Xã hội

Khó tin ở nơi người mắc bệnh tâm thần nhiều như nấm sau mưa

Nhiều xã ở tỉnh Vĩnh Phúc có tới 150-160 người tâm thần - một số lượng rất bất thường khiến cho nhiều người không khỏi đặt dấu hỏi nghi ngờ trong đó ai là thật, ai là giả…

Hỏi tại sao nhiều chỉ cười trừ không đáp

Từng đoàn người xếp hàng dài dằng dặc hệt như cảnh mua gạo thời bao cấp đứng kiên nhẫn, chờ đợi trước UBND xã Đồng Tĩnh (huyện Tam Dương) để được lĩnh trợ cấp tâm thần. Có người lĩnh xong, khi trở ra, mặt mày hớn hở, khoe: “Tháng này tăng lương, được thêm mấy chục nghìn thành ra 770.000đ rồi các ông bà ạ!”.

Ông Nguyễn Quốc Đạt - Trạm trưởng Trạm y tế xã Đồng Tĩnh: “Với trên 160 người giai đoạn 2005-2007, chúng tôi mới chỉ đứng thứ 4 ở huyện về bệnh nhân tâm thần”

Ở quê bây giờ, tiếng là nông dân thuần túy nhưng cũng có vô số người được hưởng “lương” tức là một loại trợ cấp nào đó. Người đi bộ đội, thanh niên xung phong bị ảnh hưởng bởi chất độc có “lương” da cam. Người già trên 80 tuổi có “lương” cao tuổi. Người tâm thần nặng có “lương” khuyết tật. Số tiền không nhiều nhặn gì nhưng cũng là một món vô cùng quan trọng đối với họ và nếu tính rộng ra trên phạm vi cả xã, cả huyện, cả tỉnh, cả nước thì thành một khoản trợ cấp khổng lồ.

Tiếng là Đồng Tĩnh có đông người nhận trợ cấp khuyết tật tâm thần như thế nhưng lại có khá ít người đến trạm y tế xã để lấy thuốc chữa trị hàng tháng dù mắc bệnh này hầu như phải lệ thuộc vào thuốc điều trị đến suốt đời.

Bất kỳ một nhân viên phụ trách đối tượng tâm thần nào tại các trạm y tế xã thuộc tỉnh Vĩnh Phúc đều tỏ rõ sự ngượng ngập khi được hỏi về số lượng bệnh nhân của 5-10 năm trước. Đơn giản vì nó nhiều đến mức quá vô lý. Chị Phùng Thị Lan - y sĩ phụ trách bệnh tâm thần ở Trạm y tế Đồng Tĩnh cũng biểu lộ những cảm xúc như vậy khi thống kê cho tôi năm 2012 xã có tới 83 người tâm thần.

Về sau, Bệnh viện tâm thần tỉnh tổ chức khám sàng lọc và chỉ cấp thuốc cho các bệnh nhân động kinh, động kinh cộng tâm thần phân liệt và tâm thần phân liệt. Những đối tượng này được mặc định là bệnh nặng nên mới phải cấp thuốc chữa trị còn nhẹ hơn thì chỉ chịu sự quản lý trên giấy tờ của trạm y tế xã. Từ 83 người ấy, hiện tại trạm y tế đang quản lý một danh sách gồm 63 người, trừ vài ba người tử vong thì số còn lại theo chị Lan bị… loại. Tại sao lại loại thì tế nhị, không rõ.

Con số 83 tưởng là đã quá nhiều bởi tôi nhớ nhớ chị Bùi Thị Hạt - Trạm trưởng Trạm y tế xã Xuân Trúc (huyện Ân Thi, Hưng Yên) từng bảo rằng mỗi lần giao ban ở trên, xã chị đều được nêu như một điển hình nhiều nhất nhì bệnh nhân tâm thần của tỉnh với 53 người. Thế nhưng, theo ông Nguyễn Quốc Đạt - Trạm trưởng Trạm y tế Đồng Tĩnh cao điểm những năm 2005-2007 số lượng bệnh nhân tâm thần của xã từng vượt lên trên 160 người.

Một cuốn sổ ghi danh sách bệnh nhân tâm thần của xã Hướng Đạo

Hỏi tại sao lại nhiều thế, ông cười trừ: Chúng tôi không rõ. Không có những dòng họ nào điển hình mắc bệnh, nguồn nước tốt, nhà máy, xí nghiệp gây ô nhiễm hóa chất phóng xạ không có trên địa bàn thì chỉ còn có nguyên nhân tự nhiên mà thôi…

Cúng bái giúp giảm bệnh?

