không có văn bản chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ về chủ trương đầu tư D.A chế biến đá xây dựng. Đồng thời, Cty Việt Gia – Song Hui muốn thực hiện D.A thì phải được sự đồng ý của bà Phượng.
Quyết định số 1195 của UBND tỉnh Hà Tĩnh vi phạm Luật Đất đai một cách nghiêm trọng. Ảnh: Thành Cường
Ngoài ra, ngày 8/10/2013, ông Nguyễn Văn Bổng, Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh ra Quyết định số 2504/QĐ-UB để “điều động lực lượng bảo vệ thi công đường vào mỏ đá Việt Gia – Song Hui”. Quyết định đã làm xôn xao dư luận bởi không có căn cứ pháp lý cho việc Chủ tịch UBND huyện huy động lực lượng lớn (100 người) và điều nghịch lý ở đây là 100% kinh phí do Cty Việt Gia – Song Hui tự bỏ ra. Trả lời về vấn đề này tại cuộc họp ngày 7/11/2013, ông Bổng khẳng định: “Đó là việc làm cần thiết để bảo đảm tính mạng và tài sản cho 2 bên”. Theo lý giải, Quyết định 2504 điều động lực lượng “bảo vệ thi công” của UBND huyện Kỳ Anh “căn cứ Nghị định số 38/2005/NĐ-CP ngày 18/3/2005 của Chính phủ quy định một số biện pháp bảo đảm trật tự công cộng”. Trên thực tế, trong các qui định của pháp luật đất đai hiện hành của Nhà nước, không hề có khái niệm “bảo vệ thi công” và trong Nghị định 38 cũng không hề có qui định nào nói về trách nhiệm, khái niệm “bảo vệ thi công”. Tại Điều 10 Nghị định 38 quy định về “thẩm quyền áp dụng các biện pháp bảo đảm trật tự công cộng” thì Chủ tịch UBND cấp huyện không có thẩm quyền tổ chức thực hiện các biện pháp để bảo đảm trật tự công cộng. Tăng Thành – Cao Cường