Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Bình tống đạt quyết định khởi tố đối với bị can Nguyễn Thanh Long. |
Bắt 2 phó giám đốc trung tâm đăng kiểm tại Quảng Bình về hành vi nhận hối lộ
Theo đó, vào ngày 6/7/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Bình đã tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Nguyễn Thanh Long, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 73-01S thuộc Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Bình về tội “Nhận hối lộ”, quy định tại Khoản 3, Điều 354 Bộ luật Hình sự.
Qua điều tra xác định Nguyễn Thanh Long đã cấu kết với các đối tượng khác lập khống hồ sơ cải tạo xe cơ giới để làm thủ tục cấp giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới cải tạo cho 71 xe ô tô từ năm 2021 đến 2022 nhằm thu lợi bất chính với tổng số tiền 623 triệu đồng.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Bình thi hành lệnh bắt tạm giam bị can Trần Lê Trung. |
Cùng ngày, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh cũng đã tống đạt quyết định khởi tố vụ án, bị can và lệnh tạm giam đối với Trần Lê Trung (Phó Giám đốc Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 73-03D) về tội “Nhận hối lộ”, quy định tại Khoản 2, Điều 354 Bộ luật Hình sự.
Lợi dụng là đăng kiểm viên bậc cao, Trần Lê Trung đã tự kết cấu với các đối tượng khác để làm hồ sơ cải tạo xe nhằm trục lợi cá nhân.
Bước đầu xác định, 2 bị can này đã nhận tiền của các chủ phương tiện có xe cơ giới cải tạo, cấu kết với các đối tượng lập khống hồ sơ cải tạo xe, cấp giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường cho các chủ phương tiện này. Tổng cộng số tiền mà 2 bị can này nhận từ các chủ phương tiện trên 950 triệu đồng.
Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Bình đang tiếp tục điều tra làm rõ vụ án.
Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 72-03D. |
Giám đốc đăng kiểm cùng nhân viên nhận hối lộ hơn 700 triệu đồng
Trước đó, ngày 1/7, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết đã phê chuẩn các Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đối với Nguyễn Hòa Quất (SN 1982) - Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 72-03D và Bùi Chiến Thắng (SN 1988) - Đăng kiểm viên thuộc Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 72-03D tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu về tội “Nhận hối lộ”.
Cuối giờ chiều 30/6, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã thi hành xong việc tống đạt các quyết định tố tụng và bắt các bị can để tạm giam.
Kết quả điều tra bước đầu xác định từ năm 2019 đến khoảng đầu năm 2023, Nguyễn Hòa Quất và Bùi Chiến Thắng là Đăng kiểm viên Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 72-03D (địa chỉ tại thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) đã nhiều lần thỏa thuận trực tiếp hoặc qua trung gian nhận tiền của chủ phương tiện đối với 68 hồ sơ cải tạo (hoán cải) xe ô tô vận tải để bỏ qua sai phạm, thiếu sót trong hồ sơ nghiệm thu, cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật cho các phương tiện ô tô vận tải sai quy định.
Tổng số tiền các đối tượng Nguyễn Hòa Quất và Bùi Chiến Thắng đã nhận là 701 triệu đồng.
Hiện vụ án đang được các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu điều tra mở rộng đối với hành vi của các bị can nhận hối lộ, các đối tượng đưa hối lộ và các đối tượng môi giới hối lộ để xử lý theo quy định.
Sai phạm trong lĩnh vực đăng kiểm để lại hậu quả vô cùng lớn
Liên quan đến vụ án đăng kiểm, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Văn Yên cho rằng, sai phạm trong lĩnh vực này liên quan trực tiếp đến Cục Đăng kiểm Việt Nam là sai phạm có tổ chức, kéo dài nhiều năm, liên quan đến nhiều người, nhiều cấp độ khác nhau, giá trị tiêu cực tính bằng tiền không lớn nhưng hậu quả để lại cho xã hội vô cùng lớn.
“Một năm tai nạn giao thông làm mất đi từ 8 đến 10 nghìn người, trong đó có lỗi của đăng kiểm. Một mạng người chết đã là đặc biệt nghiêm trọng rồi, trong khi có nhiều người chết.
Vấn đề là xử lý thế nào để không ảnh hưởng đến hoạt động bình thường trong lưu thông phát triển kinh tế xã hội, không ảnh hưởng đến người dân.
Chính vì vậy, Ban Chỉ đạo đã giao các cơ quan chức năng ngồi bàn bạc với nhau để có giải pháp xử lý phù hợp nhất”, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương nhấn mạnh.
Đồng chí Nguyễn Văn Yên nêu rõ: Ban Chỉ đạo đã thống nhất phân hóa, phân loại đối tượng để xử lý. Trong đó, nguyên tắc là có tội phải xử lý, sai tới đâu xử lý tới đó. Người cần xử lý hình sự sẽ xử lý hình sự, người không cần thiết xử lý hình sự thì phân hoá xử lý bằng cách khác./.
Nguồn tin: Báo Chính Phủ