Hai tay “cò” buôn bán thịt rừng Lê Quốc Văn và Mai Ngọc Đạt – Ảnh: N.Khải |
Qua thâm nhập thực tế, PV phát hiện một số người làm công tác bảo vệ rừng ở Đồng Nai trở thành những tay “cò” chuyên dắt mối buôn bán thịt rừng.
Bảo vệ rừng dẫn mối thịt rừng
Chiều 13-8, tại quán nước ở thị trấn Định Quán (H.Định Quán, Đồng Nai), ông P. – một người ở TP.HCM – gặp ông Mai Ngọc Đạt để đặt mối lấy hàng là thịt thú rừng. Vừa giáp mặt nhau, ông Đạt vào thẳng vấn đề: “Bây giờ lấy hàng gì?”. Ông P. trình bày đang tìm cả hàng rừng lẫn hàng nuôi, rồi hỏi ông Đạt: “Trên đấy có hàng gì, ngon không?”.
Ông Đạt bảo: “Muốn lấy hàng gì có hàng đó. Hàng nuôi có hàng nuôi, hàng rừng có hàng rừng”. Khi ông P. bày tỏ lo ngại hàng về không đều thì ông Đạt chắc lời: “Đều, ông cứ yên tâm, hàng rừng hẳn hoi, hàng Lâm Đồng về, hàng rừng cấm Nam Cát Tiên về cũng nhiều”. Ông Đạt còn nhấn mạnh: “Nói chung không thiếu một cái gì”.
Nói xong, ông Đạt lấy điện thoại gọi cho mối cung cấp hàng: “Anh có người bạn lấy hàng rừng để đi mối thành phố. Nó lấy hàng của em, em có cung cấp được đủ không?…”. Cúp máy, ông Đạt nói với ông P.: “Nó bảo hàng gì cũng có nhưng mà lấy theo kiểu gì?”. Ông P. hỏi: “Trên bác có nhiều mối không?”. Ông Đạt chắc giọng: “Nhiều, ông muốn lấy mấy mối cũng có, tôi cung cấp đầy đủ”. Ông Đạt khẳng định ông P. điện thoại lúc nào ông Đạt sẽ có mặt lúc đấy. Ông P. dọ giá của 1cc mật gấu “chuẩn”, ông Đạt trả lời: “Tùy hàng, chuẩn ba bốn trăm, năm trăm cũng có, nếu muốn hàng rừng thì mấy triệu”.
Trưa 14-8, ông Đạt mặc áo có chữ “Lâm nghiệp VN” dẫn ông P. đến quán ăn Tửu Quý (ấp 7, xã Phú An, H.Tân Phú) để gặp bà chủ tên Nhung. Quán này cách Ban quản lý rừng phòng hộ 600 vài trăm mét. Từ quốc lộ 20 trước khi rẽ vào quán này khoảng 200m có bảng chỉ dẫn Vườn quốc gia Cát Tiên 16km, bên dưới bảng này là bảng “quán nhậu Tửu Quý – các món nhậu đặc sản và bình dân”.
Tại quán, bà Nhung buông lời: “Ăn thua là mình có xe chạy ngang qua đây là gửi được. Xe buýt là dễ gửi nhất, về đến bến xe buýt không ai kiểm tra”. Theo bà Nhung, giá cả không cố định, giá hàng sống mắc hơn hàng chết (đông lạnh). “Anh hỏi chỗ anh Đạt biết, nếu mà nói hàng rừng giá mua chỗ nào mềm hơn chỗ này là bao giá luôn…” – bà Nhung mời chào.
Ông Phạm Văn Giao, giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ 600 (thuộc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai), cho biết ông Mai Ngọc Đạt là nhân viên bảo vệ rừng ở phân trường 2 thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ 600. Ông Giao cho biết chưa nghe thông tin gì về việc nhân viên bảo vệ rừng dẫn mối mua bán thịt rừng, ông sẽ kiểm tra xác minh thông tin này.
Kiểm lâm giới thiệu mật gấu
Chiều 13-6, tại quán cà phê ở xã Hiếu Liêm (H.Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai), ông Văn trong trang phục của nhân viên kiểm lâm (đeo bảng tên Lê Quốc Văn) đưa cho ông P. số điện thoại và hẹn gặp tại thị trấn Vĩnh An (H.Vĩnh Cửu).
Chiều cùng ngày, ông Văn đi xe máy tới quán cà phê ở thị trấn Vĩnh An nói với ông P.: “Một con cheo không có giấy tờ cũng phạt 6 triệu, một con nai cũng 6 triệu. Phải cẩn thận, không thì khổ đấy”. Ông Văn còn nói cụ thể: “Cheo là một, chồn là hai, rắn là ba, nai là bốn, hươu là năm đều phải có giấy tờ khi vận chuyển. Các loại này mà không có giấy tờ, một ký thịt cũng phạt 6 triệu”. Ông Văn bảo ông P. cho ông bảng giá mua của các loại hàng để ông tham khảo.
Ngày 8-7, tại quán cà phê ở thị trấn Trảng Bom (H.Trảng Bom), ông P. hỏi: “Mật gấu hàng ngon không?”, ông Văn bảo gấu nuôi được thú y bắn thuốc mê, sau đó rút mật, giá tại gốc là 120.000 đồng/cc. Ngày 31-7, ông P. nói ông Văn lấy cho 5cc mật gấu.
Tối 13-8, qua điện thoại ông Văn cho hay có mật gấu cho ông P.. Đến tối hôm sau, tại quán cà phê ở thị trấn Trảng Bom, ông Văn chỉ đường tắt cho ông P. đi lên Định Quán. Theo ông Văn, trên H.Định Quán có heo lai, heo rừng, nguồn hàng đầy đủ, giá rẻ. Sau đó, ông Văn lấy trong túi áo ra 5 lọ nhỏ bằng ngón tay, nói: “Có lấy cái này không?”. ông P.: “Mấy cc bác?”. Ông Văn: “Một cái là một trăm ba”.
Theo xác minh từ Hạt kiểm lâm H.Vĩnh Cửu, ông Lê Quốc Văn là thành viên của tổ kiểm lâm cơ động thuộc Hạt kiểm lâm H.Vĩnh Cửu.
Tại địa bàn xã Hiếu Liêm, một số trại nuôi hươu nai còn nhận cung ứng mật gấu. Sáng 30-8, qua điện thoại, ông Ngọc – chủ trại nuôi hươu nai ở xã Hiếu Liêm – lần lượt báo giá mật gấu lẻ là 40.000 đồng/cc, giá bán sỉ (từ hàng trăm cc trở lên) là 35.000 đồng/cc. Ông này giới thiệu mật gấu này chích hút nguyên chất từ gấu nuôi của người quen ngoài tỉnh Nghệ An.
Ông Ngọc nói theo quy định thì cho nuôi gấu nhưng không được hút mật. Ông có quen người trong ngành kiểm lâm mách nước rằng không được đề bảng ghi chữ “mật gấu” mà ghi là “cao, mật”. Nếu bị hỏi thăm thì chỉ nói bán cao trăn, cao chó, cao mèo, mật ong, mật trăn…, không nói đến từ “gấu”.
Đủ thứ thú rừng được rao bán
Qua trạm kiểm soát cửa rừng (thuộc xã Hiếu Liêm, H.Vĩnh Cửu) men theo con đường đất đỏ vào sâu hơn chục cây số là tới quán nước của bà Trâm. Khi vừa nghe có người đang tìm hàng, bà Trâm không ngần ngại ra giá từng loại thú rừng cụ thể. Heo rừng giá 250.000 đồng/kg, chồn mướp từ 900.000-950.000 đồng/kg, chồn đèn 400.000 đồng/con…
Theo bà Trâm, thú rừng do cánh thợ săn đánh bẫy được, bà thu mua rồi tuồn ra khu vực chợ Hiếu Liêm (xã Hiếu Liêm) cho các mối quen. Nếu cần đánh hàng về TP.HCM, bà Trâm sẽ giới thiệu người vận chuyển.
Còn ông Thư, có trại heo lai cách quán nước bà Trâm vài trăm mét, khẳng định luôn có các tay săn thú cung ứng đầy đủ từ hàng sống đến hàng chết. Để có hàng đa dạng về chủng loại, cánh thợ săn sử dụng bẫy “bát quái” để bắt thú. Với loại bẫy này thì thú rừng từ lớn đến nhỏ sẽ theo lưới chui vào lồng. Ông Thư còn nói nếu ông P. không nhận hàng ở bến đò của xã Hiếu Liêm, ông sẽ cho người chở xuống tận TP.HCM.
Ông Thư báo giá heo rừng giao tận TP.HCM là 200.000 đồng/kg, cheo rừng sống là 550.000 đồng/kg… Còn hổ mang chúa loại từ 1,1-2kg giá 1,1 triệu đồng/kg, loại 2-5kg giá 1,4 triệu đồng/kg, mễn là 200.000 đồng/kg. Lát sau, ông Thư cầm bình rượu ra giới thiệu, trong bình có ba con heo rừng to hơn cổ tay vẫn còn cuống rốn.
Theo ông Thư, ba con heo này nằm trong bụng heo rừng mẹ mới một tháng tuổi. Sau khi làm thịt heo mẹ, ông ngâm rượu ba con heo này với củ mật nhân rừng. Với bình rượu này phải được 3 triệu đồng ông mới bán. Ngoài ngâm rượu heo rừng chưa mở mắt, ông Thư còn ngâm rượu cả bào thai khỉ. “Tao bắn con khỉ mẹ đang có bầu khoảng 5kg, tao mổ ra nó có bào thai bằng này (ông Thư giơ bàn tay) cho ngâm rượu” – ông Thư nói.
Nguồn tin: Báo Tuổi Trẻ