|
Tâm sự của người bố
“Thay vì những câu nói thông thường như ‘con nhớ gọi nhé’ hay ‘con cần thêm tiền không’ thì lời xin lỗi là tất cả những gì tôi muốn nói với con khi đó. Cũng như những người làm cha mẹ khác, tôi luôn lo lắng về tương lai của con bé. Nó sẽ không thể thoát khỏi một thế giới bị gieo rắc nỗi sợ hãi khủng bố từ sau 11/9”, anh Van Buren tâm sự.
Mùa thu năm 2016, vào dịp tưởng niệm 15 năm vụ khủng bố kinh hoàng cướp đi sinh mạng của 3.000 người, Trung tâm Nghiên cứu Pew công bố số liệu khiến nhiều người quan ngại: số người Mỹ tin rằng đất nước của họ dễ bị khủng bố tấn công hơn cả trước giai đoạn 11/9 lên đến 40%. Đây là con số cao nhất từ trước đến nay.
Cách đó vài ngày, Tướng Mark Milley, Tham mưu trưởng Lục quân Mỹ, khẳng định mối đe dọa vẫn rất nghiêm trọng: "Những kẻ thù đó, những thành viên các băng đảng khủng bố, vẫn nuôi ý định về một 11/9 khác để tiêu diệt sự tự do của chúng ta, giết hại người dân, các gia đình, hủy diệt nước Mỹ".
"Tất cả những nỗi sợ hãi đó khiến nước Mỹ trở thành cỗ máy gieo rắc hỗn loạn ở nước ngoài, trong khi tước dần những sự tự do ngay tại quê nhà. Nước Mỹ trước 11/9 là một thế giới hoàn toàn khác mà con gái tôi và những bạn cùng lứa của nó sẽ không bao giờ có thể biết được", Van Buren giải thích.
|
Van Buren là viên chức có thâm niên ở Bộ Ngoại giao Mỹ (1988-2012) nên gia đình và các con anh thường di chuyển sống ở nhiều nước khác nhau. Vào khoảng thập niên 1990, anh nghĩ chiến tranh là khái niệm trừu tượng. “Chúng tôi đến Áo năm 1991 nhưng rất ít người lo sợ xung đột Balkan có thể tràn qua biên giới hay các tay súng khủng bố tấn công vào Vienna”.
Ngay cả cuộc chiến lớn nhất giai đoạn đó, Chiến tranh Vùng Vịnh năm 1991, cũng không ảnh hưởng đến cuộc sống riêng tư của gia đình Van Buren. “Khi đó tôi nhận công tác ở Đài Loan và các con tôi không cần biết gì về chuyện xảy ra ở Kuwait hay Iraq, cũng không phải lo sợ về khủng bố”.
Khủng bố 11/9 đã thay đổi tất cả những điều này. “Khi đó tôi nhận nhiệm vụ ở Nhật Bản. Tôi hoàn toàn bị sốc và theo dõi tất cả các bản tin. Chuông điện thoại reo và tôi được yêu cầu đến đại sứ quán để tăng ca (giờ Nhật Bản khi đó là ban đêm). Vợ tôi hỏi với vẻ đầy lo lắng: ‘Tại sao họ lại gọi anh? Chúng ta đang ở Tokyo cơ mà?’”.
Không có nhiều thời gian giải thích, Van Buren lên đường đến cơ quan ngay “vì lý do an ninh khẩn cấp”. Tuy nhiên, cuộc gọi cấp bách lúc đêm muộn không làm các con của anh thức giấc.
Sinh nhật con gái của Van Buren cũng là ngày Tổng thống George W. Bush phát động chiến dịch quân sự ở Iraq năm 2003, nhưng khi đó anh không thể có mặt ở nhà do vướng bận công việc tại Bộ Ngoại giao. Đến năm 2005, anh lại lỡ hẹn với con gái vào dịp này, khi Van Buren phải đi công tác Thái Lan để hỗ trợ Hải quân Mỹ thành lập một căn cứ tạm thời ở đây. Mãi sau này anh mới biết đó là nơi bí mật mà CIA dùng để tiến hành các hoạt động tra tấn.
|
|
Trong chính nước Mỹ, cuộc chiến chống khủng bố cũng trở thành ác mộng. Washington cho phép giam giữ nghi can khủng bố vô thời hạn. Sở cảnh sát khắp nước Mỹ bí mật nhập thiết bị gián điệp quân sự. Tòa án quy định các gia đình không được phép kiện trong trường hợp con cái họ nằm trong danh sách tiêu diệt của chính phủ.