Từng vọt nhanh một cách đáng ngờ trong những năm 2005-2007 nhưng số lượng bệnh nhân tâm thần của Đồng Tĩnh từ năm 2012 trở lại đây lại giảm nhiều cũng đáng ngờ không kém. Tuy không lý giải được nguyên nhân đông lên một cách bất thường nhưng ông Đạt lại có thể cắt nghĩa được khá rành mạch nguyên nhân số lượng người bệnh giảm nhanh một cách đột ngột:

Một bệnh nhân tâm thần nặng phải nhốt vào cũi ở xã Hướng Đạo

Thứ nhất có thể do có những người vì yêu nhau mà không lấy được nhau nên phát bệnh nhưng khi gia đình nhờ thầy cúng bái lại bình thường. Chúng tôi đến tận nơi điều trị mãi mà họ chẳng khỏi, uống thuốc tây vào người mệt mỏi, lờ đờ đến nỗi thân thích cũng không thể nhận ra nhưng khi gia đình mời thầy cúng về lại khỏi, lại được uống rượu mừng lây. Thứ hai là do một số người mới mắc, bệnh còn nhẹ nên sau điều trị ổn định trở lại. Thứ ba là do một số người tai biến não thể nhẹ cũng có thể phục hồi được. Thứ tư là do một số người chết đi.

Tôi thắc mắc, số lượng người giảm kể cả khỏi, kể cả chết đi nữa cũng không thể đến gần trăm người, vậy thì phải chăng con số trên 160 người bệnh trước đây là “ảo”? Ông Đạt cười: Cái đó tôi không biết. Tôi đi họp người ta nói Hướng Đạo nghe đâu còn 280 bệnh nhân tâm thần mà xã đó dân số còn ít hơn Đồng Tĩnh rồi thì Hoàng Hoa cũng có nhiều, xã tôi chỉ đứng khoảng thứ 4 mà thôi...

Không thấy sự thỏa mãn với những thông tin từ lãnh đạo trạm y tế xã cung cấp, tôi xuống cơ sở thực tế. Ở khu 10 có gia đình bà Nguyễn Thị Lờ (đã đổi tên) có tới ba người gồm bà, em trai bà là Nguyễn Văn Bờ và cháu gái bà là Nguyễn Thị Hờ từng nằm trong danh sách bệnh nhân tâm thần. Đang dở tay cùng người em trai bốc xếp một đám ngói từ cái mái nhà cũ nhưng khi có khách lạ đến bà cũng vui vẻ dừng tay vào nhà, pha trà mời mọc.

Bà Lờ nói chuyện khá tỉnh táo, anh Bờ còn tỉnh táo hơn, chỉ có riêng cháu Hờ là nằm bệt giường, bệt chiếu, li bì không hề có chút nhận thức. Trước đây để đối phó với những cơn điên bất ngờ phá phách nhà cửa, bất thường trốn chạy cháu vẫn bị người thân lấy một sợi dây thừng buộc trâu để trói lại. Trên 20 tuổi, giờ sức khỏe của Hờ suy sụp như một cái bình vỡ đáy, người chỉ còn da bọc xương, không tự chủ nổi tiểu tiện đã đành mà ngay cả ăn uống cũng phải có người bón nên không cần dùng tới dây trói nữa.

Tôi gặp Lê Thị O (đã đổi tên) ở ngay bậc tam cấp của chùa làng khi bà đang mặc áo nâu sồng làm lễ cầu siêu tưởng niệm cho các anh hùng liệt sĩ dịp 27/7. Mặt mũi hồng hào, ánh mắt tinh nhanh, giọng nói điềm tĩnh nên không ai ngờ tên bà từng xuất hiện trong danh sách bệnh nhân tâm thần của xã. Ngay cả mấy người hàng xóm còn kể với tôi rằng bà vẫn trồng rau, chăn bò và chăm sóc cháu như người bình thường.

Bà Lê Thị O - một bệnh nhân tâm thần nhưng rất tỉnh táo ở xã Đồng Tĩnh (đã đổi tên)

Tuy đã bị gạt ra khỏi danh sách cấp thuốc cũng như quản lý bệnh nhân tâm thần nhưng bà vẫn còn được hỗ trợ hơn 700.000đ/tháng. Bà O có tới 5 người con nhưng khi về chiều chỉ còn hai vợ chồng già ở với nhau trong một ngôi nhà cấp bốn, gia cảnh không lấy gì làm khá giả cho lắm.

Trò chuyện cùng tôi bà liên tục than: “Oan lắm, cùng đi bộ đội với ông nhà tôi ai cũng được tiền hỗ trợ da cam mà chỉ có chồng tôi là không”. Tôi hỏi chồng bà có bị ảnh hưởng bệnh tật gì từ da cam, con cái bà có bị ảnh hưởng bệnh tật gì từ da cam thì bà lắc đầu bảo: “Không bị nhưng cũng có nhiều người không bị vẫn được tiền chế độ da cam đấy. Chúng tôi nuôi con khôn lớn vất vả lắm, 4 đứa giờ đi làm thuê chỉ có 1 đứa là giáo viên thôi. Thu nhập của cả hai vợ chồng chỉ trông vào mỗi khoản hỗ trợ người tâm thần của tôi, giá được thêm khoản hỗ trợ da cam của ông ấy nữa thì tốt”.

Người tâm thần thường khí sắc trầm tư, ánh mắt xa xăm, phong thái lờ đờ, đôi khi hay ngáp ngủ, mệt mỏi rất dễ nhận ra nhưng thực tế ở Vĩnh Phúc có những “bệnh nhân tâm thần” trông khôn khéo hệt như những người bình thường.



Tác giả: DƯƠNG ĐÌNH TƯỜNG

Nguồn tin: Báo Nông nghiệp Việt Nam

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP