Tiếng kêu cứu từ đặc khu Tam giác vàng
Đã hơn một năm trôi qua nhưng Trung tá Phan Văn Yên, Phó trưởng phòng Phòng chống ma túy và tội phạm Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh vẫn chưa quên được cảm giác khi tận mắt xem nhìn những vết thương trên thân thể các nạn nhân trong đường dây mua bán người. Những cô gái chỉ mới 13, 15 - độ tuổi ngây thơ, trong sáng nhưng đã bị ép tiếp khách, đánh đập, hành hạ, tay, chân chi chít sẹo.
"Có những em về đến cửa khẩu Cầu Treo là òa khóc. Nhìn trên tay, chân đầy sẹo là hiểu những nỗi đau mà các em đã trải qua thế nào", Trung tá Yên nói.
Một trong những lá thư kêu cứu của các nạn nhân gửi về Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh. |
Trung tá Yên cho hay, khoảng đầu năm 2023, Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh liên tục nhận được những lá thư kêu cứu của nhiều nạn nhân gửi về từ Bokeo (Lào). Những lá thư mang về Việt Nam qua các nạn nhân bỏ trốn được hoặc được gửi qua những người từng gặp các nạn nhân tại đặc khu kinh tế Tam giác vàng. Khi về đến cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo, những lá thư này đã được chuyển tới Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh.
Từ những dòng chữ nguệch ngoạc trên, Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh xác định, có một đường dây mua bán người tại đặc khu kinh tế Tam giác vàng nên đã báo cáo cấp trên, chủ trì, phối hợp với các chức năng giải cứu những nạn nhân này.
Trung tá Phan Văn Yên không thể quên được hình ảnh các nạn nhân đã phải chịu đựng nơi xứ người. |
Từng là trinh sát ma tuý, bám vùng biên giới tại cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo giáp ranh với nước bạn Lào, Trung tá Yên hiểu rõ địa hình và đặc điểm tình hình các loại tội phạm ở khu vực này. Anh và đồng đội xác định việc giải cứu các nạn nhân sẽ vô cùng khó khăn khi địa bàn hoạt động của bọn buôn người kiêm "má mì" nằm ngoài lãnh thổ Việt Nam. Ngoài ra, thủ đoạn của bọn chúng còn rất đỗi tinh vi, thường xuyên thay tên đổi họ, thay đổi địa điểm hoạt động ngay khi có "động". Trong khi, hàng chục nạn nhân lại đang bị "giam lỏng" trong tay bọn chúng. Giải cứu nhưng làm sao để an toàn nhất cho các nạn nhân, an toàn nhất trên đất nước bạn là điều khiến ban chuyên án phải "căng não".
Các nạn nhân đầu tiên được giải cứu, đưa về qua cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo. |
Sau một thời gian trinh sát, tháng 5/2023, Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh đã tổ chức giải cứu thành công 06 nạn nhân quê Hà Tĩnh. Đây là những nạn nhân đầu tiên được giải cứu đưa về Việt Nam an toàn. Sau cuộc giải cứu này, nắm được thông tin, nhiều nạn nhân tiếp tục gửi thư kêu cứu về quê nhà.
Mở ra chuyên án buôn người mới
Từ cuộc giải cứu 06 nạn nhân của Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh, những thông tin, manh mối của đường dây mua bán người dần "hiện hình". Cơ quan điều tra xác định, có một đường dây mua bán người, lừa đảo quy mô lớn mà nạn nhân là các công dân Việt Nam đang hoạt động âm thầm tại đặc khu kinh tế Tam giác vàng.
Bằng quyết tâm cao, sự phối hợp nhịp nhàng của nhiều lực lượng, một chuyên án đã được Công an tỉnh Hà Tĩnh xác lập, quyết tâm triệt phá.
Cuối tháng 5/2024, Công an tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh và lực lượng chức năng Lào tiếp tục giải cứu thành công, đưa 36 công dân Việt Nam (trong đó có 22 người Hà Tĩnh) từ Bokeo về nước an toàn. 4 đối tượng cầm đầu trong đường dây mua bán người, lừa đảo chiếm đoạt tài sản xuyên quốc gia cũng đã bị bắt giữ. Các nghi phạm gồm: Lê Xuân Thành (35 tuổi), Lê Anh Tuấn (34 tuổi), Dương Anh Điện (38 tuổi), cùng trú tại Tx.Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh và Lê Thanh Trầm (46 tuổi), trú tại huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An.
36 nạn nhân được Công an Hà Tĩnh phối hợp Cục Phòng chống mua bán người - Bộ Công an Lào và Công an tỉnh Bokeo giải cứu. |
Theo tài liệu điều tra, từ cuối năm 2023, Lê Xuân Thành và Lê Anh Tuấn sang Lào làm việc cho một tổ chức tội phạm người Trung Quốc tại đặc khu kinh tế Bokeo (thuộc tỉnh Bokeo, Lào). Thành và Tuấn được giao nhiệm vụ sử dụng mạng xã hội để lừa đảo người Việt Nam đầu tư vào các app lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản.
Từ tháng 11/2023 đến 4/2024, Thành cùng đồng bọn dùng mạng xã hội để tuyển dụng người sang Thái Lan lao động bằng lời hứa "việc nhẹ lương cao". Với phương thức, thủ đoạn này, đường dây do Thành và đồng bọn cầm đầu đã đưa 22 người Hà Tĩnh qua cửa khẩu Tây Trang (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) đến đặc khu kinh tế Bokeo và giao cho tổ chức tội phạm người Trung Quốc.
4 đối tượng cầm đầu bị Công an Hà Tĩnh bắt giữ. |
Số người này bị chúng ép làm việc bằng cách lập tài khoản mạng xã hội để nhắn tin, gọi điện lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người Việt Nam. Họ còn bị thu hết hộ chiếu, giam lỏng, đánh đập và không trả lương. Nếu không chịu làm việc thì bị ép gọi điện về cho người nhà tại Việt Nam để đòi tiền chuộc...
Tác giả: Bùi Thị Ngân
Nguồn tin: nguoiduatin.vn