Vào thời điểm những chiếc máy bay oan nghiệt của al Qaeda đâm vào Trung tâm thương mại Thế giới và Lầu Năm Góc, chỉ có 16 cái tên trong danh sách cấm bay của Mỹ. Con số đó giờ đã tăng lên hàng chục nghìn và vẫn tiếp tục cập nhật không ngừng.
Năm 2013, nhân viên Cơ quan An ninh Quốc gia Edward Snowden tiết lộ Mỹ đã trở thành quốc gia có hoạt động do thám và giám sát lớn nhất trong lịch sử nhân loại. Cả thế giới bàng hoàng, nhưng Richard Haass, chủ tịch Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Mỹ, cho rằng để có được an toàn, an ninh, thì tự do là thứ phải đánh đổi.
Đó cũng là những thay đổi đột ngột, quyết liệt khiến Peter Van Buren cảm thấy khó khăn khi giải thích với con gái.
“Khi tiễn con trở về trường, tôi rất muốn xin lỗi con về những hành động của thế hệ tôi khiến cuộc sống sau này của các con trở nên hỗn loạn. Thậm chí chúng tôi chẳng những không thể đánh bại khủng bố như cách mà thế hệ cha ông của tôi đã đánh bại quân Đức quốc xã, mà còn tạo cho chúng cái cớ để hoạt động khôn ngoan hơn, bành trướng hơn. Al Qaeda đã đặt bẫy 11/9 và chúng tôi đã mắc kẹt kể từ đó”, Van Buren nói.
Bài học từ sự lơ là: Afganistan và chiếc hộp Pandora
Ngay sau thảm kịch 11/9, chính phủ Mỹ nhận ra sai lầm nghiêm trọng của họ là bỏ quên quá lâu Afghanistan khiến mảnh đất trở thành cái nôi của những kẻ khủng bố.
Trước ngày máy bay lao vào tòa tháp đôi ở New York, Afghanistan là một đất nước nghèo túng và bị lãng quên. Nằm lọt thỏm giữa vùng lục địa mà xung quanh là các hàng xóm hiếu chiến, Afghansitan trở thành chiến trường trong các cuộc chiến bình phong kể từ năm 1979. Sau Chiến tranh Lạnh, người Afghanistan kỳ vọng Mỹ và các đồng minh Hồi giáo sẽ hỗ trợ họ tái thiết đất nước.
Tuy nhiên, Washington đã quay lưng với kỳ vọng này của người Afghanistan. Tình thế tạo cơ hội cho một số thế lực trong khu vực, mà điển hình là Pakistan, xây dựng sự ảnh hưởng ở Afghanistan. Nước này tạo ra lực lượng ủy nhiệm là Taliban ở Afghanistan, dần dần tàn phá rồi thậm chí lật đổ chính quyền Kabul suy yếu vào tháng 9/1996.
Song song đó, Taliban che chở cho Al Qaeda cũng như thủ lĩnh nhóm này là Osama bin Laden bất chấp sự phản đối của Mỹ. Không lâu sau, Al Qaeda gây ra vụ đánh bom đại sứ quán Mỹ ở Kenya và Tanzania năm 1998, rồi đánh bom tàu chiến USS Cole của Mỹ tại Yemen vào năm 2000.
Dưới sự hoành hành của Taliban, Afghanistan như trở thành thánh địa của những băng đảng tội phạm và các nhóm khủng bố xuyên biên giới, không những hoạt động an toàn mà còn phát động tấn công các mục tiêu Mỹ trên toàn thế giới.
Thức giấc với ác mộng
Sáng 11/9, người Mỹ thức giấc và đối diện với hậu quả của sai lầm do bỏ bê Afghanistan suốt một thập kỷ. Chính sự lơ là này góp phần dẫn đến một Afghanistan vô kiểm soát, nơi các phiến quân Taliban và Al Qaeda lên kế hoạch khủng bố khiến gần 3.000 người Mỹ thiệt mạng.
Mỹ vẫn tự hào mình là quốc gia bất khả xâm phạm. Do vậy, vụ tấn công khủng khiếp nhất đối với Washington kể từ sau Trân Châu Cảng đã khiến niềm kiêu hãnh lung lay, Mỹ như con hổ bị thương lồng lên trong khải huyền 11/9.
Hậu quả khủng khiếp này khiến người Mỹ tính đến chuyện trở lại Afghanistan và nhanh chóng lật đổ triều đại của Taliban. Chỉ một tháng sau đó, Tổng thống George W. Bush đáp trả bằng việc phát động cuộc chiến tại Afghanistan và Iraq.
