Veijo Rönkkönen được coi là một nghệ sỹ ẩn dật và bí ẩn người Phần Lan. Ông hầu như chẳng đi đâu trong suốt cuộc đời mình, và chỉ dành thời gian 41 năm làm việc trong một nhà máy giấy. Đến cuối đời, ông về sống ở nông trại của mình. Chưa từng trải qua lớp huấn luyện đào tạo nào, nhưng sau khi qua đời vào năm 2010, ông đã để lại một khu rừng ma mị với hàng trăm tác phẩm kỳ lạ.
|
Đó là một khu rừng bao quanh nhà, được ông dựng nên với các tác phẩm điêu khắc. Đó là những tác phẩm mô phỏng đủ mọi loại nhân vật với nhiều lứa tuổi, văn hóa, trong trạng thái cảm xúc khác nhau. Tuy nhiên, hình dáng kỳ dị của chúng khiến người xem rợn tóc gáy khi bước vào trong.
|
Khi nghệ sỹ ẩn danh này qua đời, người ta gọi nó là khu rừng điêu khắc Veijo Rönkkönen mang tên của ông. Dù kỳ lạ nhưng nơi này thu hút tới hơn 20.000 lượt khách ghé thăm mỗi năm. Du khách không chỉ đắm chìm trong không gian nghệ thuật, còn bị ám ảnh bởi không khí u ám của khu rừng. Một số bức tượng còn được giấu loa bên trong, tạo nên hiệu ứng âm thanh rùng rợn.
|
Hầu hết các bức tượng của Rönkkönen khá kỳ quái với những tư thế khác lạ. Du khách có thể thấy những bức tượng hình trẻ nhỏ ôm nhau, tư thế tập yoga, hay một số bức sống động như thật với hàm răng giống hệt con người.
|
Sinh năm 1044, Rönkkönen bắt đầu làm việc từ năm 16 tuổi tại một nhà máy. Người dân địa phương kể lại, ông đã dùng món tiền lương đầu tiên của mình để gom góp dựng riêng một khu rừng điêu khắc. Suốt nửa thế kỷ, nơi này hiện chứa hơn 250 tác phẩm do chính Rönkkönen tạo nên.
|
Được biết, nơi này được xem như bức tranh phản ánh cuộc sống nội tâm của tác giả. Qua nhiều bức tượng, du khách cảm nhận được từng động tác mô phỏng cuộc sống hàng ngày.
|
Theo tương truyền, khi còn sống, Rönkkönen từng nhận nhiều lời đề nghị mang các tác phẩm tới nơi khác trưng bày. Tuy nhiên, ông đều từ chối và nói rằng cần bàn bạc với tượng của mình. Và lần nào cũng thế, các bức tượng không đồng ý đi khỏi nơi quen thuộc.
|
Sau này người nghệ sỹ Phần Lan này qua đời, khu rừng kỳ bí được một thương gia có tên Reino Uusitalo mua lại với giá 140.000 Euro. Sau đó, nơi này mở cửa cho khách du lịch tới tham quan chiêm ngưỡng.
Tác giả: Hoàng Hà
Nguồn tin: Báo Dân trí