“Chúng tôi đã mở chiếc hộp Pandora”, cựu Đại sứ Mỹ tại Iraq và Afghanistan Zalmay Khalilzad nhận định. Ông cũng cảnh báo cuộc tấn công nhiều khả năng dẫn đến chiến tranh khu vực và sự trỗi dậy của những kẻ sùng đạo cực đoan có thể “khiến Taliban ở Afghanistan chỉ còn giống như trò con trẻ”.
Ít người Mỹ nào 16 năm trước có thể tưởng tượng được cuộc săn lùng "kiến trúc sư trưởng" của Al Qaeda lại trải dài từ Tây Phi qua Philippines và kéo dài qua hai đời tổng thống.
|
Tổng thống thứ 6 của Mỹ John Qincy Adams từng phát biểu trước quốc hội năm 1821 rằng chính quyền cần thực thi một chính sách đối ngoại kiềm chế. Ông cho rằng cần hết sức tránh rơi vào bẫy đầu tư cho các chiến dịch nước ngoài để "tìm kiếm kẻ thù và tiêu diệt". Tuy nhiên, sự kiện ngày 11/9 khiến Tổng thống George W. Bush như quên hẳn lời răn dạy của cố nhân.
Chiến sự ở Afghanistan và Iraq trở thành hai cuộc chiến sa lầy nhất và gây tổn thất đáng kể cho Mỹ.
Đến tháng 8/2016, số lượng lính Mỹ thiệt mạng trong Chiến dịch Bảo đảm Tự do (OEF - tên gọi chính thức của kế hoạch Chiến tranh chống khủng bố toàn cầu, GWOT, giai đoạn 2001-2014) và Chiến dịch Canh gác Tự do (OFS - tên gọi mới từ năm 2014 sau khi NATO chính thức kết thúc tham gia) ở Afghanistan đến 2.383 người. Cộng với 4.504 quân nhân Mỹ thiệt mạng trong Chiến tranh Iraq thì con số thương vong trong hai cuộc chiến đến gần 7.000. Nếu tính cả những đối tác dân sự người Mỹ tử vong tại hai chiến trường này thì con số có thể lên tới 10.000.
Bên cạnh đó là khoảng 50.000 binh sĩ Mỹ bị thương sau hai cuộc chiến, còn phí tổn chiến tranh khoảng 4.000-6.000 tỷ USD.
Ngày nay, sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Trung Đông ngày càng trở nên thường trực. Hàng nghìn lính Mỹ vẫn đóng ở Iraq và Afghanistan. Dường như tốc độ thả bom của Mỹ xuống Iraq, Syria và Libya còn nhanh hơn tốc độ chế tạo ra chúng. Mỹ cũng hậu thuẫn Saudi Arabia trong cuộc chiến tại Yemen.
Thế nhưng, cuộc chiến Afghanistan kéo dài, Iraq vẫn bất ổn, Libya và Syria vẫn xung đột đẫm máu, Yemen khủng hoảng nhân đạo, tiến trình hòa bình giữa Israel và Palestine bế tắc. Phong trào biểu tình đòi dân chủ “Mùa xuân Arab” kết thúc trong hỗn loạn. Chiến tranh ở Trung Đông “tặng” cho Châu Âu cuộc khủng hoảng di cư lớn nhất lịch sử và đẩy lục địa già vào họng súng khủng bố.
Nước Mỹ có an toàn hơn?
Cách đây hơn 15 năm, trong buổi điều trần trước một tiểu ban thuộc Ủy ban Quân lực Thượng viện, ông Brian Michael Jenkins (Cố vấn cấp cao của Chủ tịch Tập đoàn RAND) được một nghị sĩ hỏi rằng: “3 tháng đã trôi qua kể từ ngày 11/9 và không có bi kịch nào xảy ra thêm, theo ông chúng ta đã vượt qua giai đoạn đen tối chưa”?
"Như được ban cho quyền năng tiên tri của Nàng Cassandra, tôi đã nói với các thượng nghị sĩ hồi năm 2001 rằng kể cả khi Cuộc chiến toàn cầu chống khủng bố (GWOT) kéo dài tới 15 năm thì Mỹ sẽ vẫn phải liên tục không ngừng tiêu diệt Al Qaeda và bè lũ của chúng", ông Jenkins nói.
Đồng quan điểm này, nhà báo kỳ cựu của New York Times, Thomas Friedman, khẳng định các cuộc chiến hậu 11/9 sẽ không thể có kết cục như những trận chiến mà quân đội Mỹ từng tham gia trước đây. “Trận Trân Châu Cảng kết thúc với một châu Á ổn định hơn và một Nhật Bản dân chủ. Trận Normandy đẫm máu kết thúc bằng một nước Đức dân chủ. Nhưng thảm kịch 11/9 lại có thể kéo ra những vụ tương tự nhiều hơn thế”.
|
Theo Friedman, điểm chung của trận Trân Châu Cảng và Normandy là “chống lại một nhà nước”. “Anh có thể khôi phục, xây dựng lại nhà nước ấy bằng cách hợp tác với người dân. Nhưng nguyên nhân vụ 11/9 không phải một nhà nước, mà là phong trào Hồi giáo thánh chiến. Anh không thể tiêu diệt cả một tư tưởng”.
Các thượng nghị sĩ Mỹ của năm 2001 hẳn sẽ rất vui mừng khi biết rằng đến năm 2017, không một kẻ khủng bố nào có thể gây ra thêm một vụ tấn công quy mô lớn trên đất Mỹ như vụ 11/9. Chúng thậm chí còn không thể bén mảng tới gần. Cảnh sát liên bang và tiểu bang đã phối hợp chặt chẽ để phá hơn 90% âm mưu khủng bố của các phần tử cực đoan trong lòng nước Mỹ. Việc hợp tác giữa những cơ quan tình báo và hành pháp ở các nước khiến cơ hội để khủng bố ra tay ngày càng khó khăn, môi trường hoạt động bị siết chặt.
“Tỷ lệ nguy cơ thiệt mạng do tấn công khủng bố ở Mỹ ngày càng nhỏ gần giống cơ hội có thể trúng số. Nước Mỹ rõ ràng là đã an toàn hơn”, ông Jenkins nói.
Tuy nhiên, cảm nhận của người dân lại hoàn toàn khác biệt với các số liệu. Ám ảnh về một vụ tấn công bất ngờ khiến họ tin rằng không ai có thể an toàn và bạo lực có thể xảy ra bất kỳ đâu. Một số hãng truyền thông thổi phồng về các mối đe dọa trong khi không ít nhà phê bình đề cập đến viễn cảnh thảm họa. Những cuộc khảo sát đưa ra kết luận không phải dựa trên yếu tố khủng bố có thể, hoặc đã, gây ra gì, mà là người ta sợ chúng có thể làm được những gì. Người Mỹ ngày càng ám ảnh với với nỗi lo sợ khủng bố.
|
Khảo sát của Gallup qua các năm cho thấy sự lo ngại của người Mỹ về nguy cơ tấn công khủng bố có chiều hướng giảm dần trong giai đoạn 2003 - 2014, nhưng rồi lại tăng đáng kể sau những vụ khủng bố ở châu Âu (tại Bỉ và Pháp) do phiến quân Hồi giáo gây ra, hoặc các vụ xả súng tại Mỹ bởi những phần tử bị cực đoan hóa. Đến tháng 3/2016, số người Mỹ nói "vô cùng lo lắng" về nguy cơ bị khủng bố trong nước lên đến 48%.
Trong bài xã luận trên Los Angeles Times đầu tháng 6/2017, nghị sĩ Rand Paul (đảng Cộng hòa, Ủy ban Đối ngoại Thượng viện) và nghị sĩ Ro Khanna (Đảng Dân chủ, Ủy ban Quân vụ Hạ viện) cho rằng các chiến dịch can thiệp của Mỹ đang không hiệu quả và thậm chí khiến nước Mỹ kém an toàn hơn.
Theo hai vị này, cuộc chiến ở Iraq hay việc can thiệp vào Yemen và Syria đều vấp phải những sai lầm chiến lược. Nếu như sau vụ 11/9, Al Qaeda đã bị dồn chân và chủ yếu hoạt động ở Afghanistan và Pakistan, thì ngày nay phiến quân IS đang cố gắng bành trướng ra toàn thế giới. “Chúng ta gây thêm bất ổn cho khu vực và góp phần củng cố một thế hệ những nhóm khủng bố mới”, bài xã luận chung nhận định.
Sau vụ 11/9, hợp tác tình báo giữa Mỹ và Saudi Arabia sau loạt khủng bố ngày càng chặt chẽ hơn. Cố vấn an ninh nội địa của Tổng thống George W. Bush, Frances Fragos Townsend từng nói: “Những nước như Saudi Arabia hiểu kẻ thù của Mỹ hơn chính Mỹ, cả về mặt văn hóa và quân sự”.
Trong cuộc nội chiến ở Yemen năm 2015, Mỹ hỗ trợ vũ trang cho Saudi Arabia để dẫn đầu liên quân Arab tấn công phiến quân Houthi (một tổ chức thân Iran) nổi dậy tại Yemen. Tuy nhiên, chính phủ Mỹ không chỉ trở thành mục tiêu căm phẫn của hàng triệu người dân Yemen, mà điều tồi tệ hơn là người Saudi lại hình thành liên minh tạm thời với nhóm Al Qaeda ở bán đảo Arab (AQAP) để chống lại Houthi. Qua việc hỗ trợ Saudi Arabia, Mỹ dường như đang tạo cơ hội để Al Qaeda lấy lại sức mạnh.
|
Thay vì thay đổi cách tiếp cận, chính quyền Trump năm ngoái đã hào hứng xúc tiến “thương vụ buôn bán vũ khí đơn lẻ giá trị nhất lịch sử” với người Saudi trị giá 350 tỷ USD trong 10 năm. Kế hoạch này được công bố không lâu sau khi quốc hội bỏ phiếu đa số để cho phép các gia đình nạn nhân 11/9 khởi kiện chính phủ Saudi Arabia vì tình nghi liên quan đến những kẻ chủ mưu trong vụ khủng bố. “Việc tiếp tục vũ khí hàng tỷ USD đến Saudi Arabia sẽ càng khiến tình hình khu vực rối ren hơn nữa chứ không thể tiêu diệt khủng bố”, Thượng nghị sĩ Rand Paul và Hạ nghị sĩ Ro Khanna khẳng định.
Nhà báo Thomas Friedman nhận định hình tượng rằng: “Trong quá khứ, chúng ta đối xử với Trung Đông như thể họ là một tổ hợp các trạm xăng dầu khổng lồ. Nội dung mặc cả duy nhất giữa chúng ta với họ là ‘Hãy để máy bơm luôn mở, giữ giá thấp, ít gây chuyện với người Israel lại, để yên cho người Do Thái, rồi các người muốn làm gì thì làm, rao giảng những ý tưởng điên cuồng tùy thích’”.
Với cách tiếp cận này, ông Friedman cho rằng Mỹ thực sự không quan tâm về các vấn đề quyền phụ nữ, thất nghiệp ở thanh niên hay hàng loạt vấn đề khác ở Trung Đông, “miễn là luôn có dầu với giá thấp. Sự thờ ơ và lơ là này là một trong những nguồn gốc khiến chúng ta bị phản đòn qua vụ 11/9”.
Nhưng điều khiến ông Friedman lo ngại hơn là cách đối xử của Mỹ với thế giới Arab hiện nay cũng không khác cách đây hơn 15 năm. “Chúng ta cũng lại tiếp tục nói với các nước này rằng ‘Hãy giữ yên bọn khủng bố rồi chúng tôi sẽ chu cấp những thứ các người muốn’”.
Chiếc hộp Pandora đã được mở, không còn cách nào vớt lại được những hạt mầm xấu, nhưng cũng như hạt “Hy vọng” còn sót lại, nước Mỹ và thế giới vẫn tin vào một lối thoát cho cuộc chiến chống khủng bố tưởng như không có hồi kết này.
Đối với người cha Peter Van Buren, anh biết rằng con gái của mình đã đủ trưởng thành để hiểu về những chuyện đang diễn ra. “Dù chúng không có cơ sở nào để so sánh với trước đó. Tuy nhiên, tôi nói với con rằng: ‘Nếu ai đó có thể chấn chỉnh lại sự hỗn loạn này thì đó chính là thế hệ của các con. Bố mong các con có thể làm được những điều tốt đẹp hơn thế hệ của chúng ta đã từng’”.
|
Tại Emma E Booker, ngôi trường Tổng thống Bush ghé thăm vào ngày 11/9/2001, người ta dựng một góc nhỏ để tưởng niệm khoảnh khắc kinh hoàng năm ấy.
"Khi bảy tuổi, bạn nghĩ rằng con người rất tốt bụng và chẳng tin vào những thứ xấu xa. Thực tế lại khác, tôi đã nhận ra rằng có những thứ cứ xảy ra dù chúng ta chẳng hề muốn", một học sinh có mặt trong căn phòng ngày hôm ấy cho biết.
Có những thứ xảy ra dù chúng ta chẳng hề muốn.
Chúng ta không muốn chứng kiến những sinh mạng vô tội đột nhiên biến mất khỏi thế gian bởi những quả bom vô nghĩa hay những chiếc xe độc ác lao vào đám đông.
Những giây phút kinh hoàng tại Mỹ ngày 11/9/2001 Tiếng la thất thanh "Ôi lạy Chúa tôi" từ những người nhìn thấy cảnh chiếc máy bay khủng bố lao vào tòa tháp đôi ở New York 16 năm trước sẽ mãi mãi là nỗi ám ảnh của nhân loại.
Tác giả: Cảnh Toàn
Nguồn tin: Báo Zing